Đọc báo in
Tải ứng dụng

Miếu Bà Tiên Thuận.

Trở lại di tích khảo cổ học miếu Bà Bến Ðình sau những ngày mưa lớn. Ðã không thấy dấu vết gì của cơn mưa, chứng minh rõ ràng nhất là luống hoa huệ đất trồng trước miếu Bà vẫn tươi rói màu cam rực rỡ. Hơn nữa, miếu Bà giờ đã có vẻ tươi tắn hơn, dù cây rừng vẫn đổ bóng xuống khu gò. Cây tạp vẫn bao quanh tạo không khí hoang sơ.

 

Tươi tắn hơn! Không chỉ nhờ vào hoa. Mà còn do miếu Bà mới được xây sửa. Miếu chính đã không còn mái lở, tường long như vài năm trước nữa. Giờ đây, miếu đã được xây mới, tường gạch xây, tôn lợp màu giả ngói.

Bên trong ốp gạch men trắng toát. Làm nổi bật lên những tấm đại tự màu đỏ trên mỗi ban thờ. Ban nào cũng có bình bông, bát nhang, đèn nến. Nổi bật trên ban thờ chính còn có thêm một pho tượng Bà với đủ áo mão uy nghi và đẹp đẽ. Hai bên còn một cặp hạc thờ.

Miếu xây lại nhưng vẫn giữ nguyên vị trí và kích thước cũ. Bề ngang chỉ 1,8m và bề sâu gần 3m. Mái vẫn là 2 mái dốc sang hai phía. Tường ngoài hai bên và mặt hậu được sơn hồng. Trước miếu vẫn là ngôi võ ca tạm thời, dựng lên từ 4 hàng cột trụ bê tông đúc sẵn, thả kèo gỗ dốc hai bên để lợp tôn.

Võ ca có kích thước rộng 6m, dài 9m, nền lát gạch tàu. Nổi bật ở gian đầu là tấm biển sơn ghi tóm tắt lý lịch di tích. Theo đó trên gò này, đã có tới 4 nền móng tháp cổ được phát hiện. Ngay dưới vị trí có ngôi miếu cũng là một móng tháp.

Ngoài ra, bản lý lịch còn mô tả những di chỉ kéo dài từ đây ra tới bờ sông. Trong đó có các khu dân cư, khu cảng thị thuộc nền văn hoá Óc- eo từng tồn tại suốt 7 thế kỷ. Quan trọng thế nên khu di tích này đã được công nhận di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh từ khá sớm, vào ngày 13.6.1998. Ðến nay là đúng 20 năm.

Ngoài ngôi miếu Bà được xây lại, còn vài kiến trúc mới xuất hiện. Như một ngôi miễu nhỏ không biết thờ ai và một con đường dốc thoải đi xuống đang còn lát gạch chỉ dở dang. Ngoài ra, còn có một tượng voi đứng và một bàn thiên thấp bày nhiều tượng ngựa.

Cũng nên nhắc tới một vật kiến trúc, chắc đã có từ thời Pháp thuộc. Ðó là một cột mốc toạ độ được đúc bằng bê tông sạn gắn tấm kim loại ghi số hiệu. Ðến nay cũng đã có thể coi là một di tích thời dân ta mất nước. Dấu vết của ngôi miếu Bà thời xưa có lẽ chỉ còn ở vài viên đá tán kê chân cột. Cả đá và cột mốc hiện vẫn còn ngay ngoài thềm trước võ ca.

Thử đặt vấn đề, việc tu sửa và xây mới cụm miếu Bà này có vi phạm gì không khi đối chiếu với pháp luật và các quy định về bảo vệ các di tích lịch sử - văn hoá? Di tích có tên là di tích khảo cổ học Bến Ðình, nên chỉ nhắc đến những hiện vật đã khám phá dưới nền đất gò, hoàn toàn không kể tới ngôi miếu Bà, ngoài một câu duy nhất kể đến việc dưới miếu có một móng tháp cổ.

Do vậy, việc người dân tín ngưỡng tự ý xây sửa có lẽ đã không vi phạm. Tuy nhiên, nếu không có sự quản lý thì có thể sẽ có thêm những vật kiến trúc lạ, phi truyền thống xuất hiện nhiều hơn nữa. Mà không chỉ là voi và ngựa. Ðiều này đã có tại một khu di chỉ khảo cổ học khác, cũng thuộc về xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu. Ðấy là bàu Ông.

Miếu Bà Bến Ðình thuộc về ấp B, thì khu bàu Ông lại thuộc về ấp Bàu Tép kế bên, cách Bến Ðình khoảng gần 2km. Chính là tại đây vào năm 1985, Bảo tàng tỉnh đã phát hiện một điêu khắc đá hình hoa sen tuyệt đẹp, nằm trên bờ phía Tây một chiếc bàu nước hình chữ nhật.

Bàu có kích thước rộng 57m (hướng Bắc Nam) và dài 73m (hướng Ðông Tây). Bàu sâu 1,3 đến 1,5m, được người dân canh tác trồng lúa vào mùa cạn. Bờ bàu rộng từ 16 đến 20m, vẫn còn nguyên các cây cổ thụ xen với cây chồi và nhiều bụi dây leo rậm rạp.

