Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Triệu chứng đậu mùa khỉ ở trẻ em
Thứ hai: 11:09 ngày 29/08/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Tương tự người lớn, khi mắc đậu mùa khỉ, trẻ sẽ bị phát ban, sốt, đau cơ, nổi hạch và mệt mỏi.

Đậu mùa khỉ lây lan ngày càng mạnh trên toàn cầu, đặc biệt là ở Mỹ. Ít nhất 17 trẻ em, thanh thiếu niên ở nước này đã được phát hiện mắc đậu mùa khỉ.

Tương tự người lớn, bệnh đậu mùa khỉ lây lan ở trẻ em và thanh thiếu niên qua tiếp xúc cá nhân gần gũi như ôm, hôn, nói chuyện ở khoảng cách gần, da kề da... với người bệnh. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cũng lưu ý khả năng virus lây lan qua các đồ vật hoặc bề mặt bị ô nhiễm như quần áo, khăn tắm, ga trải giường...

Triệu chứng

Theo CDC, triệu chứng mắc đậu mùa khỉ ở trẻ em và thanh thiếu niên tương tự người lớn. Trong đó, điển hình nhất là phát ban tiến triển từ tổn thương dát mỏng đến mụn nước, mụn mủ và cuối cùng là đóng vảy.

Trước đợt bùng phát dịch đậu mùa khỉ đa quốc gia năm nay, sốt và nổi hạch là những triệu chứng điển hình của bệnh. Tuy nhiên, bệnh cảnh đã thay đổi và hai tình trạng này không phải lúc nào cũng xảy ra.

Các triệu chứng khác có thể xuất hiện như mệt mỏi, đau đầu. Khi người bệnh có tổn thương vùng hầu họng, triệu chứng đi kèm là khó nuốt và ho.

Tổn thương nội nhãn, sưng mí mắt hoặc đóng vảy mí mắt cũng có thể xảy ra khi người bệnh có tổn thương ở gần hoặc trong mắt, do bệnh nhân dùng tay nhiễm virus chạm vào các vị trí này.

Các triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ thường khởi phát trong vòng 3 tuần kể từ khi tiếp xúc với virus.

Theo CDC, nhóm trẻ có nguy cơ trở nặng khi mắc đậu mùa khỉ là những trẻ dưới 8 tuổi. Các em có xu hướng gặp biến chứng như viêm phổi, viêm não. Các vết loét do virus đậu mùa khỉ gây cũng dễ dẫn đến nhiễm trùng, viêm mô tế bào, nhiễm trùng máu.


Trẻ em tiếp xúc với người mắc đậu mùa khỉ cần được theo dõi chặt chẽ trong vòng 21 ngày. Ảnh: Fortune.

Dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác

Trong đợt bùng phát hiện nay, ở người lớn, phát ban thường nằm trên hoặc gần bộ phận sinh dục, hậu môn. Song, nó cũng có thể xuất hiện ở những khu vực khác như bàn tay, bàn chân, ngực, mặt hoặc miệng. Một số người gặp các triệu chứng giống cúm và sau đó 1-4 ngày sẽ bị phát ban. Một số người khác có triệu chứng đầu tiên là phát ban, sau đó mới đến ốm giống cúm. Số khác chỉ bị phát ban.

Các chuyên gia y tế cho biết trẻ em bị phát ban rất nhiều, vì vậy, cha mẹ nên đến gặp bác sĩ nếu trẻ xuất hiện phát ban.

Phát ban khi mắc đậu mùa khỉ thường dễ nhầm với các bệnh lý truyền nhiễm khác ở trẻ em như thủy đậu, tay chân miệng, sởi, ghẻ lở, herpes, giang mai, dị ứng...

Triệu chứng phát ban ở trẻ mắc đậu mùa khỉ thường dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh lý truyền nhiễm khác như thủy đậu, tay chân miệng... Ảnh: Daily Record.

Tiến sĩ Ibukan Kalu, Trợ lý giáo sư nhi khoa tại Trường Y Duke, Giám đốc y tế về phòng chống nhiễm trùng trẻ em tại Trung tâm Y tế Đại học Duke, khuyến cáo phụ huynh nên chụp ảnh phát ban và theo dõi sự phát triển của nó. Nếu các vết phát ban trông giống nhau và không nặng hơn, có hiện tượng đóng vảy sau vài ngày, rất có thể trẻ đã mắc đậu mùa khỉ.

Tuy nhiên, vết phát ban này cũng khó có khả năng là do đậu mùa khỉ nếu trẻ không tiếp xúc da kề da, gần gũi với người bệnh.

Trẻ em cũng có nguy cơ bị đồng nhiễm các bệnh này với đậu mùa khỉ. Do đó, trẻ em và thanh thiếu niên nếu có các dấu hiệu, triệu chứng nghi ngờ cần được xét nghiệm đậu mùa khỉ và các bệnh lý khác, kiểm tra tiền sử tiếp xúc.

Làm gì khi trẻ mắc đậu mùa khỉ?

Theo CDC, cả người lớn và trẻ em mắc đậu mùa khỉ đều cần được theo dõi chặt chẽ trong suốt thời gian bị bệnh. Phác đồ điều trị cho trẻ em, thanh thiếu niên mắc bệnh cũng tương tự người lớn.

Trẻ sơ sinh nên ở trong phòng riêng và không tiếp xúc với cha mẹ, người chăm sóc bị bệnh hoặc có tiền sử tiếp xúc nguồn lây.

Nếu con tiếp xúc gần người mắc bệnh, phụ huynh nên theo dõi chặt trẻ trong vòng 21 ngày. Khi con xuất hiện triệu chứng, cha mẹ nên cách ly và cho trẻ đeo khẩu trang.

Đặc biệt, phụ huynh và bác sĩ cần chú ý che chắn vùng da bị tổn thương, tránh để trẻ gãi hoặc sờ tay vào mắt. Trẻ cần được bổ sung đủ nước.

Nguồn zingnews

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh