Pháp luật   An ninh - Quốc phòng

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Trợ giúp pháp lý:Lấy người dân làm trung tâm 

Cập nhật ngày: 25/12/2022 - 23:35

BTN - Lấy người được trợ giúp pháp lý (TGPL) làm trung tâm. Đó là quan điểm mà Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh thực hiện trong thời gian qua nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ TGPL, trở thành địa chỉ tin cậy cho những người yếu thế trong xã hội.

Sở Tư pháp và TAND tỉnh ký kết kế hoạch liên tịch về người thực hiện TGPL trực tại TAND hai cấp trên địa bàn.

Năm 2022, Trung tâm tiếp nhận thụ lý và phân công người thực hiện TGPL bằng hình thức tham gia tố tụng 242 vụ cho 242 người thuộc diện được TGPL miễn phí của nhà nước (trong đó, số vụ việc TGPL tham gia tố tụng đã hoàn thành là 186 vụ cho 186 người).

Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh cho biết, qua theo dõi đánh giá chất lượng vụ việc TGPL, sự phản hồi của các cơ quan tiến hành tố tụng, người được TGPL cho thấy những trợ giúp viên pháp lý khi tham gia tố tụng đã tuân thủ đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật về TGPL. Chất lượng vụ việc TGPL ngày càng được nâng cao, đạt tiêu chuẩn đánh giá của Bộ Tư pháp.

Nhiều vụ việc tham gia tố tụng có quan điểm bào chữa, bảo vệ của người thực hiện TGPL được các cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận theo hướng có lợi cho người được TGPL như được tăng mức bồi thường thiệt hại, được tuyên mức án nhẹ hơn hoặc thay đổi khung hình phạt thấp hơn so với mức đề nghị của Viện Kiểm sát…

Một trợ giúp viên pháp lý chia sẻ, trong quá trình tham gia tố tụng vụ án cụ thể, người thực hiện TGPL phải đồng hành cùng người được TGPL để thu thập, xác minh thông tin, chứng cứ, tài liệu để tư vấn, trợ giúp hiệu quả nhất.

Trợ giúp viên pháp lý luôn nghiên cứu kỹ nội dung vụ việc, các văn bản pháp luật có liên quan cũng như tìm hiểu, nắm bắt bản chất vụ việc, tâm lý của bị cáo, bị hại, từ đó định hướng khắc phục lỗi, đưa ra quan điểm có sức thuyết phục trên cơ sở của pháp luật để bào chữa, bảo vệ cho người được TGPL trong các phiên toà.

Trong số đó phải kể đến trường hợp Trịnh Tấn Đức (sinh năm 2004, ngụ huyện Tân Châu) thuộc diện được TGPL, bị Viện KSND tỉnh truy cứu về tội giết người. Nội dung vụ án xuất phát từ việc Nguyễn Hữu Thọ nợ Huỳnh Gia Nghi số tiền 800 ngàn đồng không trả. Nghi nhờ Ngô Gia Hào (sinh năm 2007, ngụ huyện Châu Thành) đòi nợ Thọ, nếu đòi được sẽ cho Hào 400 ngàn đồng.

Hào đồng ý và rủ thêm Tiến đi đòi nợ. Do không đòi được mà còn bị người thân của Thọ thách thức nên cả hai quay lại đánh trả thù. Sau đó, Tiến rủ thêm một số người bạn, trong đó có Đức cùng tham gia.

Đến gần 1 giờ ngày 5.7.2021, cả nhóm mang theo dao, rựa rồi điều khiển xe máy đến nhà của Thọ để gây án. Tại đây, Tiến kêu một số người bạn đứng bên ngoài chờ để khi chém xong thì chở đi ngay, còn Đức và những người khác cầm dao, rựa đi theo Tiến xông vào nhà.

Trong đó, Đức, Tiến tham gia đập phá xe mô tô, những người khác cầm rựa chém ông Trần Văn Lùng (ông ngoại Thọ) và Thọ. Gây án xong, cả nhóm lên xe tẩu thoát khỏi hiện trường, ông Lùng và Thọ được người nhà đưa đi bệnh viện cấp cứu nhưng sau đó ông Lùng tử vong do chấn thương sọ não, còn Thọ thương tích 3%.

 Tại phiên toà, trợ giúp viên pháp lý với tư cách là người bào chữa cho Đức đã đưa ra nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (như bị cáo có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự; đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình; tác động gia đình bồi thường một phần thiệt hại cho gia đình bị hại; thời điểm phạm tội mới hơn 16 tuổi, bị người khác rủ rê, xúi giục…), để Hội đồng xét xử có căn cứ cân nhắc, xem xét, quyết định mức hình phạt tương xứng.

Bên cạnh đó, hoạt động của Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng có những chuyển biến tích cực. Các cơ quan tiến hành tố tụng đều thực hiện nghiêm túc việc niêm yết công khai bản thông tin về TGPL, hướng dẫn, giải thích quyền được trợ giúp cho đối tượng được TGPL và đề nghị, giới thiệu đến Trung tâm yêu cầu TGPL, đăng ký tham gia tố tụng cho TGPL… Từ đó, số lượng bị can, bị cáo, đương sự đã được hướng dẫn, giải thích và giới thiệu đến Trung tâm để được TGPL ngày càng tăng.

Trong năm 2022, Trung tâm đã tham mưu Sở Tư pháp tổ chức lễ ký kết kế hoạch liên tịch với TAND tỉnh về người thực hiện TGPL trực tại TAND 2 cấp trên địa bàn tỉnh. “Việc ký kết kế hoạch liên tịch về người thực hiện TGPL trực tại Toà án có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ tiếp tục củng cố, tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa hai ngành trong thực hiện các nhiệm vụ được giao mà còn giúp người dân có thêm một kênh tiếp cận sớm với TGPL để hiện thực hoá quyền TGPL của mình đã được pháp luật quy định, góp phần bảo đảm sự bình đẳng trong tiếp cận pháp luật cho người được TGPL”- ông Lê Minh Hiền- Giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh nói.

Ngoài ra, hoạt động tư vấn pháp luật, truyền thông về công tác TGPL luôn được Trung tâm chú trọng. Qua đó, nhận thức của người dân về chức năng, phạm vi, lĩnh vực hoạt động và sự cần thiết của công tác TGPL đã được nâng cao, ngày càng nhận được sự tin tưởng của cấp uỷ, chính quyền địa phương.

Đầu năm 2022, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid- 19, hạn chế tập trung đông người nên Trung tâm không tổ chức trực tiếp các đợt truyền thông về công tác trợ giúp pháp lý kết hợp với tư vấn pháp luật tại địa phương.

Tuy nhiên, Trung tâm đã phối hợp với Phòng Tư pháp và Thành đoàn Tây Ninh xây dựng kế hoạch liên tịch và tổ chức thực hiện 4 cuộc truyền thông công tác trợ giúp pháp lý, tuyên truyền phổ biến và tư vấn pháp luật bằng hình thức trực tuyến.

Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh phối hợp với Thành đoàn, Phòng Tư pháp TP. Tây Ninh tổ chức diễn đàn trực tuyến truyền thông TGPL.

Gần đây, tình hình dịch bệnh Covid- 19 ổn định, Trung tâm đã tổ chức truyền thông công tác trợ giúp pháp lý kết hợp tư vấn pháp luật tại các địa phương được 21 đợt, cấp phát 5.928 loại tài liệu, tờ gấp pháp luật cho 1.192 lượt người tham dự, tư vấn giải đáp thắc mắc pháp luật cho 94 người.

Qua các buổi truyền thông, đã tuyên truyền, phổ biến Luật TGPL năm 2017, các quy định pháp luật có liên quan trong quá trình thực hiện TGPL như hành vi mua bán người, xâm hại tình dục trẻ em, hôn nhân và gia đình, vi phạm an toàn giao thông đường bộ, đánh bạc và tổ chức đánh bạc, đốt pháo nổ, pháo hoa… nhằm nâng cao nhận thức cho người dân. Bên cạnh đó, Trung tâm còn tổ chức tư vấn pháp luật đối với những vụ việc mang tính chất đơn giản tại trụ sở cho 125 lượt người dân.

“Trong cuộc sống, người dân đôi lúc có vướng mắc liên quan đến pháp luật nhưng không biết tìm hiểu thông tin từ đâu và cũng không có điều kiện kinh tế để tìm sự hỗ trợ từ các dịch vụ tư vấn. Thông qua các buổi truyền thông công tác TGPL, chúng tôi được cung cấp nhiều kiến thức pháp luật, được tư vấn, giải đáp vướng mắc về pháp lý”- anh Hải Sơn (ngụ xã Thái Bình, huyện Châu Thành) bày tỏ.

Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh cho biết thêm, công tác TGPL dần đi vào chiều sâu, bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho các đối tượng yếu thế trong các vụ án hình sự, dân sự, hành chính... và ngày càng được người dân tin tưởng. Để nâng cao chất lượng hoạt động TGPL thời gian tới, Trung tâm đẩy mạnh các hoạt động triển khai thực hiện luật và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; thực hiện TGPL thông qua hình thức tham gia tố tụng để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích cho những người thuộc diện được TGPL khi có yêu cầu; phối hợp với các địa phương tổ chức truyền thông công tác TGPL kết hợp tư vấn pháp luật; tổ chức lấy ý kiến người được TGPL hoặc người thân thích của người được TGPL; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện có hiệu quả Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC giữa Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Tài chính và TAND tối cao, Viện KSND tối cao quy định về phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng.

THIÊN DI