Tại nơi có bông sen đá ấy, đã từng có nhiều người dân đến thắp nhang dâng hoa trái thờ Ông. Khi ấy, bông sen này được gọi là ông Ðá. Do vậy mà bàu cũng được mang tên gọi bàu Ông. Bông sen có kích thước lớn, được tạc ra từ nguyên một khối sa thạch, hiện cao khoảng 0,9m và đường kính khoảng 0,8m.

Ðấy cũng chính là bông sen đá được Bảo tàng tỉnh lập hồ sơ trình lên cơ quan có thẩm quyền xét tặng là bảo vật quốc gia vào cuối năm 2017, hiện vẫn chờ kết quả.

Một đặc điểm khá lạ là trên khu gò bên bàu nước này lại hoàn toàn không phát hiện những viên gạch xây tháp cổ; điều thường thấy ở đa số các di chỉ có cấu trúc bàu - gò đã phát hiện ở Tây Ninh.

Tại báo cáo khoa học “Ðiều tra, xác định và đề xuất giải pháp bảo tồn, phát huy các di tích khảo cổ học ở Tây Ninh”, năm 2011, các nhà nghiên cứu đã đánh giá sơ bộ rằng: “Có thể bàu Ông được đào trong thời kỳ hậu Óc- eo khoảng thế kỷ thứ X-XI sau công nguyên”.

Một số nhà nghiên cứu cũng cho rằng, bông sen (cùng một lỗ đục lõm phía trên đỉnh để đặt vào một viên đá hình trụ tròn) là một cặp ngẫu tượng thờ linga và yoni. Nếu đúng vậy thì quả thật, bông sen đá là một ngẫu tượng thờ độc đáo và duy nhất của nền văn hoá Bà-la-môn thuở trước. Ðây chính là điều được nhấn mạnh trong hồ sơ trình đề nghị xếp hạng hiện vật này là bảo vật quốc gia.

Ðiều khá lạ lùng là cho đến nay, bàu Ông cũng chưa được xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh hay quốc gia. Mặc dù có thể nói đây chính là một cấu trúc bàu - gò được bảo vệ toàn vẹn nhất so với mọi di chỉ khảo cổ tương tự ở tỉnh nhà.

Nhờ vậy, Tiên Thuận tới nay vẫn còn một cảnh quan hoang sơ tuyệt sắc. Vừa có cây cao bóng cả, dây leo cỡ bắp chân bắp tay bò nguềnh ngoàng dưới đất hoặc chằng chịt trên các cây cổ thụ; lại vừa có một khoảng ruộng xanh non ở giữa. Nơi đây lưu giữ ký ức của rừng già Quang Hoá, từng được ghi nhận trong sách Gia Ðịnh thành thông chí.

Có lẽ cũng chính vì chưa phải là di tích, nên những người yêu mến bàu Ông đã gần như tự do thể hiện lòng sùng kính trên gò. Bằng chứng là khu gò bây giờ đã có một diện mạo kiến trúc tâm linh hoàn toàn đổi khác.

Tại bờ Tây của bàu, nơi có bông sen đá nay đã là một ngôi miếu (hoặc đền) khá lớn. Kiến trúc này có mặt bằng rộng 5,2m, dài 6,4m, với 4 trụ xây lớn nâng đỡ một hệ kèo sắt, lợp tôn màu giả ngói. Nền nhà được lót gạch men. Phía trước còn là một dàn mái khung thép nhẹ, lợp tôn như kiểu ngôi võ ca ở các miếu, đình.

Bông sen đá (ông Ðá) nay được ngự giữa nền gạch men sáng bóng. Ông cũng được khoác lên tấm vải đỏ có tua vàng làm áo khoác. Bình bông, nhang đèn, lư hương cùng những hạc chầu, tượng ngựa đứng bên.

Trong và ngoài ngôi thờ tự này còn có cả gần chục ngôi miễu nhỏ. Nào tả ban, hữu ban; nào sơn thần thổ địa hoặc mười hai vị thần tài. Phía ngoài cũng có vài ngôi, thờ những vị như tổng quản binh hoặc binh gia chiến sĩ… Ngay cả một gò mối trong nền nhà cũng được đặt bảng tên là Thần Mối.

Tại góc phía Ðông - Nam của khu bàu gò này, ngày trước chỉ có một ngôi miếu nhỏ thờ Bà (chúa xứ). Thì nay đã có thêm các ngôi thờ bà Linh Sơn thánh mẫu, bà Thiên Hậu, bà Cửu Thiên huyền nữ.

Ngôi nào cũng được xây cất khang trang với tường xây, mái lợp tôn màu. Miếu nào cũng có tượng các bà ngồi trên ngai với đầy đủ áo mão, xiêm y rực rỡ. Có cả tượng Phật bà Quán Thế Âm đứng lộ thiên dưới bóng rừng cây.

Bên một vài gốc cây rừng cũng có thêm các bàn thiên chưa rõ thờ ai. Dường như dưới bóng rừng đã hiện diện một bức tranh đa sắc màu tín ngưỡng. Cũng đã có nhiều cái tên được in trên các bộ bàn ghế đá mài hiến tặng. Ðịa chỉ của họ lại là ở TP. Tây Ninh hoặc chợ Long Hoa.

Vui thì cũng có, bởi “Ông” đã không còn dãi nắng dầm mưa như nhiều năm qua nữa. Nhưng cũng chạnh một chút buồn. Bởi bàu Ông đã không còn nguyên gốc cũ, chỉ thờ “Ông”.

TRẦN VŨ