BAOTAYNINH.VN trên Google News

Triển vọng từ mô hình nuôi thỏ 

Cập nhật ngày: 30/11/2017 - 14:23

BTN - Gần đây, nuôi thỏ được nhiều hộ dân ở xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu chọn làm mô hình chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình. Anh Nguyễn Văn Lượm, năm nay 40 tuổi, ngụ tại ấp Bàu Tràm Lớn được biết đến là một trong những hộ nuôi thỏ đạt hiệu quả cao.

Anh Lượm bên chuồng thỏ của mình.

Trước đây, anh Lượm kiếm sống bằng nghề làm thuê, làm mướn. Từ năm 2016, anh bắt đầu bén duyên với nghề nuôi thỏ.

Qua xem ti vi, anh thấy ở tỉnh Tiền Giang có nhiều mô hình chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao. Vậy là anh khăn gói lên đường đi học nghề. Xuống Tiền Giang, trong nhiều mô hình, anh Lượm cảm thấy có hứng thú với mô hình nuôi thỏ. Thế là, anh quyết định khởi nghiệp với nghề này. Ban đầu, do chưa có nhiều kinh nghiệm, anh gặp không ít khó khăn. Những con thỏ không phát triển tốt như anh mong đợi.

Nhờ chịu khó học hỏi, áp dụng kỹ thuật trong chăn nuôi, sau hai năm miệt mài gầy đàn, từ 10 con thỏ giống ban đầu, anh Lượm đã nhân số lượng lên đến trên 2.000 con. Trong đó, anh đã cho xuất bán hơn phân nửa, hiện tại trong chuồng còn khoảng 800 con thỏ. Sau một thời gian, anh nhận thấy nuôi thỏ cho hiệu quả kinh tế cao, ít rủi ro hơn một số vật nuôi khác và cho thu nhập đều đặn hơn. Hiện nay, trung bình mỗi tháng anh bán ra thị trường khoảng 100-200 con thỏ thịt và thỏ giống, thu về từ 8-10 triệu đồng. Ðể thu hút khách hàng, anh tổ chức giao hàng tận nhà và bán thỏ thịt làm sẵn. Với thỏ thịt sống, giá mỗi ký 70.000 đồng, còn thỏ thịt làm sẵn giá 120.000 đồng/kg.

Anh Lượm cho biết, nuôi thỏ dễ mà khó. Thỏ sinh sản khá nhanh, trung bình khoảng một tháng rưỡi đẻ một lứa, mỗi lứa từ 5-6 con. Nhưng nếu không biết cách chăm sóc, thỏ sẽ sinh sản không đều, thỏ con dễ bị chết. 15 ngày đầu tiên là giai đoạn quyết định tỷ lệ nuôi sống, bởi thỏ con lúc này rất yếu ớt, dễ bị tổn thương. Do đó, sau khi thỏ đẻ một ngày, nên tách riêng thỏ mẹ và thỏ con, đưa ổ con ra khỏi chuồng mẹ, chỉ cho gặp mẹ vào những giờ uống sữa. Làm như vậy thỏ con cũng ít bị nhiễm bệnh từ phân và nước tiểu của thỏ mẹ. Sau 15 ngày đầu tiên, khi thỏ con đã cứng cáp mới cho vào ở chung chuồng với thỏ mẹ, đến khi thỏ con dứt sữa thì bắt đầu tách hẳn mẹ. Theo anh Lượm, thỏ dễ ăn, nhưng thường bị bệnh về đường ruột, nên cần để ý, thăm dò xem loại thức ăn nào phù hợp với từng đàn thỏ.

Chuồng trại được anh Lượm đầu tư khá bài bản, đặt thoáng mát dưới bóng cây. Lồng thỏ làm bằng sắt, gắn hệ thống uống nước tự động. Chuồng trại được vệ sinh kỹ lưỡng, giúp hạn chế các bệnh thường gặp như nhiễm khuẩn, bệnh ghẻ. Nhờ được chăm sóc cẩn thận, đàn thỏ của anh phát triển khỏe mạnh, lông bóng mượt, sạch sẽ, được khách hàng ưa chuộng.

Ông Huỳnh Văn Cờ- Chủ tịch Hội Nông dân xã Tiên Thuận cho biết, hiện trên địa bàn xã có 5 hộ nuôi thỏ. Tuy quy mô còn nhỏ, nhưng bước đầu đã đem lại thu nhập khá cho các hộ. Nhận thấy mô hình này có triển vọng, có thể nhân rộng, Hội đã cho ra mắt tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi thỏ với 5 thành viên, tạo điều kiện trao đổi kinh nghiệm, liên kết tạo đầu ra sản phẩm, nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình. Hội Nông dân xã cũng đã hỗ trợ mỗi thành viên vay vốn chăn nuôi, với số tiền 10 triệu đồng/người để phát triển đàn thỏ.

THẾ ANH