Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Tình hình bán đảo Triều Tiên ngày càng trở nên căng thẳng ngay sau khi Hội đồng Bảo an ra tuyên bố lên án vụ phóng tên lửa của CHDCND Triều Tiên.

![]() |
Tình hình bán đảo Triều Tiên ngày càng trở nên căng thẳng ngay sau khi Hội đồng Bảo an ra tuyên bố lên án vụ phóng tên lửa của CHDCND Triều Tiên.
Ngày 15.4, Hàn Quốc lại tiếp tục đổ dầu vào lửa khi thông báo sẽ bắt đầu thực thi kế hoạch cấm các hoạt động thương mại tình nghi có thể giúp Triều Tiên chế tạo tên lửa. Đây là một phần trong Sáng kiến mở rộng an ninh (PSI) do Mỹ đề xuất, theo đó Hàn Quốc có thể kiểm tra tàu vận tải của Triều Tiên đi qua lãnh hải nước mình nếu như tình nghi tàu đó vận chuyển vũ khí hoặc các thiết bị nằm trong danh mục cấm buôn bán cho Triều Tiên. Sáng kiến PSI hiện đã có 94 quốc gia ủng hộ.
Theo các nhà phân tích, Sáng kiến PSI của Mỹ cho dù có thể gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với CHDCND Triều Tiên nhưng sẽ càng làm cho tiến trình đàm phán giải giáp hạt nhân với nước này rơi vào ngõ cụt. Đối với Hàn Quốc hay Nhật Bản, bất kỳ hành động kiểm tra tàu vận tải của CHDCND Triều Tiên cũng đều có thể bị nước này xem là gây chiến. Có một thực tế là, Triều Tiên luôn tỏ ra cứng rắn và sẽ có những biện pháp trả đũa thích hợp, đặc biệt là việc sử dụng con bài hạt nhân.
Chỉ một vài ngày sau khi Triều Tiên tuyên bố rút khỏi vòng đàm phán 6 bên, chính phủ nước này đã ra tuyên bố sẽ tái khởi động nhà máy sản xuất nguyên liệu hạt nhân plutonium Yongbyon. Ngày 15.4, Triều Tiên đã chính thức yêu cầu các nhà thanh sát của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) rời khỏi cơ sở này. Các chuyên gia cho rằng, Triều Tiên sẽ phải mất 3 tháng mới phục hồi việc chiết xuất plutonium. Tuy nhiên, cũng có thể đây là chỉ là một phản ứng trả đũa mang tính “đe doạ”, buộc các quốc gia liên quan như Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản phải nhượng bộ.
Tháng 6.2008, CHDCND Triều Tiên đã cho phá bỏ tháp làm lạnh ở Yongbyon (ảnh – Reuters) trong chương trình đổi viện trợ lấy chương trình hạt nhân. Tuy nhiên, chương trình này đã bị gián đoạn vì những bất đồng giữa Triều Tiên và Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc.
HY UYÊN
(Theo Reuters)