Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Trở lại Xóm Đồng
Thứ tư: 06:05 ngày 27/09/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ngày nay có dịp trở lại Xóm Đồng, tôi không còn thấy một căn nhà lá nào, không còn những con đường sình lầy ngập nước trong mùa mưa, cát bụi trong mùa nắng. Toàn ấp không còn cái “xóm đồng” nào cả, mà cây trái xum xuê, xanh mát, nhà cửa khang trang.

Trường tiểu học Trần Quốc Đại ở ấp Xóm Đồng.

Xóm Đồng ngày ấy và bây giờ

Những năm đầu mới giải phóng, tôi được phân công về dạy học ở một ngôi trường trên địa bàn ấp Xóm Đồng. Trường được làm tạm bợ mái lá, vách đất, trên một khu đất rộng rãi. Lúc ấy, ấp có tên “Xóm Đồng” là đúng thực chất, vì nhà cửa dân cư thưa thớt, nhiều cánh đồng rộng. Mỗi khi mưa xuống, nhiều chỗ ngập nước, ếch, nhái, cóc, ễnh ương… hội tụ lại, thi nhau hoà tấu bản nhạc đồng quê rền trời.

Thầy trò chúng tôi rủ nhau xách đèn lúp đi “lượm” chúng về cải thiện bữa ăn. Những đêm không mưa thì đi ra các cánh đồng trống soi bù tọt (loại nhái bự).

Trong kháng chiến chống Mỹ, Xóm Đồng là căn cứ cách mạng của xã Thanh Phước. Địch muốn biến nơi đây thành vành đai trắng. Để cách ly người dân với cán bộ cách mạng, địch ra sức càn quét, gom dân vào các ấp chiến lược, ai không đi chúng dỡ nhà, đốt nhà, đêm đêm dập pháo xuống địa bàn ấp…

Vì vậy mà hầu hết người dân nơi đây di tản đi nơi khác. Toàn ấp chỉ còn có 7 nhà kiên cường bám trụ, bất chấp mưa bom, bão đạn của kẻ thù. Xóm Đồng hồi ấy là đồng không, mông quạnh. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, bà con mới trở về dựng lại nhà, lập nghiệp.

Lúc ấy, con đường liên ấp Cầu Sao - Xóm Đồng (đường chính đi ngang qua ấp) là đường đất nhỏ hẹp. Vào mùa mưa, nhiều chỗ sình lầy, xe đạp đi qua cũng không được, còn vào mùa nắng, cát lún bánh xe, đạp cũng không nổi. Mỗi lần đi và về trên con đường này tôi thấy ngán ngẩm. Giờ con đường được tráng nhựa rộng rãi, cao ráo.

Về đêm có đèn đường sáng trưng, nhà cửa hai bên đường đông vui, khang trang. Ấp còn có những trục đường liên xóm gọi theo địa danh khu vực, trước đây chỉ nghe tên là thấy ngán rồi, như: Mội Nhĩ; Bến Kéo, Bàu Sen… vào mùa mưa nhiều đoạn ngập sâu trong nước, xe trâu, xe bò đi lại còn khó.

Ngày nay, tất cả những trục đường chính trong ấp đều được nâng cấp rộng rãi, sạch đẹp, đi lại dễ dàng. Những cánh đồng trước kia thầy trò tôi đi soi bù tọt giờ là những vườn nhãn nặng oằn trái, hay vườn cao su xanh tốt đang cho mủ. Thấp thoáng trong những vườn nhãn là những ngôi nhà tường khang trang.

Cạnh khu đất trường tranh vách đất trước kia tôi công tác, nay là trường tiểu học được mang tên vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân là người dân ấp Xóm Đồng Trần Quốc Đại. Trường tiểu học Trần Quốc Đại được xây lầu khang trang, trên một khuôn viên rộng rãi, nằm gần tỉnh lộ 782. Sân trường được tráng xi măng. Nhờ sân rộng mà hầu hết phụ huynh cho xe vào trong sân trường đưa đón con…

Ngày nay có dịp trở lại Xóm Đồng, tôi không còn thấy một căn nhà lá nào, không còn những con đường sình lầy ngập nước trong mùa mưa, cát bụi trong mùa nắng. Toàn ấp không còn cái “xóm đồng” nào cả, mà cây trái xum xuê, xanh mát, nhà cửa khang trang.

