Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá:
Trông chờ những đổi thay
Thứ tư: 07:23 ngày 04/09/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Theo đó, các hoạt động triển khai thực hiện bảo vệ và phát huy giá trị DSVHPVT phải đúng yêu cầu thực tiễn, có tính trọng tâm, trọng điểm, chất lượng và hiệu quả; công tác triển khai thực hiện kế hoạch có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, đơn vị, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.

Múa trống Chhay-dăm (ảnh: Hà Thế Bảo).

Di sản văn hoá là những giá trị vô giá do tiền nhân để lại, hiện hữu trong đời sống, sinh hoạt thường ngày và trở thành đặc trưng của mọi vùng đất, địa phương. Tại Tây Ninh, tính đến nay, Bộ VH-TT&DL đã công nhận 5 di sản văn hoá phi vật thể (DSVHPVT) quốc gia là Lễ hội Kỳ yên đình Gia Lộc, Nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, Múa trống Chhay-dăm, Lễ vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu- núi Bà Đen, Lễ hội Quan lớn Trà Vong và 1 DSVHPVT đại diện của nhân loại- Đờn ca tài tử Nam bộ.

Đó là niềm tự hào của người dân Tây Ninh, được người dân, chính quyền chung tay góp sức giữ gìn và phát huy, và là nguồn “vốn” để phát triển du lịch, kinh tế xã hội của tỉnh. Vì vậy, việc bảo vệ và phát huy giá trị của các di sản là việc làm quan trọng và rất cần thiết.

Yếu quảng bá- khó trao truyền

Có thể thấy, các giá trị văn hoá, tâm linh được giữ gìn bởi chính những người dân. Từ tâm huyết của họ mà những giá trị văn hoá truyền thống được lưu truyền qua hàng trăm năm. Đến nay, nhiều người đã được công nhận nghệ nhân cho các lĩnh vực họ theo đuổi, qua đó góp phần duy trì sự kết nối giữa xã hội, thế hệ hôm nay và những giá trị xưa. Thế nhưng, việc giữ gìn và trao truyền những di sản đang gặp nhiều khó khăn.

Lễ vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu diễn ra từ mùng 4 đến mùng 6 tháng 5 âm lịch hằng năm tại núi Bà Đen, với chương trình nghi lễ dân gian đặc sắc. Vừa qua, UBND tỉnh long trọng tổ chức lễ công bố “Lễ vía bà Linh Sơn Thánh Mẫu - núi Bà Đen là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia”. Từ lâu, núi Bà Đen trở thành địa điểm quen thuộc của nhiều du khách trên khắp cả nước; sự tích Bà Đen cũng là huyền sử được lưu truyền qua nhiều loại hình như truyền miệng, sách, truyện hay thơ ca, tuồng tích. Tuy nhiên những giá trị tín ngưỡng, văn hoá trong Lễ vía Bà vào tháng 5 âm lịch chưa được nhiều người biết đến.

Tại lễ công bố di sản văn hoá phi vật thể quốc gia “Lễ vía bà Linh Sơn Thánh Mẫu- núi Bà Đen”, ông Nguyễn Thanh Ngọc- Phó Chủ tịch Thường trực  UBND tỉnh nhấn mạnh, trên cơ sở di sản văn hoá phi vật thể quốc gia được công nhận, tỉnh sẽ giao trách nhiệm cho các ngành chức năng quan tâm hỗ trợ cho các làng nghề phát triển, tạo điều kiện bảo tồn và phát huy những giá trị di sản, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong các tầng lớp nhân dân cùng phát huy những giá trị di sản văn hoá phi vật thể nói riêng, phát triển nền văn hoá Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc nói chung.

Chị Nguyễn Thị Thu Tâm- một du khách đến từ tỉnh Bình Dương cho biết, chị thường xuyên viếng núi Bà Đen vào dịp Hội xuân hoặc khi nào thấy thuận tiện. Tuy vậy, chị ít nghe nói và cũng chưa từng dự Lễ vía Bà. Ngay cả người dân Tây Ninh, không ít người khá “ngơ ngác” khi nghe hỏi về lễ vía Bà tháng 5 âm lịch. Một người dân chia sẻ rằng, nhiều năm qua, chị đến Hội xuân núi Bà vào dịp tháng Giêng âm lịch, múa mâm vàng Rằm tháng 8 âm lịch nhưng chưa nghe qua Lễ vía Bà tháng 5 âm lịch. Đây có thể chưa phải là số đông nhưng cũng phải nhìn nhận rằng thực tế vẫn còn nhiều giá trị văn hoá chưa được quảng bá, lan truyền để người dân biết, tìm hiểu.

Múa trống Chhay-dăm là một điệu múa dân gian độc đáo của người Khmer, thường được biểu diễn trong các ngày lễ hội của dân tộc Khmer, lễ hội của Toà thánh Cao Đài Tây Ninh. Điệu múa này được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia vào năm 2014. Để có danh tiếng gần xa, được nhiều người biết tới như ngày hôm nay, phải kể tới công lao của nghệ nhân ưu tú Trần Văn Xén (65 tuổi, ngụ tại xã Long Thành Bắc, huyện Hoà Thành).

Hơn 40 năm qua, nghệ nhân Xén đã truyền dạy cho nhiều thế hệ. Đến tận bây giờ, niềm đam mê điệu múa trống Chhay-dăm trong ông chưa bao giờ vơi. Ông Xén luôn nỗ lực trao truyền với mong muốn di sản được giữ gìn, kế thừa. Thế nhưng, hiện nay, ông Xén đang đau đáu bởi nỗi lo di sản có nguy cơ bị mai một.

Nghệ nhân Xén cho biết, trước đây, đội múa trống Chhay-dăm của ông có đến 40 người. Nhưng bây giờ, chỉ còn khoảng hơn 10 người. Các thành viên trong đội múa trống là thợ hồ, thợ hàn… đều bận rộn với cuộc sống mưu sinh. Do đó, việc tập trung các thành viên đội múa tham gia biểu diễn phục vụ lễ hội rất khó khăn. Nhiều người có đam mê nhưng khó theo nghề vì phải lo kiếm sống. Mấy năm qua, nghệ nhân Xén đã cố gắng tìm cách thức truyền dạy trong cộng đồng, nhất là lớp trẻ. Nhưng theo ông, học múa trống Chhay-dăm đòi hỏi phải có đam mê, sự kiên trì. Cho nên, lớp trẻ ít còn mặn mà với loại hình này.

Bên cạnh đó, ông Xén trăn trở về chế độ dành cho nghệ nhân. Ông chia sẻ, cơ quan chức năng cần quan tâm, có chế độ đãi ngộ, chính sách hỗ trợ nghệ nhân duy trì các lớp bồi dưỡng, trao truyền di sản, thực hành biểu diễn. Theo ông, múa trống Chhay-dăm là bài múa tập thể, cần có trên 10 người cùng biểu diễn. Do đó, ông mong muốn có đội múa chuyên nghiệp ở tỉnh nhà để chuyên phục vụ lễ hội, đi biểu diễn trong và ngoài tỉnh. Để làm được điều này, ông Xén kiến nghị tỉnh quan tâm hơn trong việc hỗ trợ kinh phí hoạt động cho đội múa trống Chay-dăm. Bởi không có chế độ thù lao, việc thu hút tài năng, duy trì và phát triển đội ngũ múa trống Chhay-dăm sẽ không bền.

Có ý kiến cho rằng, cần tăng cường quảng bá, giới thiệu, đưa di sản văn hoá gần với đời sống của người dân, để mọi người biết, hiểu và nhận thức đầy đủ về giá trị của di sản, cần gắn với phát triển du lịch, có như vậy mới có thể giữ gìn và phát huy giá trị các di sản văn hoá cho hôm nay và mai sau. 

Múa mâm vàng- một trong nghi thức đặc sắc của Lễ vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu- núi Bà Đen.

Chưa khai thác hết giá trị

Thời gian qua, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức các hoạt động tuyên truyền giới thiệu về mục đích, ý nghĩa của việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Có thể kể đến việc tổ chức lễ hội văn hoá - du lịch Nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng định kỳ 2 năm một lần, giới thiệu bánh tráng phơi sương trong các cuộc hội chợ, triển lãm thương mại.

Ngành Văn hoá cũng đã vận động các nghệ nhân mở các lớp truyền dạy di sản văn hoá phi vật thể quốc gia tại địa phương. Đưa nghệ thuật múa trống Chhay-dăm phục vụ trong các hoạt động cộng đồng dân tộc, lễ hội, tết, các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn từ tỉnh đến cơ sở và các điểm du lịch của tỉnh, giao lưu với các tỉnh bạn và khu vực. Quảng bá giá trị “Lễ hội Kỳ yên đình Gia Lộc”, “Lễ vía bà Linh Sơn Thánh Mẫu- núi Bà Đen” trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm giới thiệu giá trị tâm linh, tín ngưỡng của người dân địa phương đến với bạn bè trong nước và quốc tế, vừa phát triển nhu cầu du lịch tâm linh, tham quan, vừa góp phần bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội.

Sở VH,TT&DL cũng nhìn nhận, việc phát triển, quảng bá các loại hình di sản văn hoá còn khó khăn, chưa phát huy đúng giá trị. Nghệ thuật đờn ca tài tử nay chưa phát triển đúng tiềm năng phong trào văn hoá, văn nghệ trong nhân dân; công tác triển khai phối hợp thực hiện Đề án phát triển Đờn ca Tài tử chưa đồng bộ, vẫn còn một số đơn vị chưa nắm được nội dung nhiệm vụ thực hiện trong theo lộ trình của Đề án.

Đối với tỉnh Tây Ninh, hiện nay số nghệ nhân lớn tuổi am hiểu bài bản đờn ca tài tử, có công giữ gìn và phổ biến loại hình nghệ thuật truyền thống này chiếm tỷ lệ ít, theo thời gian sẽ càng hiếm hoi, nếu không có một chế độ đãi ngộ hợp lý sẽ làm mai một dần vốn tài sản quý báu của địa phương. Nghệ thuật múa trống Chhay-dăm đã được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia năm 2014, nhưng đến nay địa phương vẫn chưa có kế hoạch cụ thể để bảo tồn và phát huy giá trị.

“Lễ hội Kỳ yên đình Gia Lộc” và “Nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng” tuy đã được duy trì thực hiện hằng năm, nhưng việc phát huy giá trị loại hình này chỉ mới ở bước đầu và được giới thiệu tại một số sự kiện xúc tiến du lịch của tỉnh.

Được biết, để khắc phục hạn chế và phát huy giá trị di sản văn hoá, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1363/KH-UBND ngày 3.6.2019 về bảo vệ và phát huy giá trị DSVHPVT đã được đưa vào danh mục DSVHPVT quốc gia giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025. Theo đó, các hoạt động triển khai thực hiện bảo vệ và phát huy giá trị DSVHPVT phải đúng yêu cầu thực tiễn, có tính trọng tâm, trọng điểm, chất lượng và hiệu quả; công tác triển khai thực hiện kế hoạch có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, đơn vị, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.

Đồng thời nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền và nhân dân về giá trị DSVHPVT, qua đó giáo dục truyền thống, lòng tự hào, ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong việc giữ gìn, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá.

Thế Anh-Vi Xuân

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh