Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Huyện Dương Minh Châu:
Trình diễn thí điểm áp dụng cơ giới hóa trong trồng đậu phộng
Chủ nhật: 13:08 ngày 05/08/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Vừa qua, tại xã Cầu Khởi huyện Dương Minh Châu, Công ty CP tư vấn đầu tư và dịch vụ nông nghiệp Việt Nam (Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp phía Nam) tổ chức hội thảo, tập huấn và trình diễn thâm canh tổng hợp áp dụng cơ giới hóa sản xuất đậu phộng tại khu vực đất cao su mới trồng, thuộc Nông trường cao su Cầu Khởi.

Vụ hè thu 2018 này, công ty đã hợp tác với nông trường trình diễn thực tế các loại máy như máy rải phân, gieo hạt, phun thuốc BVTV; máy thu hoạch đậu phộng và máy bứt củ đậu theo mô hình khép kín từ khâu gieo trồng đến thu hoạch trên phần diện tích khoảng 14 ha (đất cao su non).

Đại diện Công ty CP tư vấn đầu tư và dịch vụ nông nghiệp Việt Nam giới thiệu cơ chế hoạt động của máy gieo hạt đậu phộng.

Khi thu hoạch, nếu đất khô không cần phải tưới nước vẫn thu hoạch bình thường, thay vì trước đây bà con nông dân phải tưới tạo độ ẩm.

Theo ông Nguyễn Văn Nhân- Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tây Ninh, đây là mô hình liên kết sản xuất đậu phộng theo hướng cánh đồng mẫu lớn, ứng dụng KH-CN phục vụ xây dựng nông thôn mới được các cấp lãnh đạo tỉnh, huyện quan tâm, nhất là góp phần mạnh dạn xen canh cải tạo cho đất màu mỡ hơn.

Trên thực tế, trước đây, lúc cao điểm, diện tích cây đậu phộng của tỉnh Tây Ninh lên đến 25.000 ha, đến nay giảm dần, thu hẹp còn khoảng trên dưới 6.000 ha. Nguyên nhân chủ yếu do từ khâu gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch đa số bằng phương pháp thủ công. Lúc cao điểm, nông dân luôn bị động và rất khan hiếm về nhân công, từ đó chi phí tăng quá cao.

Tại buổi trình diễn, kỹ sư Đỗ Hồng Quân- Giám đốc Công ty CP tư vấn đầu tư và dịch vụ nông nghiệp Việt Nam cho biết: các thiết bị nông nghiệp công nghệ mới của đơn vị đã được cấp chứng nhận và kiểm định của Bộ NN&PTNT, ứng dụng có hiệu quả từ hơn 2 năm qua. Phía công ty cũng đã đưa đi trình diễn mô hình cơ giới hóa tại các tỉnh phía Bắc, khu vực miền Trung và các tỉnh phía Nam như Bình Thuận, An Giang, Trà Vinh, Kiên Giang.  

Việc ứng dụng cơ giới hóa, trước mắt sẽ giúp nông dân giảm từ 70-90% thời gian lao động và giảm từ 30-50 % chi phí so với làm thủ công, người nông dân sẽ không còn phải  phụ thuộc vào nhân công, vừa giảm được giá thành trong sản xuất, nâng cao thu nhập.

Hoa Hiệp

Tin cùng chuyên mục