BAOTAYNINH.VN trên Google News

Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài:

Triển vọng về một hướng đi mới

Cập nhật ngày: 17/02/2016 - 01:43

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm, chúc tết tại Công ty cổ phần Việt Nam - Mộc Bài hôm mùng Một tết Bính Thân.

Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài từng có một thời nhộn nhịp, tuy nhiên, sau khi chính sách miễn thuế bị bãi bỏ thì mọi hoạt động ở khu kinh tế này gần như bị đóng băng. Mới đây, khi đến tìm hiểu xung quanh vấn đề trên, phóng viên đã được ông Kiều Công Minh- Phó trưởng Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh chia sẻ niềm tin, rằng những năm sắp tới, Mộc Bài sẽ khởi sắc dựa vào phát triển công nghiệp. Và phát triển công nghiệp sẽ là yếu tố hạt nhân để hình thành khu đô thị tại đây.

Chuyển đổi công năng nhiều dự án

Theo phân tích của ông Kiều Công Minh, những năm trước đây các chính sách miễn thuế, phát triển thương mại được coi là động lực hạt nhân để hình thành đô thị nhưng hiện tại đã khác. “Chúng tôi xác định phải quay về động lực truyền thống, tức là muốn hình thành đô thị thì phải có sản xuất công nghiệp, như vậy mới tạo ra nhu cầu về dịch vụ và nhà ở”- ông Minh nói.

Ông cho biết, quan điểm của Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh (BQL) là sẽ tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện chuyển đổi công năng của những nơi không còn phù hợp làm thương mại chuyển sang làm công nghiệp. Đối với dự án xí nghiệp giày ở Mộc Bài, BQL đề nghị tỉnh hỗ trợ việc mở rộng diện tích của xí nghiệp này thêm khoảng 20 ha nữa để có thể thu hút thêm hơn 5.000 lao động, tạo nên xí nghiệp công nghiệp lớn hơn. Cũng cần chuyển đổi công năng của trung tâm thương mại Hiệp Thành trước đây, cụ thể là chuyển đổi tất cả cơ sở vật chất đầu tư có sẵn sang phục vụ dịch vụ kho bãi, dịch vụ logistics (bao gồm một hoặc nhiều công việc như nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan vv…vv…), như vậy tiềm năng phát triển ở đây là rất lớn.

Hiện nay, tại thành phố Bavet của nước bạn Campuchia có 7 khu công nghiệp hoạt động và hằng ngày họ đều mượn đường Mộc Bài để chuyển hàng hoá qua biên giới. Căn cứ vào việc thu phí hạ tầng biên giới có thể biết được mỗi ngày có từ 200 đến 300 container đi, về từ Campuchia. Do đó, cần phải có dịch vụ logistics để đáp ứng nhu cầu hoạt động công nghiệp ở Việt Nam cũng như ở nước bạn Campuchia. Tận dụng các cơ sở vật chất có sẵn để chuyển công năng sang dịch vụ logistics là một hướng chuyển mình phù hợp cho khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài.

Triển vọng từ các dự án lớn

Theo ông Minh, tín hiệu cho thấy khởi sắc của Mộc Bài đó là tình hình triển khai khu công nghiệp dệt nhuộm TMTC. Sau 4 tháng thi công, tốc độ san lấp mặt bằng cho khu công nghiệp này diễn ra rất nhanh. BQL cùng chủ đầu tư đang cố gắng thực hiện đúng tiến độ, vì ngoài điều kiện về mặt bằng còn phải có nguồn cung cấp nước sạch, có hạ tầng kỹ thuật điện và các hạ tầng khác để đáp ứng yêu cầu hoạt động của khu công nghiệp TMTC. Theo kế hoạch, quý I.2017 dự án sẽ được tiếp nhận vào khu công nghiệp, do đó, nhà đầu tư và BQL đang khẩn trương hoàn thành phần hạ tầng dự án.

Một triển vọng khác nằm ở Khu công nghiệp Đại An (cũng trong Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài) với quy mô 300 ha. Trong năm 2016, dự án này sẽ tập trung cho công tác chuẩn bị đầu tư, thu hồi đất, để năm 2017 sẽ tiến hành làm hạ tầng và dự án có thể được tiếp nhận vào năm 2018.

Có một thuận lợi lớn là trong quá trình triển khai gói dự án hạ tầng kỹ thuật, BQL được sự hỗ trợ từ phía Ngân hàng Phát triển Á Châu (ADB) với nguồn vốn  hơn 40 triệu USD để làm 12km đường cùng một nhà máy cấp nước công suất 7.000m3/ngày đêm và một nhà máy xử lý nước thải phục vụ cho khu đô thị mới nhằm tạo nên bộ mặt mới về hạ tầng giúp các nhà đầu tư yên tâm vào cuộc. Còn một mối kỳ vọng khác đó chính là đường cao tốc Hồ Chí Minh - Mộc Bài đã được Chính phủ đồng ý đẩy nhanh tiến độ triển khai trước năm 2020. Công trình này sẽ mở ra một triển vọng rất lớn cho sự phát triển ở Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, bởi nơi đây là cửa ngõ  kết nối các nguồn lực hành lang kinh tế xuyên Á.

