BAOTAYNINH.VN trên Google News

Trồng cây trôm cho hiệu quả kinh tế cao

Cập nhật ngày: 27/04/2013 - 06:08

(BTNO) - Anh Phan Văn Hiếu, một người làm thuê cho chủ vườn cây trôm ở ấp Ninh Phúc, xã Ninh Thạnh, Thị xã cho biết, dù mới khai thác nhưng cây trôm khả năng cho hiệu quả kinh tế cao.

Anh Hiếu đục lấy mủ trôm

Vườn trôm này trồng được hơn 4 năm. Vì là người chăm sóc từ lúc mới trồng nên anh khá rành về loài cây lấy mủ này. Anh Hiếu cho biết, trôm là loại cây dễ trồng, không cực công chăm sóc, ít sâu bệnh. Khoảng 4 năm sau khi trồng thì trôm bắt đầu cho mủ. Với vườn cây hơn 500 gốc/9.000 m2 đất, dù chỉ mới lấy mủ được hai tuần lễ nhưng mỗi ngày chủ vườn thu hoạch khoảng 4 kg mủ trôm quy khô, giá bán từ 350.000 đồng/ kg– 400.000 đồng/ kg.

Vườn trôm đang cho mủ

Anh Hiếu cho rằng, lấy mủ trôm cũng giống như lấy mủ cao su, nhưng không cần gáo hứng. Để lấy mủ, người trồng phải vệ sinh cho cây bằng cách cạo đi một lớp mỏng bên ngoài da, bôi thuốc kích thích lên, sau 7 ngày tiến hành đục cây lấy mủ. Khi đục, phải đục tới gỗ để mủ trôm tiết ra, đông thành từng cục nhỏ bám vào vỏ cây, sau đó mới tiến hành gỡ mủ. Còn trong điều kiện mùa mưa phải dùng bọc nhựa che chắn tránh để mủ bị ướt sẽ làm đổi màu mủ trôm, mất giá. "Vì là loại cây trồng mới, kỹ thuật chưa biết nhiều nên lấy mủ chưa đạt hiệu quả cao” - anh Hiếu nói.

Theo lời anh Hiếu, mủ trôm sau khi lấy, phơi khô, chủ vườn đem về xay nhuyễn, bán cho các tiệm thuốc Bắc ở Tây Ninh và TP. Hồ Chí Minh.

Qua một số tài liệu cho biết, cây trôm có tên khoa học là Stereulia Foetida, gỗ có thể dùng làm bao bì, bột giấy, ván dăm, ván sợi. Giá trị lớn nhất của cây trôm là mủ. Đây là loại nguyên liệu quan trọng dùng trong công nghiệp chế biến nước giải khát.

Nam Sơn