BAOTAYNINH.VN trên Google News

Trồng gấc - “làm chơi ăn thiệt”

Cập nhật ngày: 08/04/2013 - 10:42

(BTN)- Những năm gần đây, ở huyện Trảng Bàng có nhiều người dân phá bỏ vườn tạp, chuyển sang đầu tư trồng gấc. Bước đầu cho thấy việc trồng loại dây leo này đem lại thu nhập khá cao.

Ông Nguyễn Văn Tở (66 tuổi, ngụ ấp Bàu Mây, xã An Tịnh) là người đi tiên phong trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng này. Hiện nay, ông có 0,5 ha đất chuyên trồng gấc. Mặc dù hiện tại đang là mùa nắng nóng, giàn gấc của ông rụng lá trơ trọi, nhưng chúng vẫn cho ra một ít quả. Dẫn chúng tôi đi tham quan vườn gấc, ông Tở cho biết trước đây, trên khu đất này là vườn cây tạp với đủ thứ cây ăn trái như cam, bưởi, chuối, sa kê v.v… Nhờ có nhiều năm làm lãnh đạo trong ngành Bưu chính viễn thông của một số huyện, Thị xã nên ông có điều kiện tìm hiểu nhiều thông tin kinh tế trên mạng internet. Trong đó, ông biết trái gấc không chỉ dùng để nấu xôi mà còn có thể sản xuất dầu, thực phẩm chức năng và hiện nay trên thị trường, gấc không đủ để xuất khẩu. Thấy gấc cũng dễ trồng và gia đình mình có đất vườn khá rộng, thế là ông Tở bắt đầu ra chợ mua một số gấc chín về lấy hạt ươm giống, đồng thời ông phá bỏ vườn cây ăn trái để chuyên canh cây gấc.

Mặc dù đang là mùa nắng nhưng vườn gấc của ông Tở vẫn trĩu quả

Ông Tở đầu tư gần 20 triệu đồng để mua trụ xi măng, dây kẽm về làm giàn cho gấc. Sau gần một năm chăm sóc, gấc của ông bắt đầu ra hoa, kết trái. Ông thu hoạch và đem xuống các chợ đầu mối trái cây ở TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ. Đến nay, vườn gấc của ông đã được 6 năm. Những dây gấc bé tí ngày nào nay đã to lớn bằng cổ tay, một số gốc gấc khác đã quá tuổi, năng suất thấp, ông đã thay thế bằng những dây gấc mới.

Ông Tở cho biết, vào mùa nắng nóng như thế này gấc thiếu nước nên ra trái ít, 3 ngày ông thu hoạch một lần, mỗi lần được 40kg. Nhưng vào mùa mưa, gấc xanh tốt và ra hoa, kết trái dầy đặc. Trung bình mỗi lần thu hoạch, ông hái được đến 250kg- gần gấp 5 lần mùa nắng. Giá gấc trên thị trường cũng dao động theo mùa. Hiện nay, giá thương lái đến tận nhà thu mua chỉ 16.000 đồng/kg, nhưng vào cuối năm âm lịch, giá bán ra tăng lên gần gấp đôi- khoảng 30.000 đồng/kg. Ông Tở chia sẻ: “Lúc mới trồng, bán ra được 3.000 đồng/kg là tôi đã thấy có lời hơn so với trồng lúa rồi. Sau đó, gia tăng lên 5.000 đồng rồi 8.000 đồng/kg và mấy chục ngàn đồng một ký như hiện nay là điều mà trước đây tôi không ngờ tới. Chỉ tính riêng trong năm 2012, tôi đã bán được 100 triệu đồng, trừ chi phí ra khoảng 20 triệu đồng, số còn lại là tiền lời”.

Thấy mô hình trồng gấc có hiệu quả kinh tế cao, nhiều bà con trong xóm tìm đến gia đình ông học hỏi kỹ thuật, mua cây giống và trở về nhà phá bỏ vườn tạp, đầu tư trồng gấc. Hiện nay, đi vào những thôn làng, xóm ấp ở xã An Tịnh, sẽ dễ dàng nhìn thấy nhiều gia đình có vườn gấc đang trĩu quả. Gia đình ông Thuận, ở xã An Tịnh cũng là một trong những hộ theo nghề trồng và mua bán gấc. Ông mới trồng được hơn 100 trụ gấc trong thời gian gần 2 năm nay. Hiện tại, ông đang đầu tư tưới nước cho gấc ra trái nghịch mùa. Khi chúng tôi ghé thăm, thấy vườn gấc của ông đang có rất nhiều trái to sắp chín. Người nông dân 52 tuổi này còn nghiên cứu, áp dụng kỹ thuật che nắng cho trái gấc. Vì vậy, mặc dù hiện tại, đang vào lúc cao điểm của nắng nóng, nhưng gấc của ông trái nào cũng căng tròn, mọng nước. Ngoài việc đầu tư lập vườn, vợ chồng ông Thuận còn mở đại lý thu mua gấc và một số loại nông sản khác như trái sa kê, măng tre. Ông Thuận cho biết: “Chỉ tính riêng gấc, vào thời điểm này, mỗi ngày tôi thu mua được từ 300 - 500kg. Vào mùa cao điểm, khoảng tháng 5, tháng 6, mỗi ngày tôi mua được khoảng 1 tấn”. Gấc mua được, ông Thuận đem xuống TP. Hồ Chí Minh bán lại cho Công ty cổ phần Nông nghiệp Đông Phương. Những năm gần đây, công ty này cũng chọn vườn gấc của ông Tở làm vườn khảo nghiệm các loại giống gấc. Trong đó, Công ty Đông Phương khảo nghiệm các giống gấc lai cao sản, gấc nếp, gấc diễn… để tìm hiểu loại nào cho năng suất tốt nhất và phù hợp với vùng đất Trảng Bàng nhất. Đồng thời, công ty này cũng sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật trồng gấc cho bà con nông dân miễn phí.

Nhờ có người hướng dẫn kỹ thuật trồng và bao tiêu sản phẩm nên hiện nay ở xã An Tịnh ước tính có hơn 10 gia đình mạnh dạn đầu tư trồng loại cây này theo kiểu công nghiệp và hàng chục hộ khác trồng lẻ tẻ trên hàng rào. Phong trào trồng gấc ở xứ Trảng, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt và góp phần xoá bỏ những vườn tạp ít hiệu quả kinh tế.

Dương Bảo Tâm