Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Trò chuyện với cây bút chính luận
Thứ sáu: 12:41 ngày 17/06/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Nhà báo Đồng Viết Thắng, một cây bút chính luận của Báo Tây Ninh, anh đã gặt hái được nhiều thành tích từ các giải báo chí Trung ương và địa phương. Nhân kỷ niệm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, chúng tôi có buổi trao đổi về chuyện nghề với anh.

Hỏi: Chào nhà báo, được biết trong thời gian qua anh đạt nhiều giải báo chí ở Trung ương và địa phương về thể loại chính luận?

Nhà báo Đồng Viết Thắng: Tôi đoạt Giải thưởng báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng mang tên Búa liềm vàng 2 năm liên tục và Giải búa liềm vàng của tỉnh. Giải báo chí về thông tin đối ngoại của Ban Tuyên giáo trung ương. Ngoài ra, tôi còn đạt Giải báo chí truyền thống của tỉnh cũng như tác phẩm báo chí chất lượng cao.

Hỏi: Xin anh cho biết kinh nghiệm, những thuận lợi, khó khăn và những trăn trở trong quá trình tác nghiệp?

Nhà báo Đồng Viết Thắng: Năm 2020, khi tôi đoạt giải thưởng báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng mang tên Búa liềm vàng, một phóng viên kênh VTV1 của Đài truyền hình Việt Nam cũng hỏi tôi một câu hỏi gần giống câu hỏi anh đặt ra. Tại thời điểm đó tôi trả lời, làm báo ở địa phương thuận lợi ở chỗ, người làm báo có cơ hội, gần như thường xuyên tiếp xúc với người dân, với cơ sở để tìm hiểu, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, mong mỏi của người dân đối với đất nước, với chế độ.

Điều đó đem lại nhiều thông tin hữu ích đối với người làm báo. Nhưng, làm báo ở tỉnh lẻ cũng có những hạn chế, nhất là khi viết về đề tài có tính lý luận, tính phổ quát, tính hàn lâm, vì ở địa phương thiếu đội ngũ chuyên gia trong một số lĩnh vực để người làm báo tham khảo ý kiến. Lĩnh vực, đề tài nào cũng có cái hấp dẫn riêng của nó.

Tuy nhiên, để viết tốt về thể loại chính luận, ngoài sở trường riêng, phóng viên cần có kiến thức nền, đọc nhiều, tìm hiểu nhiều, khả năng tổng hợp, đối chiếu, phân tích, đánh giá thông tin phải thật sự xuất sắc.

Chân dung Nhà báo Đồng Viết Thắng.

Sự xuất hiện của báo điện tử và mạng xã hội khiến cho dòng chảy thông tin trở nên dễ dàng hơn, bởi tính chất toàn cầu, không biên giới. Lợi dụng sự phát triển của công nghệ và nền tảng mạng xã hội, không ít người, xuất phát từ nhiều động cơ, nguyên nhân khác nhau, lúc âm thầm, khi ào ạt đưa ra những thông tin sai sự thật hoặc thông tin chỉ đúng một phần. Đây chính là chiêu trò xuyên tạc, bóp méo và ở cấp độ cao hơn: bịa đặt thông tin hết sức trắng trợn.

Tình trạng như vừa nêu đặc biệt xuất hiện nhiều trong thời gian qua, nhất là mỗi khi trong nước, trong đời sống xã hội diễn ra sự kiện chính trị quan trọng hoặc có thiên tai, dịch bệnh. Vấn đề đặt ra đối với những người làm báo nói chung, hệ thống báo Đảng nói riêng, là làm gì, làm như thế nào để có thể góp phần vào việc “vạch mặt chỉ tên” và qua đó “giải nọc độc thông tin”?

Hỏi: Có quan niệm, người làm báo chỉ là người đưa tin, anh nghĩ gì về quan niệm này?

Nhà báo Đồng Viết Thắng:  Điều này không sai nhưng chỉ đưa tin thì chưa đủ. Trên thế giới không một tờ báo nào chỉ đưa tin một cách thuần tuý. Một thời gian dài, có nhiều ý kiến cả trong và ngoài nước luôn nói rằng, chỉ có báo chí cách mạng mới đặt nặng tính tuyên truyền, còn báo chí phương Tây chỉ thuần tuý thông tin. Đây thực ra là một ngộ nhận.

Báo chí phương Tây, kể cả Mỹ, xứ sở được coi là tự do báo chí hàng đầu thế giới, những người làm báo ở đây, qua bài viết, họ vẫn thực hiện nghệ thuật tuyên truyền. Vấn đề ở chỗ, nghệ thuật tuyên truyền như thế nào và tuyên truyền cho ai.

Lúc còn tại thế, nhà báo Hữu Thọ, người từng làm Tổng Biên tập Báo Nhân Dân và cao hơn nữa, đứng đầu cơ quan phụ trách báo chí, tư tưởng của Đảng đã có lần phát biểu về nghề báo rằng: “Một bài báo, nếu viết xong ai đọc cũng hài lòng thì đó là một bài báo thất bại”. Ông còn nhấn mạnh vai trò của nhà báo, đại ý, nhà báo cũng là công dân, vì thế, người dân mong chờ có tiếng nói của nhà báo trong tác phẩm. Ý ông muốn nói, là nhà báo, anh phải nói lên tiếng nói của mình chứ không chỉ cầm cái máy ghi âm ghi lại lời ông bà đó nói thế này thế nọ rồi về chép lại là xong.

 Khó có thể thống kê chính xác nhưng cứ nhìn vào mặt báo thì không khó để nhận ra, phần lớn nội dung đăng trên báo mới chỉ dừng lại ở mức độ cung cấp thông tin thuần tuý. Điều này giải thích vì sao, trên báo chí chính thống ngày càng thưa thớt, thậm chí vắng bóng những bài viết chuyên sâu, những bài viết có tính chiến đấu. Mặt trận đấu tranh tư tưởng, đấu tranh với cái sai trái, lệch lạc, thay vì là nhiệm vụ chính của báo chí, thì trận địa này đã được di chuyển sang mạng xã hội. Nhưng vấn đề ở chỗ, mạng xã hội, dù có ưu thế vượt trội song vẫn không phải là một kênh thông tin chính thống. Những người viết trên đó, không phải không có người giỏi, uyên bác nhưng mặt khác cũng cho thấy, nhiều bài viết trên mạng mang tiếng là làm nhiệm vụ đấu tranh nhưng nội dung lại giản đơn, một chiều, chất lượng thấp.

Nhà báo Đồng Viết Thắng (người thứ hai từ phải sang) tại buổi lễ trao hỗ trợ BCCLC năm 2021

Hỏi: Theo anh bác bỏ những thông tin xuyên tạc, bóp méo sự thật, thậm chí bịa đặt, đối với những người làm báo chính thống khó hay dễ?

Nhà báo Đồng Viết Thắng: Câu trả lời là không dễ nhưng cũng không phải quá khó đến mức không làm được. Khó là vì, có không ít cây bút “trên tuyến đầu chống đối chế độ” xuất thân là những nhà báo chuyên nghiệp.

Những người khác, dù không làm báo chuyên nghiệp nhưng trước khi theo “chủ nghĩa xét lại” họ từng đảm trách một vị trí nào đó trong hệ thống chính trị, có người từng là chuyên gia đầu ngành thuộc một lĩnh vực nào đó. Sòng phằng, họ là người không phải không có trình độ, thậm chí nhiều người trình độ cao, được đào tạo bài bản. Vì thế, bác bỏ ý kiến, quan điểm của họ không phải chuyện đơn giản.

Nhưng, điểm yếu của họ ở chỗ, để phục vụ cho mục đích cá nhân, nhiều khi họ bất chấp sự thật, nói sai sự thật khách quan. Thậm chí không ít khi, qua các bài viết, họ thể hiện mình là một người tầm thường.

Trong trường hợp này, những người làm báo chính thống cần lên tiếng, “điểm mặt” những thông tin sai trái đó. Muốn bác bỏ những luận điệu xuyên tạc, “nói phải củ cải cũng nghe”, người làm báo phải đọc nhiều, rất nhiều. Không đọc, không nghiên cứu, không đối chiếu, không kiểm chứng thông tin, dứt khoát không thể bác bỏ được họ. Đây vừa là đặc điểm vừa là yêu cầu số một đối với những người làm báo viết thể loại chính luận, vẫn quen gọi bằng cái tên “bút chiến”.

Hỏi: Bài bình luận, khác hoàn toàn với thể loại tin tức hay phản ánh thuần tuý. Trong quy định chế độ nhuận bút, thể loại này cũng được quy định trả nhuận bút cao nhất, anh có thể nói sâu hơn về thể loại này?

 Nhà báo Đồng Viết Thắng: Bình luận là sự kết hợp của nhiều yếu tố: nguồn tin đã được phối kiểm, góc nhìn (phong cách) của nhà báo, tri thức của nhà báo và quan điểm của tờ báo. Bài bình luận là thể bài đứng trên sự kiện, soi rọi sự kiện chứ không phải đi tìm sự kiện xem có hay không. Người ta chỉ viết bình luận khi thông tin đã được khẳng định gần như chắc chắn. Không phải tự nhiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh trước sau như một luôn coi báo chí là một mặt trận.

Đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ sự thật còn một cái khó khác, như lời của một kỹ sư, một nhà văn đang sinh sống ở TP. Hồ Chí Minh nhận định: “cầm bút trong địa hạt này đôi khi như người đi giữa hai làn đạn”.