Sự đổi thay kỳ diệu ấy trước hết là nhờ có sự đổi mới về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, cùng với sự siêng năng, cần cù lao động, luôn vượt khó vươn lên của người dân, dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, mà trực tiếp và sát với dân là Chi bộ ấp Xóm Đồng. 

Ý ĐẢNG LÒNG DÂN XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG

Bí thư Chi bộ ấp Xóm Đồng Đặng Hoàng Kim cho biết, ấp có hơn 780 hộ, với gần 3.000 nhân khẩu, được phân bố trên diện tích tự nhiên 1.200 ha. Chi bộ ấp có 42 đảng viên, trong đó có gần một nửa là cán bộ hưu trí và có 14 đảng viên được miễn sinh hoạt. Nhiều năm qua, Chi bộ luôn giữ vững trong sạch vững mạnh. Năm 2016, Chi bộ đạt trong sạch vững mạnh tiêu biểu.

Từ khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM), Chi bộ đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động quần chúng cùng với Nhà nước tham gia XDNTM, nhất là tham gia xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn.

Quan tâm đến những điều cụ thể nhất như giặm vá, nâng cấp các tuyến đường giao thông trong ấp đều được đưa vào nghị quyết hằng năm. Trong 5 năm (từ 2011 đến cuối năm 2016), Chi bộ đã vận động người dân đóng góp tiền, ngày công lao động, đất đai để nâng cấp, giặm vá 6 tuyến đường, với tổng chiều dài 6.500m.

Riêng trong năm 2017, người dân đóng góp làm mới một con đường đất dài 750m, mặt đường rộng 4m, hai bên lề, mỗi bên 1m. Những người có ruộng đất nằm trên con đường đi qua đều vui vẻ phá bỏ cây trái, hiến đất mà không đòi hỏi bất cứ quyền lợi gì.

Thời gian tới, để đạt tiêu chí về giao thông nông thôn, Chi bộ tiếp tục vận động người dân đóng góp nâng cấp mở rộng 3 con đường ngõ xóm. Không chỉ đóng góp làm đường, người dân trong ấp còn đóng góp kéo dây điện lắp bóng đèn để “thắp sáng đường quê” 3 tuyến đường, tổng chiều dài 1.600m.

Ngoài những con đường liên xóm, liên tổ do người dân đóng góp nâng cấp, thời gian qua, Nhà nước còn đầu tư nhựa hoá 3 tuyến đường, với tổng chiều dài 2.800m. Ấp còn có thuận lợi lớn về giao thông là phía Đông giáp với tỉnh lộ 782; phía Bắc giáp với trục đường nhựa Cây Xoài - Cây Me; giữa ấp có trục lộ chính liên ấp Cầu Sao - Xóm Đồng. Các con đường này được cấp trên nhựa hoá, nâng cấp mở rộng từ lâu.

Với sự tích cực phấn đấu vươn lên của người dân, cùng sự hỗ trợ, tạo điều kiện các cấp lãnh đạo, các ngành chức năng mà trực tiếp là sự lãnh đạo của Chi bộ, số hộ khá giàu trong ấp ngày càng tăng lên, số hộ nghèo giảm xuống đáng kể.

Trước năm 2015, ấp có trên 40 hộ nghèo và cận nghèo, hiện nay còn 4 hộ nghèo (đây là những hộ người già neo đơn, bệnh tật, thuộc diện nghèo vĩnh viễn), 14 hộ cận nghèo.

Các hộ nghèo và cận nghèo đều được xét xây nhà đại đoàn kết. Trong ấp hiện không còn nhà tạm, nhà dột nát. Để tạo điều kiện cho một số hộ cận nghèo phát triển kinh tế gia đình, vừa qua, Chi bộ cùng với ngành chức năng xem xét hỗ trợ 3 con bò sinh sản cho 3 hộ chăn nuôi.

Theo Bí thư Chi bộ ấp Xóm Đồng, sở dĩ Chi bộ luôn đạt trong sạch vững mạnh là nhờ có hai thuận lợi lớn. Trước hết, Chi bộ có nhiều đảng viên là cán bộ hưu trí. Những đảng viên này có nhiều kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng, công tác vận động quần chúng.

Nhất là người dân ấp Xóm Đồng giàu truyền thống cách mạng, từng bám đất, giữ làng trong những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt, nên rất nhiệt tình hưởng ứng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là Chương trình XDNTM. Những đảng viên hưu trí rất nhiệt tình đóng góp cho Chi bộ những ý kiến quý báu.

