Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Trở lại Tân Hà
Thứ hai: 06:01 ngày 23/01/2012

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Xã được thành lập năm 1995, ngoài người dân Tây Ninh còn có người dân của 36 tỉnh, thành trong cả nước cùng hội tụ về đây, mang theo sinh hoạt văn hoá vùng miền vô cùng đặc sắc, đa dạng…

Nhân dân xã Tân Hà và cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng 821 làm đường giao thông nông thôn

Tôi trở lại Tân Hà sau thời gian xa cách khá dài, con đường 785 trải nhựa phẳng lỳ như rộng thêm hơn. Hàng điện đường giăng giăng, như cung đàn đất nước đang trỗi những khúc nhạc rộn ràng, chào ngày mới sang trang. Nắng sớm mùa đông không đủ xua tan những giọt sương đêm còn đọng trên cành lá; gió mơn man thổi, chồi non đong đưa vươn mình đón nắng. Ký ức ngày xưa lần lượt hiện về theo cảnh vật rất lạ mà quen.

Chúng tôi đến Vạc-Sa vào những ngày Campuchia vừa giải phóng. Chiếc máy cày MTZ chở từng đại đội Thanh niên xung phong (TNXP), lắc lư trên con đường đá đỏ gập ghềnh chi chít hố bom, được phủ kín bằng hàng cây rừng già cỗi. Những ngày đầu tiên thật vất vả, cả Liên đội I-TNXP Tây Ninh phải ở tạm trên đường, không đóng quân sâu trong rừng vì còn nhiều mìn trái. Không một bóng người dân. Cảnh vật làm nao lòng những người TNXP lên vùng biên giới, còn nguyên vẹn chứng tích chiến tranh. Sau khi được tập huấn cấp tốc về kỹ thuật phát hiện mìn do đơn vị Công binh Quân khu 7 hướng dẫn, cả liên đội bắt tay ngay vào việc rà phá bom mìn do bọn Pôn Pốt để lại. Rà mìn đến đâu, khai hoang đến đấy để xây dựng lán trại. Lán trại liên đội được xây dựng bằng tre rừng, chỉ cách biên giới chưa đầy 1 km. Liên đội có nhiệm vụ cùng với bộ đội kiểm tra, bảo vệ biên giới, khai hoang, phục hoá, sản xuất lương thực.

Những ngày làm ruộng gian khổ mà vui. Tất cả các công đoạn canh tác đều làm bằng sức người là chính. Liên đội có 4 đại đội, mỗi đại đội có nhiệm vụ khác nhau. Đại đội này giẫy cỏ, đại đội kia lượm cỏ. Đại đội này cuốc đất, đại đội kia san đất. “Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”, chúng tôi phục hoá hơn 20 ha đồng ruộng. Mùa mưa, những nơi ruộng thấp dùng để cấy lúa, những nơi triền dốc thì trồng khoai, trồng bắp. Đất hoang được phục hoá nên năng suất lúa luôn vượt yêu cầu. Vui nhất vào mùa mưa, liên đội làm sa bắt cá tại suối Đục. Những khi mưa lớn, cả liên đội như được đãi bữa cá tươi ngon tuyệt. Mùa nắng, tát cá dưới hố bom, câu cá theo triền suối, hái măng rừng cải thiện đời sống. Thiếu thốn nhiều nhất là đời sống tinh thần. Hằng ngày, cả liên đội chỉ lo sản xuất. Đêm về, bên ngọn đèn dầu không đủ sáng, không dám sinh hoạt, hát ca, vì đây là quy định của vùng biên giới. Thứ 7 hằng tuần, cả liên đội đi bộ về Tổng đội (cách nơi đóng quân của liên đội khoảng 6 km) được đại đội Văn thể phục vụ văn nghệ, được uống cà phê, giải khát, sinh hoạt cá nhân tại căn tin của Tổng đội. Ngày Tết, mỗi đội viên được tặng bột giặt, bột ngọt, kem đánh răng, thuốc hút, bánh ngọt, mỗi đại đội còn được tặng 1 con heo liên hoan nhưng thiếu rượu mừng xuân.

Để đi lại trong khu vực, chúng tôi phải đi bộ, nếu may mắn gặp lúc xe reo của Tổng đội chở hàng lên thì đi nhờ. Mỗi khi về phép, “cuốc bộ” từ Vạc-Sa đến Kà Tum hơn 10 km là chuyện bình thường. Sau đó, đón xe dân chở hàng, quá giang về Đồng Ban, đến đây mới có xe vận tải hành khách chạy bằng than chở về Thị xã.

Nói sao hết những tháng ngày gian nan ấy, máu đồng đội tôi đã đổ trên mảnh đất này. Để hôm nay, thấp thoáng trong những hàng cây xanh ven đường, những ngôi nhà mới xây đang đua nhau mọc lên. Hàng ăngten vươn thẳng trời xanh, như thách thức mọi khó khăn phía trước. Tất cả tạo thành bức tranh tổng thể nhiều màu sắc của cuộc sống hạnh phúc, bình yên.

Vùng đất Tổng đội TNXP Tây Ninh trú đóng hơn ba mươi năm trước, nay là xã Tân Hà. Xã được thành lập năm 1995 với khoảng 600 hộ, 1.600 nhân khẩu, tất cả đều là nhà tranh vách đất. Nay toàn xã đã có 1.833 hộ, 6.784 nhân khẩu, hơn 50% là nhà kiên cố. Ngoài người dân Tây Ninh đến đây lập nghiệp, còn có người dân của 36 tỉnh, thành trong cả nước cùng hội tụ về đây, mang theo sinh hoạt văn hoá vùng miền vô cùng đặc sắc, đa dạng, phong phú trong những ngày lễ hội. “Tân Hà vẫn còn là xã nghèo, nhưng nếu so sánh với những ngày đầu thành lập thì Tân Hà ngày nay đã có những bước phát triển về mọi mặt. Kinh tế của xã ổn định, chuyển dịch cơ cấu cây trồng đúng hướng. Sản xuất nông nghiệp gắn với thị trường và công nghiệp chế biến, chất lượng dịch vụ được tăng lên, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được cải thiện, bộ mặt nông thôn ở địa phương khang trang, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên biên giới và nội địa được giữ vững. Người dân đã an cư, lạc nghiệp, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 4 đến 5 lần so với trước” ông Bùi Sỹ Tiến, Bí thư Đảng uỷ xã Tân Hà phấn khởi cho biết.

Những ki-ốt quanh chợ Tân Hà đang xây dựng

Người bạn cũ đưa tôi đi thăm nơi đóng quân ngày xưa, Vạc-Sa bây giờ khác quá. Con đường đất nhỏ năm nào đầy những hố bom, nằm giữa hàng tre rừng che bóng mát, đã được mở rộng hơn và thay bằng đường nhựa, đường phún đỏ. Không còn rừng tre che bóng mát, cửa hiệu, hàng quán thi nhau mọc lên. Ruộng đồng hoang hoá ngày nào giờ rợp màu xanh của mì, mía, lúa, cao su. Hiệu quả thu được trên 1 ha sản xuất nông nghiệp rất đáng phấn khởi, bình quân 30 triệu đồng/năm/ha. Cuộc sống người dân từng bước được nâng lên, ai cũng có việc làm. Nhờ cơ chế thoáng, Nhà nước luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân làm giàu bằng chính sức lao động của mình. Trước đây, cả xã chỉ vài cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, thủ công, không có một phương tiện cơ giới nào. Nay đã hình thành các cơ sở mộc gia dụng, xay xát lúa, nhà máy chế biến tinh bột mì, 4 công ty TNHH thu mua các mặt hàng nông sản. Phương tiện vận tải hàng hoá có 17 xe tải các loại, 12 xe du lịch vận chuyển hành khách, 2 xe bồn chở xăng, 20 máy cày lớn nhỏ. Hiện toàn xã có 99,1% số hộ sử dụng điện, 80% gia đình sử dụng nước sạch do UNICEF tài trợ và người dân tự đầu tư.

Ghé quán nước bên đường, có hàng cây xanh bóng mát, chúng tôi thấy có mấy chiếc ô tô đời mới và những chiếc xe mô tô đắt tiền đang đậu trước quán. Đa số khách ở độ tuổi trên dưới 30, họ đang bàn tán sôi nổi về giá mì, giá mía, giá cao su. Những thanh niên năng động của thế kỷ 21, bắt nhịp rất nhanh với hơi thở cuộc sống. Chính họ đang là những chủ nhân, tác động tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương. Anh bạn tôi cho biết, họ là những người dân mới lên đây lập nghiệp chừng khoảng chục năm, nhờ chăm chỉ làm ăn giờ ai cũng trở nên giàu có.

Tiếng trẻ đọc đồng thanh vang lên trong ngôi trường còn thơm mùi vôi mới, làm dịu đi cái nắng chói chang của vùng biên giới. Từng nhóm học sinh tan trường sớm đang hối hả đạp xe về nhà. Trước đây, khi xã mới thành lập không có một trường học nào, 30% người dân mù chữ. Nay đã có đủ trường, từ mầm non đến trung học cơ sở (THCS), với hơn 900 học sinh. Xã biên giới Tân Hà đã đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập THCS.

Mùa xuân đang đến thật gần, nhịp sống sôi động ở vùng biên giới như khẩn trương hơn. Tất cả đã vào guồng. Mai này, khi cơ sở hạ tầng được xây dựng hoàn chỉnh, đường nông thôn được nhựa hoá, nhiều công ty, xí nghiệp ra đời bên cửa khẩu Vạc-Sa đang hình thành và phát triển. Xuân này, chợ Tân Hà đi vào hoạt động với những dãy ki-ốt khang trang, sạch đẹp, hàng hoá dồi dào, đa dạng, chất lượng, là nơi giao thương buôn bán của người dân hai bên biên giới. 

Đêm về, ánh trăng lung linh giấu mình qua kẽ lá. Đâu đó trong những ngôi nhà sáng điện ở Tân Hà âm vang những làn điệu Quan họ, như đưa chúng tôi về miền Kinh Bắc ngày xưa. Vùng đất văn hoá đa sắc màu, như ghi đậm dấu ấn mùa xuân vùng biên giới.

DUY ĐỨC

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục