BAOTAYNINH.VN trên Google News

Trở lại vụ án “vịt lạc đàn”

Cập nhật ngày: 19/07/2009 - 08:30

Toàn cảnh phiên toà xét xử lần thứ nhất, ngày 24.3.2009

Cách đây gần 4 tháng, Báo Tây Ninh có đăng bài viết “Vụ án ‘vịt lạc đàn’ và phiên toà dang dở” tường thuật lại vụ ông Nguyễn Văn Cu (ngụ ấp Lộc Thành, xã Lộc Hưng, huyện Trảng Bàng), bị truy tố về tội “chiếm giữ tài sản trái phép”. Trong phiên toà ngày 24.3.2009, vì không đủ chứng cứ, Hội đồng xét xử TAND huyện Trảng Bàng ra quyết định trả hồ sơ cho Viện KSND huyện Trảng Bàng để điều tra bổ sung. Từ một vụ tranh chấp đơn giản, những người nông dân chân lấm tay bùn, quê mùa mộc mạc đã phải ra công đường để giải quyết. Ngày 20.7, TAND huyện Trảng Bàng sẽ mở phiên toà xét xử lần hai. Điều đáng nói là, dù đã điều tra bổ sung, nhưng bản cáo trạng vẫn còn không ít tình tiết “lấn cấn”.

Có chăng việc lùa vịt hàng xóm?

Được biết, ông Trương Văn Chơn ngụ cùng ấp với ông Nguyễn Văn Cu. Nhà ông Chơn ở xóm dưới còn ông Cu ở xóm trên. Hai nhà có chung nghề nuôi vịt siêu trứng, trại chăn nuôi của hai nhà cách nhau khoảng vài chục mét. Cách nay hơn một năm, người dân ấp Lộc Thành, xầm xì bàn tán về vụ tranh chấp giữa ông Chơn và ông Cu, chỉ vì 150 con vịt của ông Chơn bị chó rượt… nhập nhầm vào bầy vịt của ông Cu (?!).

Theo cáo trạng của Viện KSNS huyện Trảng Bàng, ông Trương Văn Chơn và Nguyễn Văn Cu cùng ngụ ấp Lộc Thành, xã Lộc Hưng, huyện Trảng Bàng có nuôi hai đàn vịt đẻ siêu trứng cùng chủng loại, hai trại vịt cách nhau 400 mét. Ngày 4.12.2007 ông Chơn giao đàn vịt cho anh Trương Văn Chuôl ngụ cùng ấp chăn thả trên cánh đồng ruộng cách trại vịt của Cu khoảng 200 mét để đi đám ma. Đến khoảng 15 giờ 30 phút cùng ngày, ông Chơn quay về thì thấy Cu đang cầm cuốc lùa vịt trên đồng ruộng, ông Chơn hỏi Cu: “Tại sao lùa vịt của ông?”, thì Cu nói: “vịt của tôi bị chó đuổi nên lùa lại”, lúc này có anh Châu Văn Đảnh là người làm công cho Cu trông coi đàn vịt. Sau đó ông Chơn về nhà kiểm tra lại đàn vịt của mình thì phát hiện số lượng vịt trong đàn bị hao hụt mất khoảng 180 con. Sáng ngày 5.12.2007, ông Chơn đến nhà gặp Nguyễn Kim Trương (là vợ Cu) và Cu để xin lại số vịt bị Cu lùa nhầm vào chiều hôm trước, nhưng Trương không đồng ý. Sau đó ông Chơn báo chính quyền địa phương can thiệp, sau nhiều lần vận động hoà giải, Trương và Cu cương quyết không chịu trả vịt lại cho ông Chơn. Ngày 6.12.2007, ông Chơn có đơn thưa Trương, Cu có hành vi chiếm giữ trái phép tài sản, cùng ngày Công an xã Lộc Hưng cùng chính quyền ấp Lộc Thành và người chứng kiến tiến hành kiểm tra thực tế số lượng vịt trong hai đàn vịt của ông Chơn và Cu, kết quả đàn vịt của ông Chơn có 381 con, đàn vịt của Cu có 830 con. Qua điều tra xác minh, cơ quan điều tra xác định vào thời điểm ngày 6.4.2007, anh Trần Văn Chí là cán bộ thú y xã Lộc Hưng có đến tiêm chủng ngừa H5N1 cho đàn vịt của vợ chồng Trương, Cu là 650 con vịt trong đàn. Đồng thời Trương, Cu không chứng minh được số lượng vịt phát sinh từ thời điểm tháng 4.2007 đến thời điểm xảy ra vụ tranh chấp trên. Ngày 27.10.2007, anh Chí tiêm chủng ngừa H5N1 lần cuối cùng cho đàn vịt của ông Chơn là 600 con, qua quá trình chăn nuôi số lượng vịt bị chết nên còn lại 560 con trong đàn cho đến khi vụ việc trên xảy ra. Như vậy số lượng vịt trong đàn của ông Chơn bị mất khoảng 180 con, nhưng ông Chơn chỉ yêu cầu vợ chồng Cu, Trương bồi thường 150 con vịt.

Tại Biên bản định giá tài sản của Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự huyện Trảng Bàng ngày 9.10.2008 kết luận: giá trị của 150 con vịt đẻ siêu trứng tại thời điểm tháng 12.2007 là: 9.000.000 đồng (chín triệu đồng).

Trong phiên xử ngày 24.3.2009, trả lời chất vấn trước toà, ông Chơn cho biết: “Tôi mua lại đàn vịt 600 con với giá 33 triệu đồng của ông Sang nhà ở huyện Củ Chi-TP.HCM, tôi nuôi được vài tháng thì chết vài chục con, sau khi bị ông Cu lùa vịt tôi đếm lại thấy bị mất… 180 con”. Chủ toạ phiên toà hỏi tiếp: “Vậy sao trong lời khai ban đầu, ông khai chỉ bị mất có 150 con?”. Ông Chơn đáp: “Dạ tại… lương tâm tôi cắn rứt, nên tôi khai ít lại để giảm nhẹ cho ông Cu”.

Những điều “lấn cấn”:

Thứ nhất, về thời gian, sự việc “lùa vịt” xảy ra ngày 4.12.2007, ông Chơn có đơn thưa ông Cu gửi Công an xã Lộc Hưng ngày 6.12.2007, nhưng mãi đến gần 1 năm sau, ngày 22.11.2008 Công an huyện Trảng Bàng mới có kết luận điều tra định tội ông Cu “Chiếm giữ tài sản trái phép” và bắt tạm giam ông Cu ngày 8.12.2008. Một sự việc xảy ra bị tố giác đến gần 1 năm mới giải quyết, như thế có sự vi phạm thủ tục tố tụng về thời hạn giải quyết hay không?

Thứ hai, theo tố cáo của bên nguyên, ông Trương Văn Chơn thì số vịt của ông bị mất là 150 con, nhưng không có chứng cứ nào để xác định số lượng, trọng lượng, đặc điểm của số vịt đó, và như thế tất nhiên sẽ không có bằng chứng nào xác định ông Cu “lùa” 150 con vịt của ông Chơn. Như thế làm sao có thể quy tội ông Cu “chiếm giữ trái phép tài sản” của ông Chơn? Mặt khác, bản cáo trạng cho rằng vợ chồng “Trương - Cu không chứng minh được số lượng vịt phát sinh từ thời điểm tháng 4.2007 đến thời điểm xảy ra vụ tranh chấp”, trong khi cả ông Chơn cũng không chứng minh được mình có quyền sở hữu 560 con vịt vào ngày 6.12.2007. Đồng thời, khi điều tra truy tố thì nghĩa vụ của Cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh cho được ông Nguyễn Văn Cu và bà Nguyễn Kim Trương chiếm giữ chính xác số vịt của ông Chơn là bao nhiêu? Không phải là nghĩa vụ của ông Cu, bà Trương.

Thứ ba, theo lời khai của ông Chí ngày 14.4.2009 (BL: 189) phù hợp với lời khai của bà Trương là trong đợt tiêm phòng ngày 27.10.2007 bà Trương không đồng ý cho tiêm ngừa. Do đó, vào thời điểm xảy ra tranh chấp nếu số lượng đàn vịt nhà bà Trương có tăng lên so với lần tiêm ngừa lần đầu vào tháng 4.2007 thì ông Chí hay ông Chơn cũng không thể biết biết được.

Thứ tư, do không có chứng cứ xác định số lượng, trọng lượng số vịt “bị lùa”, nên tất nhiên là không thể tính chính xác giá trị của “tài sản bị chiếm giữ”, làm sao “giám định” được 150 con vịt (?). Và vì vậy làm sao biết được giá trị tài sản chiếm giữ là đủ hay không đủ để “cấu thành tội phạm chiếm giữ tài sản trái phép”? (Bộ luật Hình sự quy định giá trị tài sản bị chiếm giữ từ 5 triệu đồng trở lên mới đến mức khởi tố).

Thứ năm, với những tình tiết “vụ án” và trình tự thời gian như thế, có thật sự cần thiết phải áp dụng biện pháp ngăn chặn là bắt tạm giam ông Cu gần 2 tháng (từ 28.11.2008 đến 22.1.2009) hay không? Trong khi, “bị cáo Cu” chỉ là một “nông dân rặt” và là một người có công với cách mạng trong thời kỳ kháng chiến.

 Hy vọng vào ngày 20.7, TAND huyện Trảng Bàng sẽ có những phân xử công tâm.

Thiên Bảo - Nhã Chi