Đáng kể như các đồng chí Lê Văn Phúc (nguyên Bí thư Huyện uỷ Gò Dầu); Huỳnh Văn Huỵnh (nguyên Bí thư Đảng uỷ xã Thanh Phước); Nguyễn Văn Chinh (cựu chiến binh); Nguyễn Văn Hoàng (cựu chiến binh)… thường xuyên đóng góp cho Chi bộ những ý kiến cụ thể, thiết thực, giúp cho Cấp uỷ chi bộ xây dựng và hoàn thành nghị quyết Chi bộ. 

“Là đảng viên, phải chiến đấu đến giọt máu cuối cùng”  

Qua lời giới thiệu của Bí thư Chi bộ ấp, tôi tìm đến nhà ông Huỳnh Văn Huỵnh (Ba Huỵnh), một cán bộ hưu trí. Hơn 11 giờ, ông vẫn còn mình trần, chân đất chăm sóc vườn mai xung quanh nhà. Có khách đến, ông “nghỉ giải lao tại chỗ” để trò chuyện. 73 tuổi đời, 53 tuổi Đảng, đảng viên Huỳnh Văn Huỵnh luôn bảo đảm sinh hoạt chi bộ định kỳ hằng tháng.

Trao đổi qua điện thoại, tôi nhờ Trưởng Ban Tổ chức Huyện uỷ Gò Dầu giới thiệu một tổ chức Đảng tiêu biểu nhất của huyện. Không cần suy nghĩ, vị này trả lời ngay là Chi bộ ấp Xóm Đồng, thuộc Đảng bộ xã Thanh Phước.

Vừa nghe đến hai từ “Xóm Đồng” tôi rất phấn khởi, vì đây là nơi tôi từng sống và làm việc gần 5 năm, khi vừa mới rời ghế trường chuyên nghiệp.

Về lại ấp Xóm Đồng lần này, tôi thật sự bất ngờ trước sự đổi thay toàn diện ở nơi đây. 

Ông Ba Huỵnh cho biết, ông tham gia kháng chiến chống Mỹ và được vinh dự đứng vào hàng ngũ Đảng từ năm 1964. Ông đã làm Bí thư Chi bộ xã Suối Bà Tươi (xã Phước Đông ngày nay); Bí thư Đảng bộ xã Thanh Phước trong thời kháng chiến chống Mỹ. Sau ngày miền Nam giải phóng, ông là cán bộ lãnh đạo một ngành chức năng của huyện Gò Dầu. Khi hưu trí, có một nhiệm kỳ ông làm Bí thư Chi bộ ấp Xóm Đồng…

Khi được hỏi, tuổi đã cao, sau bao nhiêu năm cống hiến và đã nghỉ hưu lâu rồi, vì sao ông vẫn tích cực tham gia công tác địa phương? Ông Ba Huỵnh nói ngay: “Hồi được kết nạp Đảng, mình đã thề là chiến đấu đến giọt máu cuối cùng. Trong suốt cuộc kháng chiến mình không sợ đổ máu, ngày nay hoà bình xây dựng mình sá gì công sức, mồ hôi”.

Ông nhấn mạnh: “Đã là đảng viên phải chiến đấu đến giọt máu cuối cùng! Cán bộ có hưu trí, nhưng đảng viên thì không, còn sức khoẻ, còn đi lại được, trí óc còn minh mẫn là còn tham gia sinh hoạt Đảng. Tham gia sinh hoạt Đảng là ý thức, là trách nhiệm của người đảng viên, chớ không ai bắt buộc mình!”.

Theo ông Ba Huỵnh, để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM đạt được kết quả khả quan, trước hết, mỗi đảng viên không phân biệt là cán bộ nghỉ hưu hay đương chức, phải nhận thức đầy đủ mục tiêu của Đảng và Nhà nước là làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần người dân ở vùng nông thôn không ngừng được nâng cao.

Sau khi triển khai các chỉ thị, nghị quyết, các chương trình, dự án… về XDNTM trong chi bộ xong, cấp uỷ cần phối hợp với chính quyền địa phương cùng với các tổ dân cư tự quản triển khai sâu rộng trong người dân, làm cho người dân thấy rõ lợi ích thiết thực của chính mình trong việc XDNTM. Đặc biệt, trong vận động và tham gia đóng góp công sức, tiền của XDNTM ở địa phương, cán bộ đảng viên phải gương mẫu thực hiện trước để người dân làm theo.

N.H

Tin cùng chuyên mục