BAOTAYNINH.VN trên Google News

Trông đình lại nhớ người xưa

Cập nhật ngày: 08/02/2011 - 10:59

Nhằm ngày ông Táo lên trời, Ban quản lý xây dựng cùng đơn vị thi công- Xí nghiệp Mỹ thuật và trang trí Hacomy phối hợp tổ chức một lễ mừng công và bàn giao lại đình Hiệp Ninh cho địa phương quản lý. Đấy là vào ngày 26.1.2011, việc trùng tu tôn tạo đình đã được hoàn thành. Bốn lớp nhà chững chạc với mái ngói âm dương phẳng phiu, ngay ngắn. Cổng chính, cổng phụ vôi vàng, mái đỏ ngói son. Kỳ lân rồng, phụng lại múa vuốt, giương vây lóng lánh màu men sứ. Sân đình cũng trở lại phẳng phiu, rộng rãi đủ chỗ cho tốp múa lân sư đến múa chào mừng. Cũng hôm ấy, tờ sắc phong thời triều Nguyễn lại được ngự trên cỗ kiệu Long đình để rước về đình, giống như trong lễ hội kỳ yên tháng 3 âl. Bên trong, khi những cánh cửa gỗ mở ra, thì ánh sáng trời chói lọi ùa vào. Nhưng cũng có một thứ ánh sáng khác tràn ra từ những hoành phi, câu đối, bao lam tủ thờ thiếp vàng sơn son rực rỡ. Ánh sáng ấy từng có hơn 100 năm rồi. Sau đợt trùng tu cuối năm 2010, đã trở lại như xưa vàng son rực rỡ. Bỗng chạnh lòng nhớ tới người xưa.

Chẳng có tư liệu, sách vở nào ghi chép được chuyện làm đình Hiệp Ninh cụ thể ra sao. Chỉ biết đình có trong thập kỷ 80 thế kỷ 19. Rồi đến năm 1901 đình được xây như ta thấy hiện giờ. Những câu đối cổ tuyệt tác và lộng lẫy cũng mới được người sau tiến cúng vào các năm 1923, 1924, 1928, 1933… Nhưng nhìn vào, ai cũng biết đấy là tác phẩm của những kíp thợ lành nghề từ miền Trung, miền Bắc. Họ không để lại bút tích gì cả, tuổi tên hay quê quán. Chỉ để lại những phượng múa, rồng bay, hạc chầu, rùa nghểnh cổ… và cả những trúc mai, chim chóc sống động vờn bay đến tận ngày nay.

Đình Hiệp Ninh vừa được trùng tu, tôn tạo.

Tìm hiểu, rồi cũng chỉ biết được vài người gắn cuộc đời với đình xưa. Họ là những người trông giữ đình, gọi là các ông Từ của đình làng ngày trước. Cách đây dăm năm, từng có ba nấm mộ ở trong xóm dân cư cách đình bằng một khuôn viên Trung tâm Giáo dục thường xuyên. Mộ ấy tuy có bia đá lớn hẳn hoi, cỡ (60 x 100)m nhưng ngoài gia đình chủ đất khói nhang thì không còn ai là con cháu họ hàng cúng viếng. Những năm ấy, Thị xã có chủ trương bốc các mồ mả ra khỏi các khu dân cư, nên ba ngôi mộ này cũng phải di dời. Gia đình cô giáo Ngô Thị Hồng Anh, chủ đất này nghiêm chỉnh chấp hành, thắp nén nhang thưa với các cụ xin chuyển các cụ về nơi ở mới. Đêm ấy, cô giáo Hồng Anh chợt thấy chiêm bao, trong ấy có một cụ hiện lên bảo rằng không muốn đi đâu vì đã quen chỗ, và không muốn xa ngôi đình cả đời từng gắn bó. Y theo ước nguyện ấy, cô giáo Hồng Anh xin phép địa phương bốc cốt, hoả thêu rồi đựng cốt trong hũ sành, rồi lập nên một ngôi miếu làm nơi thờ tự. Hũ sành tro cốt vẫn để trong miếu theo thứ tự các ngôi mộ trước đây. Luồn theo hẻm nhỏ, vào tới đất vườn cô Hồng Anh hiện nay là thấy ngay ngôi miếu nhỏ, chỉ hơn một mét mỗi bề, nền đất tôn cao lót gạch men cẩn thận, lại tường xây mái tôn giả ngói hẳn hoi. Vì thế giữa không gian xanh um cây cối bỗng ấm lại bởi màu sơn đỏ. Chữ Hán đề ngoài, chữ Việt đề trong ghi là miếu Tam ông. Bên trong cũng bàn thờ có đủ lọ hoa, chân đèn, bát nhang và cả hoa tươi. Nổi bật hai bên trang thờ có đôi câu đối mà đọc lên lại giống như thơ:

- Ta chỉ ngự xuống trần chơi một chốc

- Nào ngờ đâu ở mãi đến bây giờ.

Cô Hồng Anh kể, các bậc tiền bối như thầy giáo Sen từng kể: “Ba ông từng làm quan triều đình thời Nguyễn. Nam bộ mất về tay giặc Pháp, các ông lưu lạc tới đây làm kẻ giữ đình. Trong ba ông có hai ông quan võ, một quan văn. Ông quan võ ngự ở ngôi chính giữa có tên là Phạm Công Tước, nguyên là cháu nhiều đời của danh tướng Phạm Ngũ Lão- con rể của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn. Hai ông quan văn tả hữu là Quách Văn Được và Nguyễn Văn Tường”. Cô Anh còn nhớ, các ông đã lần lượt mất trong các năm từ 1925 đến 1929. Vậy, có thể chính là các ông đã có công trông nom việc làm đình năm 1901. Có lẽ nhờ thế mà tất cả các chi tiết điêu khắc gỗ trên các ngai, tủ thờ, trên bao lam, câu đối, hoành phi… tất thảy đều chuẩn mực, không kém đồ thờ tự ở ngoài cố đô- di tích kinh thành Huế ngày nay.

Từ chuyện xưa mà nghĩ đến chuyện nay. Di tích LSVH cấp quốc gia đình Hiệp Ninh được giao cho UBND phường II quản lý. UBND phường lại giao cho Mặt trận Tổ quốc phường; trong khi Mặt trận còn bao việc phải lo. Vậy nên nhiều lúc đình Hiệp Ninh bị nhang tàn khói lạnh, mái sụp khi xưa cũng không có giải pháp gì chống đỡ. Ban quý tế có vài cụ tuổi cao như cụ Sáu, cụ Năm Nhơn… rất có tâm huyết nhưng nay đã tuổi cao sức yếu nên cũng “lực bất tòng tâm” không còn chăm lo chuyện đình trung như trước.

Thế nên, hy vọng sau đợt trùng tu lần này, UBND phường II sẽ có giải pháp khả thi để giữ ngôi đình tiếp tục bền vững sau khi nhận bàn giao.

TRẦN VŨ