Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Nói đến các làng Khmer của xứ Kà Tum, người ta thường nhắc nhiều đến Tầm Phô, Kà Ốt và Suối Dầm. So với hai làng kia, thì Suối Dầm ít nổi tiếng hơn bởi đây là một làng được thành lập sau này.
Bà con Khmer ấp Suối Dầm trồng hoa màu.
Suối Dầm hiện nay là một ấp của xã Tân Đông, huyện Tân Châu. Đến với Suối Dầm không khó, từ ngã ba xã chạy theo đường 794 lên hướng Bổ Túc chừng hơn 100m, rẽ trái sẽ đến. Hiện ấp có khoảng 120 hộ đồng bào Khmer sinh sống chủ yếu bằng nghề nông. Trước đây, con đường vào ấp rất khó đi, nay đã nhựa hoá lên đến tận vành đai biên giới Đông Hà.
Về cái tên Suối Dầm, nhiều bà con ở đây quen gọi vậy, chứ ý nghĩa là gì thì ít ai còn nhớ. Đúng là tại khu vực này có con suối, nhưng tại sao lại gọi nó là Suối Dầm? Tra trong “Đại Nam quấc âm tự vị”, mục từ “Dầm” ở trang 219, Huỳnh Tịnh Của giảng giải: “Để trong nước hoặc ngâm trong nước; ở trong nước; chịu ướt”.
Tương tự, trong “Tầm nguyên từ điển Việt Nam” của Lê Ngọc Trụ cũng giải thích: “Dầm: ngâm trong nước, dầm nước” (sđd, trang 282, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1993). Khi khảo sát vùng đất này và tra cứu vài tài liệu cũ cho thấy, khu vực này xa xưa thuộc làng Bang Chrum Srey (đúng ra là Chrây) lập từ năm 1862, đến năm 1957 thì giải thể nhập vào làng Khedol, năm 1958 thuộc về xã Tân Long, năm 1972 lại thuộc xã Kà Tum, nay là xã Tân Đông.
Bang Chrum Srey viết cho chính xác theo tiếng Khmer là [ - Bâng Chroăm chrây] nghĩa là bưng bùn có cây da. Xưa kia, khu bưng rộng lớn này đa phần là bùn non, ruộng bùn lún sâu gần tới bụng, còn cây da cổ thụ trước gần đồn Kà Tum sau đã bị đốn hạ, nay vẫn còn địa danh Cầu Da ở đó.
Con suối chảy qua vùng này bà con Khmer gọi là [ - prek chroăm com phêm]- nghĩa là suối bùn có nhiều con cánh cam. Chính vì đặc điểm vùng đất bị nước long thấm vào lâu ngày thành bùn nên sau này mới được Việt hoá thành Suối Dầm là vậy.
Nói về người Khmer Suối Dầm, không ít người nghĩ họ đều là dân gốc của Kà Tum, nhưng thực ra hoàn toàn không phải vậy. Địa bàn đầu tiên họ ở là ven rừng Suối Dây từ thời tiền chống Pháp. Đó là các phum nhỏ từ Tà Dơ (xã Tân Thành hiện nay) lên tận Sóc Xoài, Sóc Chùa của xã Suối Dây bây giờ.
Sau hoà ước năm Nhâm Tuất 1862, lãnh thổ Nam kỳ coi như hoàn toàn rơi vào tay Pháp. Nghĩa quân của Trương Định bất tuân lịnh bãi binh của vua Tự Đức vẫn tiếp tục lãnh đạo nhân dân kháng Pháp.
Sau Trương Định mất, Trương Quyền tiếp tục nối chí cha, người anh hùng trẻ tuổi này lên Tây Ninh liên kết với Pu Kum Pô lập căn cứ tại rừng Suối Dây đánh Pháp. Mãi cho đến ngày 28.7.1867 thì căn cứ Suối Dây mới bị thất thủ, nghĩa quân tan rã, Pu Kum Pô trở lại Campuchia, còn Trương Quyền thì ra Bình Thuận rồi mất luôn ở đó.
Trong giai đoạn Trương Quyền và Pu Kum Pô ở căn cứ Suối Dây, các phum Khmer trong khu vực này đều một lòng theo nghĩa quân chống giặc. Sau khi căn cứ tan rã, Pháp ruồng bố, đốt phá các làng Khmer rất dữ dội.
Chính vì vậy mà các phum Khmer cũng dần phân tán đi khắp nơi để lánh nạn. Một trong các phum cũ đó di dời về sống trong rừng già ven bờ Tha La, nay là phần đất của ấp 4 gần khu Thị trấn - Suối Dây.
Trước năm 1975, phum Khmer này tiếp tục di dời qua bên kia bờ sông Tha La, chọn vùng đất mới để định cư, đó chính là khu ấp Thạnh Phú của xã Tân Hiệp hiện nay. Lúc bấy giờ vùng Tân Hiệp có tên là Kà Chốt, đây cũng là địa danh gốc Khmer
[- Bưng trây kanhchoh] nghĩa là khu bàu cá chốt. Cho nên phum Khmer ở đây cũng gọi là phum Kà Chốt.
