Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Sau gần một năm bị truy nã, Trịnh Xuân Thanh đã đến Trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đầu thú.
Ông Trịnh Xuân Thanh thời kỳ làm bí thư đảng ủy, chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) - Ảnh: T.L
Ngày 31-7, Bộ Công an cho biết Trịnh Xuân Thanh (sinh ngày 13-2-1966, thường trú tại nhà 24 - C2 Ciputra, Tây Hồ, Hà Nội) đã đến Trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đầu thú.
Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, lúc 22h đêm 16-9-2016, Cơ quan cảnh sát điều tra (C46) Bộ Công an chính thức phát thông báo truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế bị can Trịnh Xuân Thanh, nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, nguyên chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).
Thông báo của cơ quan điều tra cho biết: ngày 16-9, Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can số 363/C46(P12) đối với Trịnh Xuân Thanh về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (quy định tại điều 165 Bộ luật hình sự); đồng thời ra lệnh bắt tạm giam và lệnh khám xét đối với Trịnh Xuân Thanh.
Tuy nhiên, sau khi xác định bị can Trịnh Xuân Thanh đã bỏ trốn, căn cứ các điều 34, 82, 161, 169, 187, 256 và 260 Bộ luật tố tụng hình sự, Cơ quan cảnh sát điều tra ra quyết định số 19/C46-P12 truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế đối với Trịnh Xuân Thanh.
Liên quan việc điều tra vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại PVC, ngày 15-9, Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can bốn người đã và đang là các lãnh đạo của PVC.
Trước đó, tháng 7-2016, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có thông báo về vụ việc của ông Trịnh Xuân Thanh.
Theo thông báo này, trong thời gian từ năm 2007-2013, trên các cương vị là phó bí thư Đảng ủy, tổng giám đốc, bí thư Đảng ủy, chủ tịch hội đồng quản trị Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), mặc dù đã có kiến nghị, cảnh báo của các cơ quan thanh tra, kiểm toán về tình hình thua lỗ và tiềm ẩn thua lỗ, nhưng ông Trịnh Xuân Thanh và Ban Thường vụ Đảng ủy, hội đồng quản trị, ban tổng giám đốc, ban kiểm soát Tổng Công ty đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý điều hành, thiếu kiểm tra, giám sát, làm trái các quy định của pháp luật về quản lý kinh tế.
Đã để xảy ra nhiều sai phạm và thua lỗ 3.298,27 tỷ đồng (giai đoạn 2011-2013), nhiều tổ chức, cá nhân trong tổng công ty bị kỷ luật và xử lý hình sự.
Những vi phạm, thua lỗ nêu trên là nghiêm trọng, tạo dư luận xấu, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Với cương vị là người đứng đầu, ông Trịnh Xuân Thanh phải chịu trách nhiệm chính về những khuyết điểm, vi phạm nêu trên.
Tuy nhiên, ông Trịnh Xuân Thanh chưa nghiêm túc, thành khẩn tự giác nhận trách nhiệm, khuyết điểm, vi phạm của bản thân.
Khi được thuyên chuyển vào Hậu Giang công tác, với cương vị là Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Thanh đã dùng biển số xe công gắn vào xe ôtô tư nhân để sử dụng là trái quy định, gây phản cảm, bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Việc làm đó của ông Thanh là thiếu gương mẫu, vi phạm Quy định số 101- QĐ/TW, ngày 7/6/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp.”
Ông Trịnh Xuân Thanh là người chịu trách nhiệm chính về các khuyết điểm, vi phạm ở Tổng Công ty PVC, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đánh giá chưa hoàn thành nhiệm vụ và cho thôi các chức vụ Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty.
Nguồn TTO