“Với kế hoạch triển khai về phát triển công nghiệp, hy vọng Mộc Bài sẽ có bước chuyển mình chắc chắn. Khi các xí nghiệp công nghiệp vào đây, có dự án đầu tư tức là sẽ có người lao động, có nhu cầu tiêu dùng… và đó sẽ là yếu tố hạt nhân để hình thành đô thị. Hướng đi mới sẽ tháo gỡ khó khăn cho Mộc Bài, tạo một động lực mới để phát triển khu kinh tế cửa khẩu này. Đó là khi chúng ta phát triển được các khu công nghiệp tại đây, phát triển được dịch vụ logistics và các dịch vụ về chăm sóc sức khoẻ, du lịch ngay tại cửa khẩu”- ông Minh nhận định.

Tuy nhiên, ông Minh cũng cho rằng để những điều kỳ vọng trên trở thành hiện thực thì phải có sự nỗ lực rất lớn của chính quyền địa phương cũng như các nhà đầu tư. Và còn phải có được sự ủng hộ từ phía người dân.

Ngài Park Yen Cha- Chủ tịch Tập đoàn Taekwang (Hàn Quốc) đón tiếp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Công ty cổ phần Việt Nam - Mộc Bài (ảnh: Hoàng Anh)

Chủ động đón đầu TPP

Liên quan đến vấn đề chủ động đón đầu thu hút các nhà đầu tư khi Việt Nam gia nhập TPP (Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương), ông Kiều Công Minh chia sẻ: thật ra vấn đề Việt Nam tham gia TPP đã được các doanh nghiệp cũng như lãnh đạo tỉnh nhà quan tâm từ 2 năm qua, khi Việt Nam đàm phán với các nước xung quanh những vấn đề có liên quan chứ không phải đợi đến lúc này.

Những bước chuẩn bị cho TPP được thực hiện ở các lĩnh vực giày da, may mặc và chế biến gỗ. Tỉnh đã cho chủ trương thành lập các phân khu công nghiệp hỗ trợ, chuẩn bị tiếp đón các nhà đầu tư. Phân khu được triển khai trong 2 năm qua, cho kết quả phù hợp với xu hướng đón đầu phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Bộ Công Thương.

“Đến giờ phút này đã có khoảng 10 doanh nghiệp ngành may mặc thuộc loại hàng đầu trong khu vực đã đến Tây Ninh với quy mô lớn: trên 100 triệu USD/dự án. Có dự án 400 triệu USD, sử dụng diện tích lên đến hàng trăm ha”- ông Minh cho biết và thông tin thêm: công tác triển khai dự án được làm rất nhanh, qua đó giải quyết việc làm cho khoảng 3.000 lao động.

“Phải nói rằng, Tây Ninh đã chuẩn bị đón đầu TPP từ rất sớm so với nhiều tỉnh khác và bước đầu cũng đã có những thành công trong công tác thu hút đầu tư, trong tổ chức sản xuất các phân khu công nghiệp phụ trợ”- ông Minh nhận định. Theo dự báo của BQL, trong năm 2016 và 2017, Tây Ninh sẽ đạt những kết quả tích cực trong thu hút đầu tư. Đồng thời kỳ vọng các doanh nghiệp đã sản xuất ổn định sẽ tăng công suất hoạt động. Về mặt bằng đất đai, Tây Ninh đã chuẩn bị sẵn sàng, song song đó, các cơ quan giải quyết thủ tục hành chính sẽ tích cực tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp mạnh dạn tham gia đầu tư.

Vấn đề quan tâm còn lại là huy động nguồn lao động có khả năng đáp ứng yêu cầu lao động cho các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp ở khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài. Đặc biệt là phải tiếp tục phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội giúp giảm chi phí cho các nhà đầu tư- từ chi phí thuê đất cho đến chi phí vận chuyển và các chi phí dịch vụ phụ trợ khác.

HẢI NAM

Luỹ kế đến tháng 8.2015, Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài còn lại 35 nhà đầu tư đăng ký 46 dự án (2 dự án đầu tư nước ngoài, 44 dự án trong nước), diện tích đất đăng ký sử dụng là 1.936 ha, tổng vốn đăng ký đầu tư là 6.765 tỷ đồng và hơn 122 triệu USD, tạo công ăn việc làm cho khoảng 15.000 lao động, trong đó hơn 90% lao động là người của địa phương huyện Bến Cầu và các vùng phụ cận.