Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Ngày nay trở lại trảng Đồng Rùm, vết tích chiến tranh xưa đã mờ hẳn, bãi chiến trường của hơn nửa thế kỷ trước đã thành ruộng đồng vườn tược xanh ngát. Cuộc sống của bà con vùng quê này hết sức yên ả thanh bình.
Trảng Đồng Rùm.
Ở Tây Ninh, rất nhiều người biết đến di tích Căn cứ Xứ uỷ Nam bộ - X40, nơi mà người dân quen gọi là Rừng lịch sử, hiện toạ lạc tại ấp Đồng Rùm, xã Tân Thành, huyện Tân Châu, nhưng có lẽ ít ai chú ý đến một địa danh hết sức quan trọng gần đó- trảng Đồng Rùm.
Tại khu trảng rộng lớn này, ngày 21.3.1967 đã ghi dấu chiến công oanh liệt của quân và dân ta. Và cũng tại chiến địa này, hơn 600 chiến sĩ của Sư đoàn Bộ binh 9 vĩnh viễn nằm lại trong lòng đất mẹ yêu thương.
Khu Tân Thành nói chung và trảng Đồng Rùm nói riêng, xa xưa chủ yếu là rừng và đầm lầy, chủ yếu có đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, bằng chứng là những địa danh còn tồn tại cho đến ngày nay như Tà Dơ, Đồng Kèn, Sóc Xoài…
Bản thân địa danh Đồng Rùm cũng là một từ gốc Khmer - Đơm rùm đuôl, nghĩa là cây rùm đuôl, một loại cây thân gỗ cao từ 15-20m, có tên khoa học là Mitrella mesnyi - Melodorum fruticosum (không phải là cây chùm đuông có trái màu tím than). Hoa rùm đuôl - Phka rùm đuôl có màu vàng rất đẹp, người Khmer xem loại hoa này tượng trưng cho người con gái dịu dàng, thanh tao, duyên dáng…
Khu vực này, xưa kia về địa giới hành chính là phần đất của làng Lộc Ninh, tổng Hàm Ninh, huyện Tân Ninh có từ triều Minh Mạng. Đến triều Tự Đức, tổng Hàm Ninh chia thành Hàm Ninh Thượng và Hàm Ninh Hạ, lúc bấy giờ Lộc Ninh thuộc về Hàm Ninh Thượng.
Từ năm 1930 thì thuộc quận Thái Bình, năm 1942 đổi tên quận là Châu Thành, đến năm 1959 thuộc về quận Phú Khương. Nhưng trên thực địa thì xã Lộc Ninh của huyện Dương Minh Châu ngày nay hoàn toàn không còn dính líu tới khu Tân Thành - Đồng Rùm nữa.
Lý do là năm 1984 khi xây dựng hồ Dầu Tiếng, hầu hết diện tích đất tự nhiên của xã Lộc Ninh đã chìm dưới nước. Chính vì vậy, chính quyền địa phương quyết định lấy một phần đất lớn của xã Truông Mít và các xã lân cận thành lập xã Lộc Ninh mới, còn phần đất của Tân Thành - Đồng Rùm giao lại cho xã Suối Đá quản lý. Về sau, nơi đây mới thành lập khu kinh tế mới, rồi nâng cấp thành xã và giao về cho huyện Tân Châu từ năm 1989 cho tới nay.
Giai đoạn cuối thế XIX, đầu thế kỷ XX, dân số Tây Ninh chưa nhiều, cho nên khu Tân Thành - Đồng Rùm ngày nay chủ yếu chỉ là rừng già. Nơi này có địa thế hiểm yếu nên những bậc tiền nhân đã chọn làm căn cứ kháng Pháp.
Năm 1946, lực lượng cách mạng Tây Ninh chọn Đồng Rùm làm căn cứ, Chi đội 11 lập xưởng sản xuất vũ khí tại đây. Năm 1951, Xứ uỷ Nam bộ từ Đồng Tháp chuyển về Đồng Rùm, lấy phiên hiệu là X40. Sau đó, X40 phát triển liên hoàn với Chiến khu Dương Minh Châu và Chiến khu D để hình thành thế liên hoàn chống giặc.
Năm 1952, Pháp tập trung 20 tiểu đoàn tấn công vào căn cứ nhưng không thể phá vỡ. Năm 1954, X40 Đồng Rùm là nơi tổ chức cho cán bộ chiến sĩ học tập, nắm bắt tình hình chuẩn bị cho nhiệm vụ mới.
Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, nơi đây tiếp tục được chọn làm căn cứ Xứ uỷ, Bộ Chỉ huy Miền, đặc biệt là Công trường 9 của Sư đoàn 9 đã được thành lập tại đây. Và X40 cũng trở thành trọng tâm của nhiều cuộc càn quy mô lớn của Mỹ hòng tiêu diệt cho kỳ được căn cứ này, đỉnh điểm là giai đoạn chiến dịch mùa khô năm 1967.
Sau khi chịu tổn thất nặng ở biên giới Bắc Tây Ninh, Mỹ rút quân ra khỏi Kà Tum, Bổ Túc, chỉ còn Lữ đoàn 196 chốt tại Đồng Pal. Phân tích được tình hình Mỹ sẽ tiếp tục mở cuộc càn về hướng Tha La và phía Tây sông Sài Gòn, Quân uỷ và Bộ Tư lệnh Miền quyết định huy động sức mạnh tổng hợp của các lực lượng để đánh bại cuộc hành quân Junction City và cuộc phản công chiến lược lần hai của Mỹ.
Ngày 18.3.1967, Mỹ chia hai cánh quân càn quét vào hướng Đông Bắc Tây Ninh, nhưng bị quân ta đánh chặn. Ngày 19.3.1967, Mỹ đưa Lữ đoàn 3 Sư đoàn 4 và một tiểu đoàn của Lữ đoàn 173 không vận Mỹ đổ quân xuống trảng Đồng Rùm. Nơi đây, quân đội Mỹ tạo thành hai tuyến phòng thủ, có đầy đủ xe tăng, thiết giáp, máy bay và bày trận địa pháo rất kiên cố.
Sách “Lịch sử Sư đoàn Bộ binh 9” (1965-2020) của Quân đoàn 4 ghi lại khá cụ thể như sau: “Ngày 20 tháng 3, sau khi nghe trinh sát kỹ thuật báo cáo tình hình cụm quân Mỹ ở Đồng Rùm, Đảng uỷ - Bộ Tư lệnh Sư đoàn hạ quyết tâm vận động tập kích quân Mỹ, nguỵ ngay trong đêm 20 rạng ngày 21 tháng 3. Trung đoàn 2 đang đứng ở Trà Dơ cách Đồng Rùm 5 ki-lô-mét về phía đông nam, vận động đột phá hướng chủ yếu.
Trung đoàn 16 đứng cách Đồng Rùm 7 ki-lô-mét về phía bắc, vận động đột phá hướng thứ yếu. Đêm 20 tháng 3, hai trung đoàn đưa bộ đội vào chiếm lĩnh trận địa, tổ chức hiệp đồng giữa các hướng, bảo đảm bí mật và đúng thời gian quy định.
5 giờ 39 phút ngày 21 tháng 3, Trung đoàn phó Trung đoàn 2 Trương Văn Đàng ra lệnh nổ súng. Sau loạt bắn cấp tập của cối, ĐKZ, hai Tiểu đoàn 4 và 6 đột phá qua tiền duyên, đánh nhanh, xung phong đồng loạt, diệt nhiều hoả điểm và xe cơ giới địch, đánh bật các đợt phản kích của chúng.
Đại đội 2 Tiểu đoàn 4 nhanh chóng thọc sâu, đánh trúng sở chỉ huy địch. Trong khi đó, Trung đoàn 16 hiệp đồng theo tiếng súng tập kích cụm quân Mỹ ở phía bắc. Sau ba giờ chiến đấu, Trung đoàn 2 và Trung đoàn 16 diệt và bắt hơn 1.000 tên, đánh thiệt hại 3 tiểu đoàn bộ binh, 1 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn cơ giới, phá huỷ 87 xe tăng, xe bọc thép, bắn rơi 12 máy bay...
Trong cuộc phản công đánh bại cuộc hành quân Gian-xơn Xi-ty của quân Mỹ, trận Đồng Rùm là trận đánh tiêu diệt lớn nhất của Sư đoàn, một trận đánh ý nghĩa, làm thất bại hoàn toàn cuộc hành quân của địch, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của quân và dân toàn Miền, đập tan cuộc phản công chiến lược lần thứ hai của đế quốc Mỹ” (sđd, trang 105-106, Nxb Quân đội nhân dân).
Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ tại trảng Đồng Rùm.
Xin nói thêm rằng, trong trận đánh đêm 20 và rạng sáng 21.3.1967, lực lượng của ta hy sinh không ít. Hơn 600 chiến sĩ đã nằm xuống, được chôn cất ở hai hố chôn tập thể tại khu trảng Đồng Rùm, nay thuộc ấp Tân Hiệp của xã Tân Thành.
Vấn đề hai hố chôn tập thể này, hiện nay chỉ mới phát hiện được một. Vốn từ sau chiến tranh, trảng Đồng Rùm không còn là một khu trảng rừng như trước, nơi đây được người dân cải tạo lại thành ruộng để canh tác.
Sau một thời gian sử dụng, nơi một giếng nước (phía sau nhà bia tưởng niệm chừng 200m), người dân phát hiện có nhiều xương người trồi lên, liền cấp báo cho chính quyền địa phương. Khi khai quật, trong hố chôn này có hơn 300 bộ hài cốt liệt sĩ, sau đó được đưa đi quy tập ở nghĩa trang. Còn hố thứ hai cho đến nay vẫn chưa xác định được vị trí.
Ngày nay trở lại trảng Đồng Rùm, vết tích chiến tranh xưa đã mờ hẳn, bãi chiến trường của hơn nửa thế kỷ trước đã thành ruộng đồng vườn tược xanh ngát. Cuộc sống của bà con vùng quê này hết sức yên ả thanh bình.
Đào Thái Sơn