Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Ngày 25.4, chỉ vài giờ sau khi Liên Hợp Quốc áp đặt các biện pháp cấm vận mới để trừng phạt CHDCND Triều Tiên vì vụ phóng tên lửa mới đây, Bình Nhưỡng đã tái khởi động các cơ sở hạt nhân của nước này.

![]() |
Lò phản ứng hạt nhân tại Yongbyon được chụp từ vệ tinh. Ảnh: AFP |
Ngày 25.4, chỉ vài giờ sau khi Liên Hợp Quốc áp đặt các biện pháp cấm vận mới để trừng phạt CHDCND Triều Tiên vì vụ phóng tên lửa mới đây, Bình Nhưỡng đã tái khởi động các cơ sở hạt nhân của nước này. Động thái trên được coi là một bước lùi đối với một thoả thuận 6 bên năm 2007 - được ký kết sau vụ thử hạt nhân của CHDCND Triều Tiên năm 2006, theo đó kêu gọi Bình Nhưỡng giải trừ hạt nhân để đổi lấy viện trợ năng lượng và các ưu đãi khác.
Hãng thông tấn quốc gia Triều Tiên (KCNA) dẫn lời một quan chức Bộ Ngoại giao nước này cho biết: "Quá trình tái chế các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng tại nhà máy điện nguyên tử đã bắt đầu”. Vị quan chức này khẳng định: “Việc chiết xuất plutonium ở mức có thể chế tạo vũ khí sẽ góp phần tăng cường hiệu quả của lá chắn hạt nhân trong việc tự vệ của Bình Nhưỡng trước những đe doạ quân sự ngày càng tăng từ những thế lực thù địch".
Trước đó, Liên Hợp Quốc đã thực thi các biện pháp trừng phạt đối với ba công ty bị cáo buộc hậu thuẫn vụ phóng rocket gây tranh cãi của CHDCND Triều Tiên ngày 5.4 bao gồm: Tập đoàn Thương mại phát triển khai khoáng mỏ Triều Tiên (KOMID), Tổng công ty Korea Ryongbong và Ngân hàng Thương mại Tanchon. Ngoài ra, Uỷ ban trừng phạt của Liên Hợp Quốc cũng đã nhất trí kéo dài thêm danh sách những nguyên vật liệu, thiết bị, máy móc và công nghệ bị cấm xuất khẩu sang CHDCND Triều Tiên hoặc nhập khẩu từ nước này. Danh sách trên sẽ bao gồm thêm một số công nghệ mới nhất có liên quan đến các chương trình tên lửa đạn đạo. Đây được xem là động thái đầu tiên chống Bình Nhưỡng kể từ khi Liên hợp quốc chính thức lên án vụ phóng tên lửa hồi đầu tháng 4.2009.
Bình Nhưỡng được tin là đã có đủ plutonium để chế tạo từ 6 đến 8 quả bom nguyên tử. Ngoài ra họ còn có thể phân tách đủ nguyên liệu từ các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng để sản xuất thêm một quả bom nữa. Điều này khiến Mỹ và các cường quốc trên thế giới lo ngại, trong nhiều năm qua, họ đã cố gắng tìm mọi cách để ngăn chặn tham vọng làm giàu hạt nhân của Bình Nhưỡng.
TÙNG LÂM
(Theo AFP, AP)