Ý muốn nói, khi bị vạch mặt, những người thiếu thiện chí, những thế lực hắc ám không thích, đó là một lẽ. Nhưng ngay cả những ngưởi đang công tác trong lĩnh vực báo chí của Nhà nước hoặc quan chức biến chất, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” cũng không mấy thiện cảm, thậm chí họ dùng những từ ngữ không thể nặng nề hơn với những ngòi bút viết chính luận. Đây chính là loại người hai mặt. Bên ngoài, trong công việc hằng ngày, họ ra vẻ tuân theo, thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, chủ trương đường lối nhưng con người thật của họ không phải như vậy. Một bài viết đăng trên tạp chí Tuyên giáo điện tử đã đề cập theo cách không né tránh câu chuyện này.

Khi đề cập những nội dung liên quan đến đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội của nhà báo, của phóng viên, tại một số kỳ họp Quốc hội khoá XIV, nhiều đại biểu cũng tỏ rõ sự bức xúc gay gắt về tình trạng nhà báo lợi dụng nghề nghiệp để làm những điều trái pháp luật. Có đại biểu Quốc hội gọi những nhà báo khi viết bài, sản xuất chương trình cho báo chí chính thống thì viết đúng, nói đúng quan điểm, tôn chỉ, mục đích; đúng với đường lối, chủ trương, chính sách, nhưng khi tham gia trên mạng xã hội thì lại nói sai, viết sai, bình luận trái, thậm chí bóp méo, xuyên tạc sự thật, đi ngược với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật Nhà nước là những “nhà báo hai mặt” - bài báo có đoạn. Đấu tranh với cái xấu, cho dù cái xấu xuất phát từ đâu, cũng là điều không hề dễ.

Hỏi: Các tác phẩm đoạt giải của anh chủ yếu về đề tài chống diễn biến hoà bình, bác bỏ luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Thời gian tới, anh tiếp tục tập trung cho đề tài này hay đổi sang hướng khác đa dạng hơn? 

Nhà báo Đồng Viết Thắng:  Ngày 22.10.2018, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII đã ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Tôi đã, đang và sẽ tiếp tục viết về lĩnh vực này một cách khách quan nhất, tôn chỉ cao nhất của người làm báo: viết đúng sự thật. Phần vì nhiệm vụ được giao, phần vì lương tâm người cầm bút, thời gian qua tôi không chỉ viết chính luận mà còn ở nhiều lĩnh vực, thể loại khác. Tôi đã, đang và sẽ tiếp tục làm như vậy.

Hỏi: Nhà báo Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã nói: “Tuyên truyền nghị quyết của Đảng chưa bao giờ là công việc dễ dàng đối với các cơ quan báo chí và các phóng viên, biên tập viên”. Anh thấy điều này như thế nào?

Nhà báo Đồng Viết Thắng: Như Nhà báo Lê Quốc Minh đã từng đề cập. Có một thực tế là mỗi khi được giao chủ đề này, nhiều phóng viên rất ngại. Họ than khó và khô! Rốt cục, rất nhiều bài báo, chương trình phát thanh-truyền hình với mục đích tuyên truyền nghị quyết - dù là ở cấp Trung ương hay cấp địa phương - thường sa vào lối mòn, kém hấp dẫn. Thậm chí rất nhiều nội dung chẳng khác nào những bản báo cáo mà ngay cả cán bộ, đảng viên cần phải tiếp thu để chỉ đạo công việc cho đúng định hướng cũng ngại đọc, chứ đừng nói đến độc giả, khán thính giả phổ thông. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn báo chí phải “viết sao cho giản đơn, dễ hiểu, thiết thực. Sao cho mỗi đồng bào, chiến sỹ đều đọc được, hiểu được, nhớ được, làm được”.

Viết báo tuyên truyền nghị quyết kiểu qua loa, thiếu đầu tư chất xám, thiếu tính báo chí thì độc giả chẳng muốn đọc, làm sao nghĩ tới chuyện họ hiểu, nhớ và làm theo. Sau mỗi giai đoạn, các cơ quan báo chí thường được yêu cầu tổng kết công tác tuyên truyền nghị quyết, thế là có những bản báo cáo nặng tính liệt kê số lượng. Nhưng có ai đo đếm hiệu quả bằng những công cụ phân tích độc lập, những cuộc thăm dò ý kiến xã hội, thậm chí là những cuộc phỏng vấn sâu để xem người dân tiếp nhận thông tin tới mức nào? Mỗi khi nhắc tới từ “nghị quyết”, người ta thường có ấn tượng về những nội dung xa vời, khó hiểu; ngay cả nhiều lãnh đạo các cơ quan báo chí, các phóng viên, biên tập viên cũng chưa đánh giá đúng tầm quan trọng, chưa hiểu hết ý nghĩa của các nghị quyết, trong khi các nghị quyết chính là kim chỉ nam hoạt động cho cả một thời kỳ hoặc định hướng về những vấn đề then chốt.

Xin cảm ơn Nhà báo Đồng Viết Thắng về cuộc trao đổi này.

Nguyễn Thế

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục