Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Trở lại rừng Tân Phú
Thứ ba: 10:18 ngày 15/02/2011

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Dưới bóng rừng thâm nghiêm kỳ vĩ mà giờ ta chỉ còn gặp sóc chạy, két bay, đã từng có lúc chứa hàng binh đoàn cán bộ, chiến sĩ của mặt trận Văn hoá Tư tưởng của cách mạng.

Bia và nhà tưởng niệm Ban Tuyên huấn Trung ương Cục.

Từ Thị xã đi theo quốc lộ 22B, chừng mươi cây số là đến ngã ba Vịnh. Ta có thể rời quốc lộ 22B từ đây để theo đường DT 788 mà lên Lò Gò qua Hảo Đước, Phước Vinh của huyện Châu Thành. Thấy bảo, từ đây lên Vườn Quốc gia Lò Gò- Xa Mát sẽ gần hơn. Nào ngờ, lên tới Lò Gò đoạn có đường rẽ về Tân Biên, xem cột cây số thấy ghi: Thị xã, 41km. Vậy cũng chẳng gần gì cho lắm, bởi đi theo lối quốc lộ, cũng chỉ độ 50km là cùng. Tuy vậy, đi tuyến đường này vẫn có những điều thú vị hơn, chính là bởi tính lịch sử và sự hoang vu, bây giờ đã trở nên hiếm có.

Vâng! Chỉ cần qua cầu sông Vịnh, qua dãy “phố” mặt tiền của xã Phước Vinh lên tới đoạn rẽ về bến Trung Dân, là đã thấy rừng lúp xúp ở hai bên. Con đường từ đấy lên Hoà Hiệp- Lò Gò đã không còn mấy người đi lại. Đi mãi, rồi mới thấy một chiếc quán có treo biển báo trên cột điện bên đường. Ồ! Thì ra là một quán cà phê Buôn Mê Thuột hẳn hoi, có tên hiệu Thanh Vân, kèm theo phụ đề là “Phong cảnh Đồi Thơ”. Nhờ cái phụ đề này, mới chợt nhớ ra đây đã bắt đầu vào di tích căn cứ R rồi đấy! Trong những chuyến đi vài năm trước, tôi đã từng mong có ai đóng cho một cột bê tông nhỏ ven đường, để báo hiệu cho du khách rằng đã đến Đồi Thơ- một địa danh vừa lãng mạn vừa anh hùng của cách mạng. Nay thì thoả lòng rồi nhé, hỡi những người từng sống trên căn cứ R, chính là nhờ quán cà phê “Phong cảnh Đồi Thơ”. Cần cắm biển báo vì, gọi là đồi nhưng từ phía bên này (Phước Vinh) lên, chỉ thấy con đường hơi dốc lên một ít. Chỉ sau khi vượt qua đỉnh đồi, mới nhận thấy phía bên kia (Hoà Hiệp) một con dốc dài thẫm thượt làm cả chiếc xe và… lòng người cũng muốn thả trôi theo. Thả trôi! Vì chính từ đây trở vào Lò Gò- Xa Mát đã thuộc cụm rừng phía cực Tây của căn cứ R. Bài viết của nhà văn Văn Lê trong sách “Chung một bóng cờ”- một cuốn sách viết rất kỹ lưỡng về Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam thời kháng chiến chống Mỹ, có đoạn: “Căn cứ R: thường gọi là căn cứ Tây Bắc trải từ Lò Gò cực Tây đến Lộc Ninh phía Đông, chia thành 3 cụm chính: 1, giữa sông Vàm Cỏ Đông và quốc lộ 22, theo trục Đông Tây; giữa Trảng Tà Nốt và Đồi Thơ theo trục Bắc Nam, thuộc cơ quan Tuyên huấn (Lãnh đạo, Đài, Thông tấn xã, Xưởng phim, Văn nghệ, Giáo dục, Trường Chính trị…), Cơ quan an ninh, y tế và bệnh viện dân y”. Nghe nói sau này, Trường Hoàng Lê Kha của ngành Giáo dục Tây Ninh trong kháng chiến cũng đã có lần về lập cứ ở Đồi Thơ. Thế đấy, Đồi Thơ đã trở thành điểm đầu tiên. Cái tên này có thể do một nhà thơ nào đó thời kháng chiến đã đặt cho; có lẽ vì khung cảnh nên thơ. Từ đỉnh đồi nhìn về phía Tây, thấy rừng trảng nhấp nhô chạy tới cuối tầm nhìn. Nay thì đã thêm một công trình đang xây dựng chẳng biết nhà máy hay là trường học. May mà cái quán cà phê này, còn giữ được lối kiến trúc mộc mạc hài hoà với cảnh quan vốn có: Một chiếc cầu cong ghép bởi những cây tràm nho nhỏ; ngôi nhà mái lá lút trong bóng mát cây xanh; một ao sâu hun hút long lanh ánh nước, điểm trang vài cụm sen hồng, súng tím, trên mặt nước còn lênh khênh vài cái chòi tranh.

Các cựu cán bộ - nhân viên Ban Tuyên huấn Trung ương Cục tìm tên những đồng đội đã ngã xuống ở rừng Tân Phú.

Từ ngã ba Lò Gò trở lên, suốt 12km xuyên rừng hầu như không một bóng người đi lại. Có chăng ta chỉ gặp vài anh chiến sĩ biên phòng trên đường tuần tra biên giới, hay là mấy người đạp xe đi tìm cây thuốc nam. Nhưng chính ở 12 cây số này, lại là cả một lịch sử âm thầm 15 năm quân dân ta chiến đấu và lập nên những kỳ tích bây giờ nói ra ít người tin nổi. Dưới bóng rừng thâm nghiêm kỳ vĩ mà giờ ta chỉ còn gặp sóc chạy, két bay, đã từng có lúc chứa hàng binh đoàn cán bộ, chiến sĩ của mặt trận Văn hoá Tư tưởng của cách mạng. Họ là nhà văn, nhà báo, hoạ sĩ, đạo diễn quay phim và diễn viên hát múa của Văn công Giải phóng. Thỉnh thoảng, dưới bóng rừng hun hút hay thăm thẳm sâu, đôi chỗ vút lên dáng vóc hiên ngang ngạo nghễ cây kơ nia… ta nhìn kỹ mới thấy những tấm bia nhỏ nhắn khiêm nhường. Nơi ghi: Đài Phát thanh Giải phóng; chỗ khác: Thông tấn xã Việt Nam… Tận cuối của 12km xuyên rừng, mới có một nhà bia trỗi lên như một búp măng lồ ô xanh mát mắt. Đây là nhà bia kỷ niệm Ban Tuyên huấn Trung ương Cục. Ngày 20.12.2010 vừa qua, nhân kỷ niệm 50 năm thành lập, có hơn 700 cựu cán bộ, chiến sĩ Ban Tuyên huấn Trung ương Cục và gia đình họ đã tụ về rừng xưa, dưới bóng nhà bia. Chỉ con số ấy thôi đã cho thấy có biết bao người từng nằm sương gối đất, bám trụ ở nơi này.

TRẦN VŨ

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục