BAOTAYNINH.VN trên Google News

Triều Tiên phớt lờ sự phản đối của quốc tế về vụ phóng vệ tinh

Cập nhật ngày: 08/12/2012 - 06:08

Bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế, Triều Tiên vẫn quyết tâm theo đuổi việc phóng tên lửa đưa vệ tinh vào vũ trụ, dự kiến diễn ra trong khoảng thời gian từ ngày 10 - 22.12.

Hãng thông tấn Yonhap dẫn nguồn tin quân sự cấp cao tại Seoul cho biết, những bức ảnh chụp được từ vệ tinh đa chức năng Arirang-3 của Hàn Quốc vừa công bố hôm 6.12 cho thấy, gần bãi phóng tên lửa cao 50m có một máy nén khí và một xe bồn. Gần trung tâm điều khiển và văn phòng là vài chiếc ô-tô, xe tải và xe chuyên dụng. Ngoài ra, trong ảnh chụp vệ tinh tại khu vực trên còn có 2 xe rơ-mooc, vốn trước đó được sử dụng để vận chuyển tầng 1 và 2 của tên lửa.

Theo kết quả phân tích ảnh chụp vệ tinh mới nhất, Triều Tiên đang xem xét kỹ phần thân tên lửa và trạm nghiên cứu đang kiểm tra mạng thông tin. Tuy nhiên, nguồn tin quân sự cũng lưu ý rằng, rất khó để nhận ra hoạt động bơm nhiên liệu bởi đường ống dẫn nhiên liện được lắp đặt ngầm dưới đất.

Tên lửa Unha-3 của Triều Tiên được đặt trên bệ phóng trong lần phóng vệ tinh thất bại hồi tháng 4.2012. Ảnh: Reuters

"Ngay sau khi (Triều Tiên) hoàn tất việc bơm nhiên liệu vào bồn chứa, dự kiến họ sẽ bơm nhiên liệu cho tên lửa. Việc bơm nhiên liệu cho tên lửa có thể bắt đầu vào ngày 8.12" – nguồn tin trên cho biết. Bồn chứa nhiên liệu đặt tại vị trí cách bãi phóng tên lửa Dongchang-ri khoảng 80m. Các chuyên gia cho rằng, ngay khi tên lửa sẵn sàng, Triều Tiên sẽ dựa vào điều kiện thời tiết để chọn ngày phóng tên lửa.

Đây sẽ là lần thứ hai Bình Nhưỡng tiến hành phóng tên lửa mang vệ tinh Kwangmyongsong-3 vào quỹ đạo, sau lần thất bại đầu tiên hồi tháng 4.2012. Lần thử nghiệm này được thông báo đúng thời điểm diễn ra bầu cử Tổng thống Hàn Quốc và tổng tuyển cử tại Nhật Bản.

Bình Nhưỡng khẳng định vụ phóng tên lửa hoàn toàn vì mục đích hoà bình nhưng nước láng giềng Hàn Quốc và quốc gia lân cận Nhật Bản và cả Mỹ đều cảm thấy lo ngại.

Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và nhiều nước khác coi đây là một vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm xa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Hiện tại, Hải quân Mỹ đang điều động 3 đến 4 tàu chiến trang bị tên lửa đạn đạo vào vùng biển phía Tây Thái Bình Dương nhằm kiểm soát vụ phóng tên lửa của Triều Tiên và có kế hoạch bắn chặn tên lửa mang vệ tinh của nước này nếu cảm thấy đó là mối đe doạ. Các tàu chiến này sẽ được bố trí tại các vị trí tốt nhất

Đô đốc Samuel Locklear - Tư lệnh các lực lượng Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết, các chiến hạm đã ổn định vị trí ở những khu vực thuận lợi nhất để có thể dễ dàng xác định đường đi của tên lửa Triều Tiên kể từ khi nó rời khỏi mặt đất cũng như toàn bộ quá trình bay. Giới chức Mỹ đang theo dõi sát sao quá trình chuẩn bị vụ phóng tên lửa, đồng thời kêu gọi nước này huỷ vụ phóng.

Trong khi đó, hãng thông tấn Kyodo của Nhật Bản đưa tin, cũng trong ngày 7.12, Bộ trưởng Quốc phòng nước này đã ra lệnh chuẩn bị sẵn sàng bắn hạ tên lửa của Triều Tiên, nếu có nguy cơ mảnh vỡ tên lửa rơi xuống lãnh thổ Nhật Bản. Chỉ thị của Bộ trưởng Quốc phòng Satoshi Morimoto được đưa ra sau cuộc họp Hội đồng An ninh của Nhật Bản, với sự tham dự của Thủ tướng Yoshihiko Noda cùng các thành viên Nội các, bàn về kế hoạch đối phó với vụ phóng tên lửa mang theo vệ tinh của Triều Tiên.

Nhật Bản cũng đã triển khai tàu hải quân có trang bị hệ thống tên lửa đánh chặn Patriot đến quần đảo phía nam Ishigaki để sẵn sàng đối phó với tên lửa Triều Tiên. Tàu hải quân JDS Kunisaki đã đưa hai hệ thống tên lửa đánh chặn Patriot Advanced Capability-3 tới đảo Ishigaki, nằm cách Okinawa khoảng 400km về phía tây nam. Ngoài ra, tên lửa này cũng sẽ được triển khai ở Okinawa.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng đã ra mệnh lệnh tương tự để đối phó với vụ phóng vệ tinh tháng 4 của CHDCND Triều Tiên, tuy nhiên vụ phóng này đã thất bại.

THUÝ TRINH

(Theo Yonhap News)