Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Nghe giọng nói, cách phát âm, dẫu thời gian đã dung hoà và chia sẻ, nhưng người ta vẫn nhận ra hai vợ chồng được sinh ra ở hai đầu đất nước.

Trong những ngày đầu của tháng 9 vừa qua, nhiều bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Quân Y -175 thường nhìn thấy một đôi vợ chồng dìu nhau dạo quanh trong khuôn viên. Ngồi trên xe là người đàn ông khuôn mặt đã tàn úa, đôi tròng mắt đã thụt sâu dưới đôi mi sùm sụp. Thân hình ông teo tóp với những khiếm khuyết tật nguyền. Theo sau là người đàn bà vẫn đậm đà, khoẻ khoắn.
Đó là vợ chồng ông Hà Văn Bớt và bà Nguyễn Thị Vân thương binh 1/4 (với mức thương tật là 81%) ngụ tại khu phố I, thị trấn Bến Cầu, huyện Bến Cầu. Họ đã gắn bó với nhau như bóng với hình gần nửa thế kỷ qua. Nghe giọng nói, cách phát âm, dẫu thời gian đã dung hoà và chia sẻ, nhưng người ta vẫn nhận ra hai vợ chồng được sinh ra ở hai đầu đất nước.
Bà Vân quê huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Trong một chuyến về thăm người thân tại tỉnh Tuyên Quang, bà được giới thiệu rồi làm quen với người thương binh tên Hà Văn Bớt, quê ở Bến Cầu, Tây Ninh. Năm 1961, giữa lúc cách mạng miền Nam đang bị sự đàn áp, khủng bố dã man của chính quyền Sài Gòn, ông Bớt đã đầu quân vào bộ đội chủ lực. Suốt 9 năm cầm súng, ông đã tham gia chiến đấu nhiều trận. Năm 1969, trong một trận pháo kích của địch, ông Bớt đã bị thương do nhiều mảnh đạn trúng vào vai, vào mặt, vào mắt làm thị lực giảm đi phân nửa… Đặc biệt nghiêm trọng là hai mảnh đạn lớn đã “ăn” mất xương đầu gối và cắt đứt gần hết một bàn tay của ông, chỉ còn trơ một ngón tay cái bị rút cứng đờ. Quân y viện tiền phương đã đem hết khả năng cứu chữa nhưng một bên chân của ông vẫn bị teo cơ và trở nên dị dạng. Ông được đồng đội đưa về tận miền Bắc an dưỡng. Nằm trong trại an dưỡng, ông đã tính an phận và xác định nằm lại trại suốt đời.
![]() |
Nhìn ông trong hoàn cảnh ấy, bà Vân hết sức cảm thông. Lúc chia tay ông, bà rưng rưng nước mắt. Người thân của bà vốn đồng cảnh và nhạy cảm đã hỏi bà: có dám yêu ông Bớt?”. Chưa kịp kiểm chứng lòng mình, bà đã trả lời: “Sao lại không dám?”.
Điều ấy đến tai ông Bớt. Nó như một luồng gió mới thổi vào trái tim ông, đem đến cho ông một niềm hy vọng mơ hồ về hạnh phúc.
Những lần sau bà Vân đến thăm, ông đã bớt mặc cảm hơn, rồi mạnh dạn tỏ tình với bà. Bà đồng ý đến với ông lúc ấy không hẳn vì yêu mà chỉ vì sự cảm thông. Rồi tình yêu mới đến sau đó. Trong thời gian gần gũi nhau, bà nhận ra ông là một người rất có nghị lực. Từ chỗ chỉ trông cậy vào chiếc nạng gỗ tại trại an dưỡng, ông Bớt đã cố tập đi xe đạp để vượt hơn 100 cây số đến thăm bà. Quãng thời gian ấp ủ tình yêu kéo dài gần bốn năm, đủ để “nấu chín” những đắn đo lựa chọn. Năm 1974 ông bà làm đám cưới, một đám cưới đơn sơ mà ấm áp. Ông vẫn ở trại an dưỡng, mỗi chủ nhật lại cọc cạnh đạp xe về với bà.
Năm 1975 cùng một lúc ông, bà nhận được hai niềm vui: quê hương được giải phóng, đất nước thống nhất và đứa con trai đầu lòng ra đời. Niềm vui nối tiếp niềm vui, thế nhưng nỗi nhớ quê nhà, thân quyến bấy lâu âm ỉ, nay bỗng chốc dâng trào.
Ba lần mang thai, bà sinh cho ông bốn đứa con đủ trai, đủ gái. Nhìn đàn con nheo nhóc giữa lúc đất nước vừa qua chiến tranh, bà động viên, an ủi ông, chờ các con khôn lớn rồi sẽ tính.
Đến năm 1985, cả gia đình bồng bế, dắt dìu nhau vào Tây Ninh. Bà được Phòng Nông nghiệp huyện Bến Cầu tiếp nhận. Ông xin vào làm việc ở Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện.
Bằng tình thương và nghị lực trong cảnh khó khăn, hai ông bà đã nuôi các con ăn học nên người. Cả bốn người con của ông bà đều đã có nghề nghiệp ổn định và đã có gia đình riêng.
Tưởng đã đến hồi an hưởng niềm hạnh phúc nhưng vài năm sau, vết thương của ông tái phát, bệnh tật ngày càng nặng thêm hơn, ông không còn tự đi lại được nữa. Bà xin nghỉ việc về nhà chăm sóc ông. Sức khoẻ ngày càng sa sút, cơ bắp teo tóp (ông chỉ còn nặng 35k), tay chân run rẩy không tự làm được những việc nhỏ nhất như ăn, uống, vệ sinh cá nhân.
Bà đã thành tay, thành chân, thành một phần của ông không thể tách rời. Có những đêm bà thức trắng vì ông. Vất vả, cực nhọc nhưng bà vẫn không một lời than vãn.
Tuy đã 62 tuổi nhưng trời vẫn cho bà còn khoẻ mạnh, nhanh nhẹn và minh mẫn. Ngoài thời gian chăm lo cho ông, bà còn chăm sóc các cháu để các con mình an tâm công tác. Suốt một đời bà chỉ biết sống vì chồng vì con.
NGUYỄN MINH