Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
CHDCND Triều Tiên vừa ra tuyên bố đe doạ sẽ thử nghiệm hạt nhân và tên lửa đạn đạo tầm xa nếu Liên Hợp Quốc không xin lỗi việc áp đặt các biện pháp cấm vận đối với nước này.

![]() |
Binh lính, công nhân và sinh viên Triều Tiên đặt hoa tưởng niệm trước tượng đại cố lãnh tụ Kim Nhật Thành nhân kỷ niệm 77 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Triều Tiên hôm 25.4. Ảnh: Reuters |
Ngày 29.4, CHDCND Triều Tiên ra tuyên bố đe doạ sẽ thử nghiệm hạt nhân và tên lửa đạn đạo tầm xa nếu Liên Hợp Quốc không xin lỗi việc áp đặt các biện pháp cấm vận đối với nước này.
Những lời đe doạ này có thể sẽ làm tăng thêm tình hình căng thẳng kể từ sau vụ Triều Tiên phóng vệ tinh hôm 5.4 mà Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc cho đó là “màn tung hoả mù”, che đậy việc thử nghiệm công nghệ tên lửa đạo tầm xa. Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này tuyên bố: “Trong trường hợp, Hội đồng Bảo an LHQ không đưa ra lời xin lỗi ngay lập tức… CHDCND Triều Tiên buộc phải tiến hành thêm những biện pháp tự phòng vệ để bảo vệ quyền và lợi ích tối cao của đất nước. Trong những biện pháp này sẽ gồm cả việc thử nghiệm hạt nhân và phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa”.
Cho đến chiều tối cùng ngày, bộ ngoại giao các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc vẫn chưa có bình luận gì. Hãng tin Reuters cho biết, những lời đe doạ “nặng ký” của Triều Tiên được đưa ra chỉ một vài giờ sau khi HĐBA đưa 3 công ty của nước này vào danh sách các công ty bị phong toả tài sản và cấm giao dịch vì có liên quan đến chương trình tên lửa và hạt nhân.
Theo các nhà phân tích, lời đe doạ trên rất có thể trở thành sự thật vì Triều Tiên không giấu mục tiêu trở thành cường quốc hạt nhân để củng cố vị thế của mình khi đàm phán với Mỹ, quốc gia mà Triều Tiên cho rằng sẽ không bao giờ nhìn nhận họ như một đối tác ngang hàng.
Năm 2006, Triều Tiên bị HĐBA ra nghị quyết cấm vận vì tiến hành thử nghiệm hạt nhân. Hiện nay, Mỹ và nhiều quốc gia cho rằng, Triều Tiên có đủ lượng plutonium để chế tạo ít nhất 6 quả bom hạt nhân. Tuy nhiên, theo các chuyên gia quân sự, Triều Tiên vẫn chưa nắm bắt được kỹ thuật chế tạo đầu đạn hạt nhân loại nhỏ để gắn vào tên lửa.
Đ. Hoàng Thái
(Theo Reuters & AP)