Phum Kà Chốt những năm sau 1975 đến năm 1985 vẫn còn hết sức âm u tách biệt. Hơn 35 năm trước, khi chúng tôi đi điền dã để tìm hiểu, thì đây quả là một phum tự cung tự cấp gần như hoàn toàn. Phum có khoảng vài chục nóc nhà ở giữa khu rừng le bạt ngàn.
Những ngôi nhà sàn ở đây đều thấp và bé nhỏ, diện tích nền chừng 20-25m2, tất cả cột, kèo, sàn, vách… đều làm bằng tre gai, mái thì lợp cỏ tranh. Xung quanh nhà có nhiều gò mối lớn, trên mỗi cái gò mối đều có một lùm le xoè ra như cây dù to tướng trông rất đẹp, đó là nơi trẻ con tụ tập vui chơi khi người lớn đi làm. Trong phum, nhà nào cũng có một hai đôi trâu, chủ yếu là để cày bừa và kéo xe.
Ngoài ra bà con còn nuôi rất nhiều heo mọi, heo nuôi không nhốt chuồng mà thả rong trong rừng le tự kiếm ăn, chiều về chui dưới sàn nhà ngủ. Xung quanh phum là những đám đất nhỏ gieo trồng các thứ như bắp, khoai mì và lúa rẫy.
Ở mỗi mảnh đất như vậy, người ta lấy đá ong và gốc cây lục chất làm ranh giới, ven theo ranh ấy bà con trồng xen nhiều bầu, mướp, bí đỏ… để phục vụ cho bữa ăn hằng ngày. Trong phum này, xưa có nhiều thợ săn rất giỏi, chuyên bắn ná nỏ, bách phát bách trúng. Bên cạnh đó là những ông thầy thuốc cũng hết sức lạ lùng, kỳ quái.
Trước khi cứu giúp ai, các vị đều phải nhập đồng trục Neakta về, uống rượu ừng ực rồi mới ra tay. Thuốc thì chủ yếu bằng rễ cây mài ra hoà với phân chim cho bệnh nhân uống, ấy vậy mà cứu sống không biết bao nhiêu mạng người thuở ấy. Hằng năm, vào những dịp lễ tết, bà con thường đi ra xã Tân Thạnh (nay là thị trấn Tân Châu) mua mít non về hầm với thịt trâu để ăn tết, nhạc thì chơi suốt mấy ngày đêm…
Một góc Nhà văn hoá ấp Suối Dầm.
Đến khoảng năm 1989-1990, cả phum Kà Chốt lại một lần nữa di dời lên ấp Suối Dầm của xã Tân Đông, nơi đây bà con được thuận tiện hơn rất nhiều như đổi mới mở rộng đất canh tác, hoà nhập giao lưu, sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng với các làng Khmer lâu đời khác ở đây, thoát khỏi cảnh tự cung tự cấp, đặc biệt là trẻ em được học hành.
Ngày nay đến ấp Suối Dầm sẽ thấy thay đổi rất nhiều. Con đường từ Suối Dầm lên Đông Hà được đắp cao, mở rộng, láng nhựa rất êm. Có con đường này sẽ rất thuận tiện cho việc vận chuyển nông sản lên xuống vành đai biên giới và khẩu Kà Tum.
Bà con ở đây không còn cảnh trồng bắp, đậu lẻ tẻ như xưa nữa, mà chuyển qua trồng khoai mì và lập vườn cao su. Trong ấp, hầu như mỗi nhà đều có đất để sản xuất riêng. Trong những năm gần đây, hộ có điều kiện đều mạnh dạn đầu tư trồng cây công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều hộ tận dụng và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển nông nghiệp, kinh tế gia đình. Chính vì vậy, đa số người dân ở đây có cuộc sống khá giả, sung túc; trong ấp hiện còn rất ít hộ thuộc diện hộ nghèo.
Có thể nói, tuổi đời của ấp Suối Dầm chỉ tầm ba mươi, nhưng về lịch sử của nó không dừng lại ở đó. Bà con Khmer sinh sống ở đây đa phần là thế hệ trẻ sau này, lớp người kỳ cựu còn nhớ chuyện xa xưa không còn được mấy người.
Một chiều trở lại miền biên giới, chúng tôi ghé thăm mảnh đất “bùn sình có nhiều con cánh cam” xưa. Ngồi bên thềm nhà văn hoá ấp ngắm nhìn khung của cảnh làng quê mới, mà lòng không khỏi bâng khuâng nhớ về phum Kà Chốt nghèo khó thuở nào. Mong rằng, ngày mai đây Suối Dầm bước vào tương lai tươi sáng nhưng hãy luôn cố gắng giữ gìn trang sử đẹp của quê hương.
Đào Thái Sơn