Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Nhờ bài viết của Hằng đăng trên báo, nên chị được các mạnh thường quân giúp số tiền lớn để trị bệnh cho con.

Truyện ngắn: Phùng Thị Tuyết Anh
![]() |
(BTN)- Những ai được làm mẹ, đặc biệt là người mẹ trải qua bao thăng trầm một mình nuôi con khôn lớn ắt hẳn hiểu được tâm trạng rộn ràng niềm vui pha lẫn hạnh phúc trong lòng chị lúc này. Buổi họp hội đồng hôm nay cũng như bao lần trước vậy mà sao chị thấy thời gian như dài ra. Lâu lâu chị lại nhìn đồng hồ với vẻ sốt ruột.
Chủ tịch Công đoàn khều vai chị nói khẽ: “Lần này em đề nghị xây “mái ấm Công đoàn” cho chị nghen!”. “Chị cảm ơn em. Thôi, em đề xuất cho người khác đi”. Giá như mấy năm trước có được câu nói này, chị như người chết đuối vớ được phao cứu sinh. Lúc ấy chị Tâm - Hiệu phó đề xuất xây “mái ấm Công đoàn” cho chị. Hiệu trưởng đồng ý, Chủ tịch Công đoàn không đồng ý với lập luận: Chị không nghèo. Nếu nghèo sao nuôi nổi hai đứa con ăn học.
Thời bao cấp, sống trong khu tập thể, với đồng lương nhân viên của hai vợ chồng, chị gắng chắt chiu mua được chiếc xe máy cũ. Có xe máy, chồng chị nghỉ việc, chạy “mánh” bên ngoài. Trong khu tập thể, có người rỉ tai rằng chồng chị có “bồ”. Chị không tin, nhưng lời đồn khiến chị để ý đến cách ăn mặc, giờ giấc đi lại của chồng. Một hôm chị hỏi nửa đùa, nửa thật: “Người ta đồn anh cặp với con Hoa nào đó trên chợ huyện, có hôn?”. Chị gần như nín thở dồn nén cảm xúc chờ anh trả lời (hy vọng anh nói “không”). Anh ngập ngừng rồi “ừ”. Từ lâu anh muốn thú nhận chuyện ngoại tình với vợ nhưng chưa có dịp. Chị vô tình tạo cơ hội. Chỉ một chữ “ừ” đã giúp anh giải quyết một việc khó mở lời trở nên trơn tru đến không ngờ. Tim chị như ai bóp nghẹt. Chị khóc. Đêm đó chị tỉ tê: Nghĩa vợ chồng bao năm, đầu ấp tay gối. Vì vợ vì con… Thương mẹ con em nghen anh! Chồng “ừ” quàng tay ôm chị, khẽ nâng đầu chị gối lên cánh tay anh. Cử chỉ âu yếm ấy đánh tan bao giận hờn trong lòng chị. Đàn bà yếu lòng là vậy. Chị như con mèo ngoan rúc vào nách chồng tìm cảm giác hạnh phúc.
Không an tâm, chị đem chuyện thưa với má chồng, hy vọng bà lên tiếng bảo vệ hạnh phúc con dâu. Nghe xong, bà nói tỉnh bơ: “Nó có người khác. Mày thôi nó đi!”. Chị hết sức ngỡ ngàng. Tìm hiểu qua hàng xóm, chị biết Hoa thường tới lui nịnh nọt lấy lòng, cho tiền, cho quà má chồng. Mình nghèo quá mà… Cuộc sống thiếu thốn đã để đồng tiền phát huy ma lực phá huỷ hạnh phúc gia đình chị. Họ viết giấy tay ly hôn. Chị xin nghỉ việc, dắt con về nhà ngoại với thân hình gầy guộc, dáng đi thiểu não của kẻ bại trận. Tài sản giá trị nhất là chiếc xe máy anh cũng lấy. Để lại chị đứa con gái lên năm và cái bụng bầu bảy tháng.
Chị cảm thấy chơi vơi, hụt hẫng khi không có anh bên cạnh. Cái giường khuyết một chỗ nằm, thiếu vắng mùi mồ hôi của anh. Chị trằn trọc từng đêm. Trống trải, cô đơn đè lên ngực đau nhói. Chị không biết là mình dại hay vì quá yêu chồng mà trở nên vị tha, mong anh từng ngày về bên mẹ con chị. Đến bữa ăn, nhớ nụ cười thích thú của anh khi nhìn thấy món khoái khẩu là dĩa cải thìa luộc chấm mắm nêm, chị lại khóc. Hạt cơm chát ngắt trong miệng nuốt không trôi.
Hai nhà chỉ cách nhau hơn chục cây số mà như đò giang cách trở. Bé Hiền chào đời cho đến lúc lên năm, anh không hề về thăm con lấy một lần. Thấy ai cũng có ba, bé Hiền đòi mẹ chở đi lên ba. Thương con, chị chở nó về bà nội cho cha con biết mặt nhau. Bé Hiền rất háo hức, gặp ai nó cũng khoe: “Con đi thăm ba”. Ngày ngày ba thằng Tân đón trước cổng trường, thấy Tân từ xa ông ngồi xổm dang rộng hai tay, thằng Tân chạy đến sà vào vòng tay, ôm chầm cổ ba cười toe toét, ông hôn chùn chụt lên trán thằng Tân rồi bồng nó đặt lên xe chở về. Nó hình dung ba nó cũng dang rộng hai tay ôm nó và hôn, giống như ba thằng Tân vậy. Nôn nao lắm! Ngồi sau ba ga, nó cứ hỏi mẹ: “Gần tới nhà bà nội chưa mẹ? Sao lâu tới quá vậy?”. Ngôi nhà chị đã từng làm dâu, thức khuya dậy sớm, thuộc tính ăn nết ở từng người. Sao giờ trở nên xa lạ. Ngôi nhà vẫn “nguyên thuỷ” đó, mà lòng người đổi thay làm biến dạng nhân cách. Thằng bé bốn tuổi ngồi trên vai anh, vói tay hái chùm mận đu đưa trên cao. Hai cha con cười khanh khách. Chị dắt bé Hiền đến gần: “Thưa ba đi con”. Anh ngạc nhiên. Bé Hiền nhìn chị, nhìn anh, nhìn thằng bé… rồi ôm chầm chân anh gọi “ba”. Gặp ba rồi. Mừng lắm. Anh thả thằng bé xuống. Bé Hiền cười tươi tròn xoe mắt ngước nhìn anh chờ đợi (nó nghĩ ba sẽ đặt nó lên vai để hái mận như thằng nhỏ đó). Niềm vui chợt tắt, ánh mắt bé Hiền chùng xuống. Vì ba chỉ nắm bàn tay bé xíu của nó: “Con tên gì?”. “Dạ, con tên Hiền”. Anh quên mất. Thảo, Hiền, là hai cái tên anh chọn cho chị em nó. Dù nó là con trai hay con gái đều dùng được cái tên Hiền. Má chồng chị “ừ” lạnh lùng đáp lại lời chào của hai mẹ con rồi bỏ đi. Ném lại đằng sau cái nhìn về phía Hiền. Không biết bà nhìn vì nó giống con trai bà như hai giọt nước hay vì nó ngoan chứ không như thằng cháu ngỗ nghịch kia. Sự ghẻ lạnh của má chồng như gáo nước lạnh dập tắt lửa yêu thương của chị dành cho nhà chồng. Riêng Thảo đã nhận ra bà nội và ba không thương nó bằng con của dì Hoa từ lâu lắm rồi. Vì nó sợ mẹ buồn nên không nói ra. Thảo làm sao quên được cái ngày lớp học được nghỉ tiết cuối. Nó đạp xe về nhà nội chơi, gặp lúc trong nhà chuẩn bị bữa trưa. Mặc dù bà nội chẳng mặn mà nó vẫn cứ lân la trò chuyện. Dì Hoa dọn cơm. Nó chưa kịp chào cả nhà để ra về, bà nội liền đuổi khéo: “Trưa rồi, sao không về, ở nhà mẹ mày trông?”. Dì Hoa nói lấy lệ: “Ghé đây gặp bữa, ăn cơm luôn đi!”. “Dạ, mẹ con chờ cơm ở nhà. Thôi con về”. Ba nó “ừ” gọn lỏn, bảo nó về nhanh kẻo mẹ đợi. Nhớ ba, nhớ nội nên muốn ghé thăm. Máu mủ ruột rà mà cư xử với nó như người dưng nước lã. Thảo buồn suốt đoạn đường về. Nước mắt lăn dài trên con đường trưa đầy nắng.
“Lần này anh về, ở với em luôn”. Chị nghe quen cái điệp khúc này nên không tin. Anh và Hoa đấu khẩu nhau nên về đây “lánh nạn”. Kệ! Anh về là chị vui rồi. Anh về với một bộ đồ dính da, chị ra chợ sắm cho anh vài bộ quần áo để thay đổi. Chị nấu những món ăn mà anh thích, miệng lúc nào cũng “anh anh, em em” ngọt sớt. Không như nhiều phụ nữ khác, chửi mắng, xúc phạm khi bị chồng phụ bạc.
Anh về đã mấy ngày vẫn chưa đi (không như hai lần trước, anh về bữa trước, bữa sau lại đi). Chị đinh ninh lần này anh về ở hẳn, lòng khấp khởi mừng thầm. Sáng sớm chị đi làm, anh đi uống cà phê như mọi hôm. Chị làm văn thư ở một trường gần nhà nên đi bộ. Từ ngày anh về, chị vui, làm việc hăm hở. Nôn nao mong mau hết giờ làm vì anh đang đợi chị về ăn cơm. Mới lĩnh lương. Ra về, chị ghé quán mua vài con khô mực và xị rượu đế cho chồng. Nghĩ bụng: “Chắc chồng vui lắm đây!”. Chị đi xăm xăm xuống nhà dưới kèm theo nụ cười hạnh phúc (nghĩ anh đang làm bếp). Cái bếp lạnh tanh. Chị hụt hẫng, anh lại về bên Hoa rồi. Vừa thương vừa giận. Không giận sao được! Ai biểu anh gieo trong lòng chị niềm hy vọng để rồi anh mang niềm hy vọng của chị ra đi vĩnh viễn. Ngồi sà xuống bộ ván ngựa chị khóc tấm tức mãi vì tủi phận. Đôi khi trong cuộc đời người ta đã đánh mất hạnh phúc mà không hề hay biết mình đã đánh mất, đến khi nhận ra thì không còn kịp nữa. Anh đã nằm trong vòng cương toả của người đàn bà đanh đá, dữ như chằn tinh gấu ngựa, rất muốn thoát nhưng không thoát được để về với người vợ hiền vò võ mong anh từng ngày. Đó là lần về cuối cùng của anh.
Trông đợi mỏi mòn, nỗi nhớ chai sạn theo thời gian. Tình mẫu tử thiêng liêng tiếp thêm nghị lực, chị không biết mình cứng cỏi từ khi nào? Chị nhận mành xuất khẩu về thêu. Khi màn đêm xuống, nhà nhà yên giấc là lúc chị xén bớt giấc ngủ của mình ngồi cặm cụi bên khung thêu đến tận khuya. Ngôi nhà của mẹ con chị, mái lá xập xệ. Mưa dột tứ tung. Sợ nhất khi mưa về đêm, chị phủ tấm nilon lên nóc mùng đặt thêm cái thau nhựa để hứng nước mưa. Hai đứa con co quắp tránh mưa, ôm nhau ngủ. Nhà dưới mưa dột nhầy nhụa như ở ngoài đồng. Cô Thương đến chơi thấy tội, cô về nhà lấy tấm bạt phơi lúa đã cũ đem cho chị giăng chống dột tạm. Vách đất xuống cấp nhiều năm nay, không biết sẽ đổ lúc nào. Chị thấy cuộc đời mình như căn nhà dột nát, phải vật lộn với cuộc sống vì tương lai các con. Chúng là tất cả gia tài của chị. Là nguồn vui và hạnh phúc của đời chị.
Cuộc sống của mẹ con chị êm ả như con sông hiền hoà phía sau nhà thì tai hoạ ập đến như cơn bão chuyển hướng bất ngờ. Chị rụng rời tay chân khi nghe bác sĩ thông báo bé Hiền bị bướu phải phẫu thuật. Suốt thời gian Hiền nằm viện, anh và Hoa đến thăm duy nhất một lần trong chốc lát, cho hai trăm ngàn rồi về. Thảo hờn trách: “Em con bệnh mà ba tới thăm như thăm người dưng”. Anh gí nhẹ đầu nó: “Mày…”. Đây là lần đầu tiên anh gọi Thảo bằng “mày”. Nó rất buồn. Hiền xuất viện được một ít hôm. Bệnh lại tái phát. Bướu ác tính. Phải chuyển viện xuống Sài Gòn xạ trị. Chị điếng người. Trời ơi! Sao bất hạnh không buông tha cho mẹ con chị. Người ta đã cướp mất người đàn ông của chị lẽ nào ông trời muốn cướp đi đứa con thơ dại của chị nữa sao? Nó mới mười tuổi thôi mà! Rồi đây tương lai thiên chức làm mẹ của nó sẽ ra sao khi mất đi một buồng trứng? Một lần vô hoá chất tiền triệu chứ đâu có ít. Lương nhân viên của chị nhỏ như hạt bụi. Chị vay mượn bạn bè, người thân để lo cho con.
Bé Hiền tóc mây dài đến thắt lưng, mỗi sáng chải đầu cho con, những sợi tóc đen tuôn theo lược rơi xuống đất, từng ngày… từng ngày… Lòng chị se thắt. Mái tóc dày, rụng dần phơi lớp da đầu bóng nhẵn, không còn sợi tóc, ốm trơ xương. Chị thương đứt ruột. Bằng mọi giá chị phải chạy đua với bệnh tật, giành giật với tử thần mang sự bình an cho con. Những người thân cũng đã dang tay ra vay mượn giùm chị để điều trị cho con trong hai lần trước rồi. Giờ không còn nơi nào để vay được nữa. Chỉ còn một tuần nữa thôi là đến ngày vô hoá chất tiếp cho con. Chị mang giấy nhà đất đi cầm cố, mảnh đất bằng nắm tay nên số tiền chẳng thấm vào đâu. Suốt đêm trằn trọc. Gác tay lên trán, đào xới bộ não tìm lối thoát trong cảnh khốn cùng mà vẫn mờ mịt. Mất phương hướng. Chị hoảng loạn, buông tiếng thở dài não nuột. Nước mắt tuôn thầm.
Sáng ra, người chị phờ phạc, hốc hác. Chị lầm lũi đến trường như người mộng du. Cũng may, hôm nay không có việc gì làm. Chị ngồi thẫn thờ. “Chị Hai về nhà mau!”. Thằng Hải thở hổn hển, dáng vẻ vội vàng. Tim chị muốn nhảy khỏi lòng ngực. Lẽ nào con chị ở nhà đã xảy ra chuyện gì? Ruột gan rối bời. Chị vừa đi vừa chạy.
Năm triệu. May mắn đến quá bất ngờ. Chị mừng đến nỗi không thốt nên lời. Người phụ nữ lạ đi rồi chị mới sực nhớ mình quên hỏi vì sao biết gia cảnh chị khổ mà đến giúp?
***
Cuộc họp kết thúc. Chị trịnh trọng mời cưới. Ai cũng khen chị giỏi thật! Một mình nuôi hai con ăn học. Thảo tốt nghiệp đại học, làm ở ngân hàng quốc tế ba năm nay. Nó vừa sắm căn hộ ở Sài Gòn và chuẩn bị cưới. Hiền đang học đại học. Tương lai không xa, chị sẽ nghỉ việc để trông cháu ngoại. Vả lại chị cũng sắp tuổi hưu rồi. Chị nắm bàn tay Hằng, cảm ơn. Trong lúc cùng quẫn, nhờ bài viết của Hằng đăng trên báo, nên chị được các mạnh thường quân giúp số tiền lớn để trị bệnh cho con. Suốt đời chị không quên ơn mọi người đã giúp chị trong lúc hoạn nạn. Giông tố cuộc đời đã qua. Bầu trời quang mây, bình yên đã về với chị.
P.T.T.A