BAOTAYNINH.VN trên Google News

Triều Tiên bác bỏ đề xuất đàm phán của Hàn Quốc

Cập nhật ngày: 27/04/2013 - 05:36
HTML clipboard

Hôm 26.4, Uỷ ban Quốc phòng Triều Tiên chính thức bác bỏ đề xuất đàm phán nối lại hoạt động của Khu công nghiệp chung Kaesong, đặt tại thành phố biên giới của nước này.

Uỷ ban Quốc phòng Triều Tiên– cơ quan lãnh đạo tối cao của nước này nhấn mạnh, lời đề nghị đàm phán của Hàn Quốc được đưa ra với một thái độ “không thể tha thứ được”, cho thấy, chính quyền Seoul hoàn toàn không vì mục tiêu tìm kiếm hoà bình. “Nếu chính quyền bù nhìn tại miền Nam (Hàn Quốc) làm ngơ trước tình hình thực tế và tiếp tục làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn, Triều Tiên buộc phải đưa ra biện pháp cuối cùng và quyết định".

Công nhân Triều Tiên làm việc tại Khu công nghiệp chung Kaesong. Ảnh: BBC

Trước đó, hôm 25.4, Hàn Quốc tuyên bố, Triều Tiên chỉ có 24 giờ để trả lời việc nối lại đàm phán xung quanh vấn đề mở cửa trở lại Khu công nghiệp chung Kaesong. Kim Hyung-suk, người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc cảnh báo, Triều Tiên sẽ phải đối mặt với “những biện pháp mạnh mẽ”, nhưng không nói rõ đó là hành động gì.

Giới quan sát nhận định, vào thời điểm hiện nay, chính quyền Seoul chỉ còn có cách là rút toàn bộ 175 nhà quản lý Hàn Quốc hiện còn ở lại Kaesong. Điều này cũng có nghĩa là đặt dấu chấm hết cho biểu tượng duy nhất minh chứng mối quan hệ hợp tác giữa hai miền Triều Tiên trong những năm qua. Khu công nghiệp chung Kaesong được thành lập vào năm 2004, là một phần của Chính sách Ánh Dương do Tổng thống Hàn Quốc, khi đó là ông Kim Dae Jung, đề ra nhằm thúc đẩy tiến trình hoà giải, hoà bình giữa hai miền Triều Tiên.

Khi Triều Tiên chưa ra lệnh đóng cửa (đầu tháng 4.2013), có khoảng 53.000 công nhân Triều Tiên làm việc cho 123 doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Khu công nghiệp chung này. Mỗi năm, chính quyền Bình Nhưỡng thu lợi từ Kaesong khoảng 90 triệu USD. Đó là chưa kể, mỗi công nhân Triều Tiên làm việc tại đây đều được trả lương với mức trung bình khoảng 130 USD/tháng– một khoản thu nhập không hề nhỏ ở nước này.

Có tin cho biết, sở dĩ Hàn Quốc hối thúc Triều Tiên đàm phán vì 175 nhà quản lý Hàn Quốc ở lại Kaesong để bảo vệ tài sản, trị giá gần 900 triệu USD, đang rơi vào tình trạng thiếu lương thực và các loại nhu yếu phẩm do phía Triều Tiên cấm tiếp tế từ hôm 3.4.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon, người từng giữ chức Ngoại trưởng Hàn Quốc từ tháng 1.2004 đến tháng 10.2006, kêu gọi Seoul và Bình Nhưỡng ngồi lại để thảo luận về việc mở cửa trở lại Khu công nghiệp chung Kaesong. Từng là một trong những nhà ngoại giao có nhiều đóng góp trong việc thực hiện Chính sách Ánh Dương, ông Ban Ki-moon nhấn mạnh rằng, Kaesong không chỉ là một hình mẫu thành công trong mối quan hệ hợp tác liên Triều nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế mà còn đóng vai trò là “cầu nối giữa hai miền Triều Tiên”.

THUÝ TRINH

(Theo Reuters/Yonhap News)