BAOTAYNINH.VN trên Google News

Trong gió bụi cuộc đời vẫn không nguôi khát vọng

Cập nhật ngày: 23/07/2009 - 09:26

Tranh thủ những ngày hè, Cảnh đi làm phụ hồ để chuẩn bị cho năm học cuối cấp

Em nhớ mãi cái ngày ấy - ngày em sáu tuổi. Một lần em bị bệnh, mẹ đưa em từ một nơi- hình như là Cần Thơ qua Long Xuyên, tỉnh An Giang. Mẹ đã đưa em đến gửi nhà người quen nhờ họ chữa bệnh. Rồi không hiểu sao, mẹ lẳng lặng trốn đi luôn, không hề nói với em một lời nào.Từ đó đến nay em không còn được gọi tiếng mẹ nữa. Em bắt đầu cuộc sống ăn nhờ ở đậu. Em được nuôi ăn học đến hết lớp 4. Sau đó, họ không cho em ở nữa. Nghỉ hè, em bắt đầu đi bụi đời. Suốt ba tháng hè lang thang, kiếm được gì ăn nấy. Một cô giáo biết chuyện liền đưa em về nhà và cho ăn học. Ngoài giờ học, em đi bán vé số để kiếm thêm tiền trang trải, vì nhà cô giáo cũng không khá giả gì. Một lần quá mệt, em ngủ quên trên ghế đá ở công viên. Khi tỉnh dậy, toàn bộ tiền và vé số đã bị ai đó lấy mất. Từ biệt cô giáo, em lên thành phố Hồ Chí Minh. Khi ấy, tài sản của em chỉ còn chiếc đồng hồ kỷ niệm mà mẹ mua cho lúc vào lớp 1. Em đã đổi ngang để lấy cái bánh bao. Một ngôi chùa đã cưu mang em. Tại đây, em được tiếp tục đi học cùng với một số chú tiểu cho đến năm lớp 7. Rồi một ngày nọ, có một nhà sư từ Tây Ninh xuống thăm chùa. Nhà sư ấy đem em về TN ở tại một ngôi chùa nọ. Tại đây, em tiếp tục học lớp 8 và 9 sau một năm phải gián đoạn. Thầy cô, bạn bè trong trường ai cũng khen em là chú tiểu học giỏi.

Những tưởng cuộc đời em sẽ bớt sóng gió. Nhưng sau khi tốt nghiệp lớp 9, vì một lý do tế nhị, em lại phải rời ngôi chùa đang ở. Một lần nữa em lại đi lang thang. Nhưng em đã nhanh chóng nhận ra rằng: nếu cứ lang thang thế này không biết cuộc đời mình sẽ trôi giạt về đâu. Nghĩ thế, em lại trở về ngôi chùa cũ, nhờ thầy xin cho đi học tiếp, vì em vẫn muốn học. Cuối cùng, em được vào học tại Trường THPT Trần Phú, huyện Tân Biên.

Những ngày đầu, thầy cô và nhất là các bạn học sinh không khỏi tò mò, hiếu kỳ khi thấy một… chú tiểu trong lớp học. Sự mặc cảm, tự ti của em ngày càng tăng. Đã có lúc em định bỏ đi bụi một lần nữa. Rất may, cô giáo của em đã kịp thời động viên và nhờ đó, em tiếp tục đến trường.

Hình như ông trời không lấy đi của ai tất cả. Bù lại những thua thiệt cuộc đời, em đã có tư chất thông minh, học các môn tự nhiên rất khá. Ngoài giờ học ra, em còn nhận quét rác, làm vệ sinh phòng học để kiếm chút tiền trang trải cuộc sống. Biết được hoàn cảnh đặc biệt của em, nhà trường đã miễn toàn bộ các khoản đóng góp. Sách giáo khoa đã có cô chủ nhiệm lo cho. Học hết lớp 10, chủ nhà trọ không cho em ở nữa. Không biết bấu víu vào đâu, em tâm sự với một bạn cùng lớp. Và chính gia đình người bạn đó đã đón nhận em về nhà! Ngày ngày, em và bạn cùng nhau đến trường, trở thành đôi bạn thân thiết. Cả gia đình của người bạn ấy đối xử với em rất tốt, ai cũng thương em. Đang kỳ nghỉ hè, em xin ba mẹ (em gọi ba mẹ bạn như thế) đi làm thêm để kiếm tiền chuẩn bị cho năm học tới. Em đi làm phụ hồ mỗi ngày được hơn sáu chục ngàn đồng. Được bao nhiêu, đều đưa cho mẹ giữ hộ.

Cô giáo cũ của em kể rằng: “Hơn 10 năm dạy học, tôi không biết đã có bao nhiêu kỷ niệm với nghề, với

Nguyễn Hữu Cảnh (thứ hai từ phải sang) cùng với người bạn thân thiết và hai cô giáo của mình

học sinh. Thế nhưng với em- đứa học trò có số phận nghiệt ngã luôn ám ảnh tâm trí tôi. Tôi còn nhớ cách đây 3 năm, lần đầu tiên bước vào lớp 9A1 mà tôi được phân công giảng dạy. Một chú tiểu đứng dậy chào tôi với ánh mắt u buồn. Qua quá trình dạy em, tôi thật sự ngạc nhiên và khâm phục ý chí, nghị lực của cậu học trò này. Lăn lóc ngoài đời nhưng em chưa hề bị tha hoá, em vẫn thích học và học giỏi”. Còn cô giáo hiện đang dạy em thì nhận xét: “Em là một học sinh đặc biệt. Tôi chưa thấy em nào có số phận kỳ lạ như em này. Về học lực, em học rất khá, chăm ngoan và rất lễ phép. Chỉ có điều, hoàn cảnh của em quá đặc biệt”.

Riêng em, em tâm sự với chúng tôi: “Khát vọng của em là được vào đại học. Nhưng học đại học nhiều tiền quá. Ba mẹ nuôi em ăn học thế này là ơn nghĩa lớn lắm rồi. Em không thể làm phiền ba mẹ mãi được. Em muốn trở thành một kỹ sư cơ khí. Nhưng tiền đâu để học bây giờ hả anh”?

Cậu học trò có hoàn cảnh đặc biệt vừa kể trên có tên là Nguyễn Hữu Cảnh, học sinh lớp 11, Trường THPT Trần Phú, huyện Tân Biên. Dù phải trải qua bao vất vả, long đong, trong trái tim non trẻ ấy vẫn tươi nguyên niềm khát khao vượt lên trên số phận…

Anh Thi – Việt Đông