BAOTAYNINH.VN trên Google News

Trở lại chuyện người về hưu đi kiện đòi đất cho Nhà nước: Sao không sử dụng đất công vào việc công ích?

Cập nhật ngày: 12/06/2009 - 10:56

Xin nhắc lại, “Người về hưu đi kiện đòi đất cho Nhà nước” ấy là ông Lê Minh Hoàng (thường gọi là Ba Hoàng), nguyên Uỷ viên Ban Thường vụ Huyện uỷ Hoà Thành. Ngày giải phóng 30.4.1975, ông Ba Hoàng là Bí thư xã Hiệp Ninh, sau đó khi một phần xã này tách ra để thành lập xã Hiệp Tân, ông tiếp tục làm Bí thư xã Hiệp Tân. Khi một phần xã Hiệp Tân được tách ra để thành lập phường 4 (thuộc thị xã Tây Ninh), thì ông đã về hưu nhưng lại làm Bí thư chi bộ khu phố 4, phường 4. Còn mảnh đất công bị một tư nhân chiếm dụng mà ông kiên trì đi gõ mọi cánh cửa để đòi lại cho Nhà nước thì nằm ngay ở khu phố 4. Ông Ba Hoàng quá rành mọi sự “dích dắc” của vụ chiếm dụng ấy.

Ông Ba Hoàng (ảnh) bức xúc vì khu đất công không được sử dụng lại quy hoạch xây trường học tại một khu dân cư

Sự việc trên đã được đăng trên Báo Tây Ninh và Báo Tuổi Trẻ TP.HCM từ năm 2006. Sau đó dù không có phản hồi chính thức, nhưng chúng tôi cũng nắm được thông tin đáng mừng là cuộc đấu tranh của ông Ba Hoàng và một số cán bộ hưu trí khác đã thắng lợi: Mảnh đất bị chiếm dụng đã được UBND tỉnh ban hành quyết định giải quyết cuối cùng, thu hồi lại cho Nhà nước. Do vậy đến nay, khi ông Ba Hoàng đến Báo Tây Ninh tiếp tục phản ánh sự việc liên quan đến mảnh đất ấy, chúng tôi không thể không tiếp tục lên tiếng về hiện trạng “quy hoạch không thuận lòng dân” ở phường 4, đang đe doạ mất chỗ ở của gần 100 người dân, trong khi mảnh đất đã được UBND tỉnh ra quyết định thu hồi, giao cho UBND Thị xã quản lý thì hiện vẫn bỏ không.

Câu chuyện “chiếm dụng đất công” tóm tắt như sau: Hơn 60 năm trước (năm 1946) bà Lưu Thị Quỳ từ huyện Hóc Môn (tỉnh Gia Định, nay là TP.HCM) lên Tây Ninh mua 15.800 m2 đất (nay toạ lạc tại phường 4) xây một ngôi nhà ngói để bà ở đó tu hành vì bà không có chồng con gì cả. Khu đất ấy được gọi là “đất chùa Thiên Linh”. Năm 1984 bà Quỳ tự nguyện hiến cho huyện Hoà Thành 3.819 m2 để xây dựng sơ sở sản xuất bê-tông của công ty vật liệu xây dựng Hoà Thành (giấy tờ hiến đất có đầy đủ). Năm 1985 bà Quỳ làm giấy uỷ quyền phần đất còn lại (gần 12.000 m2) cho một “người cháu ruột” gọi bà là cô là ông Nguyễn Lam Canh ở Châu Thành, Tây Ninh. (Dân địa phương gọi ông Canh là “cháu ngang hông” của bà Quỳ, vì lẽ nào “cô họ Lưu mà cháu họ Nguyễn” ?). Mặc dù trong giấy uỷ quyền bà Quỳ có ghi rõ chuyện đã hiến một phần đất cho Nhà nước, thế nhưng đến năm 1994 không hiểu ông Canh “móc ngoéo” thế nào mà cán bộ ngành địa chính lại làm “giấy đỏ” cho ông Canh toàn bộ diện tích đất trên, kể cả số đất bà Quỳ đã hiến cho Nhà nước. Sự việc bị phanh phui, ông Ba Hoàng kiên trì đi kiện nhiều năm, kết quả cán bộ Địa chính xã Hiệp Tân làm giấy đỏ cho ông Canh bị kỷ luật, sa thải, UBND tỉnh ra Quyết định số 52/QĐ-CT ngày 12.7.2006 thu hồi 2.691m2 đất (một phần đã mất đi do mở rộng lộ giới), lý do “cấp thừa đất do Nhà nước quản lý sử dụng”.

Có quyết định cuối cùng của chính quyền tỉnh, sự việc trên xem như đã kết thúc, vấn đề chỉ còn là đất thu hồi được sử dụng như thế nào? Mới đây, chúng tôi được biết diện tích đất công đã thu hồi vẫn chưa sử dụng vào việc gì, trong khi có 21 hộ, gồm 99 người dân khu phố 4 đang hết sức lo lắng “không biết đi đâu, về đâu” để giao lại đất họ đang ở cho phường 4 xây dựng trường tiểu học.

Tại cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND Thị xã và phường 4 ngày 8.6.2009, cử tri phản ánh: “Đề nghị đơn vị quy hoạch nên sửa đổi lại quy hoạch về việc cất trường tiểu học sau lưng phường 4 là bất hợp lý, nguyên nhân là phải giải toả 21 hộ dân cư, đa số nhân dân phường 4 đề nghị nên cất trường tiểu học trên đất công thuộc đất của ông Nguyễn Lam Canh hiện ngụ tại khu phố 4, phường 4 là hợp lý. Nếu giải toả thì chỉ có một hộ ông Lam Canh (109/109 người với ý kiến trên)”. Ông Lê Minh Hoàng cho chúng tôi biết, khi ông phản ánh sự việc trên thì tất cả cử tri có mặt trong cuộc tiếp xúc đều tán thành. Về phía lãnh đạo Thị xã có mặt tại buổi tiếp xúc, sau khi vị Chủ tịch UBMTTQVN Thị xã yêu cầu giải trình thì đại diện ngành chức năng cho biết quy hoạch xây dựng trường tiểu học sau lưng phường 4 đã có từ năm 2003. Theo ông Ba Hoàng, việc xây dựng trường học là hết sức cần thiết, vì cho đến nay phường 4 vẫn chưa có trường tiểu học. Nhưng không vì thế mà cứ “máy móc” tiến hành một “quy hoạch không thuận lòng dân”. Tại sao không xây trường trên đất đã thu hồi từ ông Nguyễn Lam Canh, lại cứ nhất thiết phải xây ở vị trí Tổ dân phố số 18, nơi đang có 21 hộ, 99 người dân đang cư ngụ trong 19 ngôi nhà tường xây kiên cố và 6 căn nhà gỗ mái tôn? Rồi đây các hộ dân này sẽ phải đi về đâu, tái định cư ở nơi nào? Liệu có “bằng hoặc hơn” nơi họ đang ở trong một phường nội thị hay không?

Những câu hỏi trên, cử tri phường 4 đang chờ lời đáp của chính quyền Thị xã tại kỳ họp thứ 15 HĐND thị xã Tây Ninh sắp tới.

N.T.H