Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Trở lại Bến Củi
Thứ tư: 06:01 ngày 09/11/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Vâng! Đừng quên đất này là miền đất “công tra” cao su từ những thập niên 20, 30 của thế kỷ trước. Sách Lịch sử “Phong trào đấu tranh của công nhân, lao động và công đoàn Tây Ninh (1945-1975)” (năm 2000) viết: “Ở Tây Ninh đồn điền cao su Bến Củi được thành lập đầu tiên… Đến những năm 1920, bọn Tư bản Pháp đầu tư nhiều vào việc trồng cao su.

Chùa Linh Quang ở xã Bến Củi, huyện Dương Minh Châu

Ngày 20.8 âm lịch Nhâm Dần (15.9.2022) là ngày cúng giỗ Đức thánh Trần- Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Cả tỉnh Tây Ninh có 3 ngôi đền thờ Ngài, thì 2 ngôi thuộc về xã Bến Củi, huyện Dương Minh Châu. Tôi tìm về Bến Củi. Cứ theo đường 784 từ ngã ba Bàu Năng mà đi. Đến ngã ba Đất Sét thì rẽ trái. Qua hết xã Lộc Ninh là tới.

Cả năm trước đã nghe con đường Đất Sét - Bến Củi là dự án trọng điểm, nhằm phát triển giao thông đối ngoại. Đường ấy sẽ dẫn ta sang Dầu Tiếng, Bình Dương và đến các tỉnh Bình Phước, Đăk Nông, Tây Nguyên… Nhưng có lẽ thực tế đã không như kỳ vọng. Trong khi đường 782-784 đã và đang được mở lớn, tấp nập những dòng xe, thì đường Đất Sét - Bến Củi hầu như vẫn như xưa, khiến tôi không nhận ra lối rẽ vào con đường đã trở nên nhỏ bé.

Chạy qua cầu Suối Ông Hùng một đoạn là tới cầu vượt kênh Đông. Gần cây cầu cũ thấy rõ bóng dáng gân guốc của cây cầu mới làm từ năm trước. Quanh cầu cũ đã hình thành một ngôi chợ trời đông đúc, tấp nập bán mua. Vậy mà 2 đầu cầu mới vẫn trống huơ trống hoác. Hỏi ra mới biết, cầu đã xong nhưng đường nối vào 2 đầu cầu chưa có. Thực ra là đang thi công, mới đổ xong lớp đất đỏ lót nền đường.

Ấy thế mà khi vừa qua hết ấp Lộc Hiệp của Lộc Ninh là đã thấy thênh thang một con đường bê tông nhựa mới toanh, thay cho con đường vừa đi qua nhỏ hẹp. Đường tới 4 làn xe! Lại có thêm dải phân cách cứng giữa đường. Một dãy cột đèn cao áp đứng lênh khênh, đỉnh cột xoè ra hai cây đèn cong như đôi cánh chim mềm mại. Ngạc nhiên và phân vân nhìn lại.

Riêng chuyện đường sá thôi thì Bến Củi đã so “một trời một vực” với Lộc Ninh. Nói thêm- cho đến thời điểm này, đây là con đường đẹp nhất trong tỉnh Tây Ninh. Cũng là bê tông nhựa, dải phân cách, trụ đèn, duy nhất nơi đây có quang cảnh hai bên đường chỉ là rừng cao su chạy dài tít tắp. Đến gần ngã tư trung tâm xã Bến Củi mới thấy cái cổng vào của nhà máy thuộc nông trường cao su Bến Củi.

Qua ngã tư một đoạn dài nữa là thấy có thêm ngôi chùa Linh Quang mới xây lại, vươn cao những tầng mái ngói chồng diêm óng ả một bên đường. Dường như người Bến Củi vẫn chưa quen với cái gọi là kinh tế thị trường; hoặc chưa quen với văn hoá mặt tiền đường như nhiều nơi khác. Khi mà ở đâu có đường mới, hoặc sửa sang thì lập tức có nhiều cửa nhà, hàng quán trồi ra.

Vâng! Đừng quên đất này là miền đất “công tra” cao su từ những thập niên 20, 30 của thế kỷ trước. Sách Lịch sử “Phong trào đấu tranh của công nhân, lao động và công đoàn Tây Ninh (1945-1975)” (năm 2000) viết: “Ở Tây Ninh đồn điền cao su Bến Củi được thành lập đầu tiên… Đến những năm 1920, bọn Tư bản Pháp đầu tư nhiều vào việc trồng cao su.

Ở Bến Củi cũng được mở rộng diện tích, cho nên để đảm bảo đủ lực lượng lao động bọn chúng mộ phu từ Bắc kỳ vào làm công nhân với hình thức công tra (hợp đồng có thời gian, và hình thức công tra xuất hiện đầu tiên ở Bến Củi vào năm 1927 gồm 12 người từ miền Bắc vào). Năm 1928, đồn điền cao su Bến Củi mở thêm đợt 2 với 40 người. Năm 1929 mộ phu lần 3 hơn 100 người đến Bến Củi…”.

Thế là sau 3 đợt công tra đầu tiên ấy, đã có hơn trăm công nhân Bến Củi, cũng là những hạt nhân đầu tiên của giai cấp công nhân trên đất Tây Ninh. Họ còn “gánh theo” những phong tục, tập quán của quê hương bản quán vào miền quê mới. Một trong những tập quán ấy là tín ngưỡng thờ Đức thánh Trần và bà chúa Liễu Hạnh. Vì thế mà ngay từ năm đầu tiên 1927, một ngôi miếu nhỏ đã được lập. Bây giờ đấy là ngôi đền thờ Đức thánh Trần ở ấp 2 (xưa gọi là làng 2- Cao su Bến Củi). Những năm sau lại có thêm một ngôi thờ tự mới ở làng 3. Do vậy mà nay Bến Củi có đến 2 ngôi thờ đức “Trần Triều hiển thánh”.

Đền thờ ở ấp 3, xã Bến Củi.

Một vài nhà nghiên cứu cho rằng nơi thờ Thánh thường chỉ có bài vị, mà không có tượng. Nhưng ngôi đền nào thờ Đức thánh Trần ở Tây Ninh cũng có tượng- như một hình dung cụ thể về vị tướng tổng tư lệnh tài ba của nhà Trần trong chiến công hiển hách 3 lần thắng giặc Nguyên Mông.

Ngôi đền nào cũng có 3 bàn thờ, bàn chính giữa đặt tượng Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, trang phục chỉnh tề cân đai áo mão, gương mặt quắc thước oai phong. Bàn bên phải đặt tượng công chúa Liễu Hạnh- một nhân vật trung tâm của tín ngưỡng thờ mẫu của người Việt từ xa xưa truyền lại. Bàn thờ bên trái chỉ có bài vị chung, đề chữ thờ “Cao huyền thất tổ”.

Ngoài ra, đền nào cũng có bàn thờ Cọp (ông Hổ) ở trong một ô sát đất, ngay dưới ban thờ chính. Riêng đền ở ấp 3, bàn thờ chính còn có thêm 2 dãy tượng thờ chính. Riêng đền ở ấp 3, bàn thờ chính còn có thêm 2 dãy tượng thờ, chắc là các vị vua quan của triều Trần thuở trước.

Ngày 20.8 âm lịch năm nay, các ngôi đền Bến Củi vẫn tấp nập người đến, cùng nhau sửa soạn cho lễ cúng giỗ thêm phần chu tất. Phần nhiều là phụ nữ lo việc nấu ăn, bày biện các mâm cơm cúng. Đàn ông lo nhang khói, sửa soạn các ban thờ đầy đủ đèn nến hương hoa phẩm vật. Chỉ lên ban thờ chính, ông Từ của đền bảo lễ vật dâng ngài nhất thiết phải có xôi, gà, cùng các món nấu và bông trái; chỉ xuống bàn thờ hổ phải đầy đủ các món cơm canh và không thể thiếu một đĩa thịt heo luộc thái từng miếng lớn.

Tại đền ở ấp 3, có một gian trống bày một chiếc kiệu xưa. Hỏi ra, thì đã từng có thời lễ hội Đức thánh được làm long trọng rình rang hơn, với cả tiết mục rước kiệu Ngài đi khắp trong làng quê xóm ngõ. Và, tôi cũng được biết, gian nhà trống ấy do mạnh thường quân đến xây cho, với mong muốn đền có thêm gian thờ Phật. Nhưng, các cụ cao tuổi nhớ lời dạy xưa của thế hệ trước cương quyết chỉ duy trì tập tục thờ cúng xưa, là thờ Thánh mà thôi.

Chợt nhớ lại vài chục năm qua, đa số các ngôi đền miếu đều có thêm gian thờ Phật. Ngay cả ngôi đền Đức Thành Trần tại phường 3, TP. Tây Ninh cũng thêm trước sân tượng Quán Thế Âm bồ tát, lại có ban thờ Phật trong một gian riêng. Mô hình này thường được gọi là “Tiền Phật, hậu Thánh”. Thế nhưng, chỉ ở những ngôi đền của Bến Củi vẫn giữ được truyền thống tập quán có từ thuở xa xưa những năm đầu thế kỷ 20. Nghi lễ cúng giỗ cũng đơn sơ thuần hậu. Chỉ có một ông thầy cúng cầu kinh, đọc sớ dâng lên Đức thánh và các vị thần linh bản địa. Rồi người dân tuần tự thắp nhang tưởng nhớ đến thánh thần. Sau cùng là chia sẻ cùng nhau những bữa cơm chung, gọi là “lộc thánh”.

Thấm thoắt cũng đã gần trăm năm. Những ngôi đền thờ Đức thánh Trần cùng với người dân làng 2, làng 3 Bến Củi, như một cách nối dài truyền thống anh hùng tự ngàn xưa.

TRẦN VŨ

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục