BAOTAYNINH.VN trên Google News

Trồng gừng kiểu mới

Cập nhật ngày: 11/10/2010 - 10:58

Cách đây hai năm, chương trình Bạn Nhà Nông của Đài Truyền hình Việt Nam có giới thiệu mô hình trồng gừng trong bao, nhiều người dân ở Tây Ninh đã học hỏi làm theo. Riêng ở huyện Châu Thành, có người còn “sáng kiến” ra cách trồng gừng theo kiểu tiết kiệm cho hiệu quả cao hơn, đó là cách trồng gừng trên liếp.

Người mạnh dạn áp dụng cách làm ấy là ông Trần Văn Công, 58 tuổi, hiện là Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Bình Phong, xã Thái Bình. Hiện tại, trên nửa phần sân nhà ông đang trồng hơn 100 gốc gừng trong bao và 1.500 gốc trên liếp. Ông đang trồng 6 liếp mỗi liếp 1,5 x 10 mét. Ông Công kể, những năm trước đây, trên phần đất này, vợ chồng ông chuyên trồng rau, cải. Thấy trồng rau, cải hiệu quả kinh tế không cao, năm 2008, ông chuyển sang trồng gừng và nghệ  theo kiểu trồng truyền thống dưới đất, gừng trồng theo lối cũ hay bị thối củ do ứ nước.

Năm 2009, ông Công chuyển sang áp dụng mô hình trồng gừng trong bao. Sau khi thu hoạch, ông rút ra kinh nghiệm: “Cách trồng này có nhiều ưu thế là khắc phục được tình trạng thối củ, có thể di chuyển các bao gừng sang những địa điểm khác nếu cần mặt bằng. Nhưng kiểu trồng này lại tốn nhiều bao, khi tưới gừng ướt không đều và mỗi lần vô phân khá vất vả”.

Ông Công cắt tỉa bớt cây gừng con để củ mau lớn

Từ đó, ông Công nghĩ ra cách trồng gừng trên liếp. “Tôi rọc các bao ra, rồi khoanh lại thành một liếp lớn, sau đó đổ phân tro vào trồng. Trồng gừng trên liếp tiết kiệm được khoảng 1/3 kinh phí mua bao và dễ chăm sóc hơn rất nhiều”- ông nói. Để tận dụng tối đa diện tích trên liếp, ông Công trồng gừng theo kiểu so le. Ông giải thích: “Theo tài liệu hướng dẫn, trồng gừng theo hàng thẳng và mỗi gốc cách nhau 30cm. Vụ đầu tiên, tôi trồng theo kiểu này, sau khi thu hoạch thấy củ gừng phát triển chưa hết mức. Vì vậy, vụ này tôi trồng so le với nhau. Mặc dù chưa thu hoạch nhưng theo quan sát tôi thấy các củ gừng đã phát triển kín hết bề mặt của liếp, cho thấy chắc chắn vụ này sẽ cho năng suất cao hơn vụ trước”.

Ông Công cho biết thêm, mỗi vụ gừng kéo dài 6 tháng. Nếu chăm sóc tốt, trung bình mỗi gốc gừng cho thu hoạch 3kg. Với số lượng 1.500 gốc gừng hiện nay, ông sẽ có khoảng 4.500kg gừng. Giá thị trường hiện nay từ 40.000 – 45.000 đồng/kg. Trừ các khoản chi phí giống, phân tro, bao, ông có thể kiếm được khoảng 170 triệu đồng. Thực tế, còn lãi cao hơn vì ông không phải mua gừng giống, phân bón thì tận dụng phân xanh, phân chuồng trong chăn nuôi gia đình, bao xi măng thì chịu khó đi xin ở những công trình xây dựng rồi chịu khó chở gừng đi bán ở các chợ trong huyện nên được giá cao hơn.

Hiện tại, ông Công còn trồng hơn 100 gốc gừng trong bao và hơn 1 cao đất trồng nghệ. Dự định của ông bà sau khi thu hoạch xong vụ gừng này, ông sẽ tập trung đầu tư mở rộng diện tích trồng gừng trên liếp.

Ông Phạm Văn Khuyến, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Thành cho biết: “Hiện nay, đã có 6 xã của huyện Châu Thành phát triển phong trào trồng gừng trong bao. Trong đó, các xã An Bình, Hoà Thạnh, Thái Bình có quy mô lớn, mỗi xã từ 2.000 bao trở lên. Các xã Hảo Đước, An Cơ, Đồng Khởi số lượng ít hơn, mỗi xã khoảng 500 bao. Chỉ mới có ông Trần Văn Công ở xã Thái Bình là chuyển sang trồng gừng trên liếp. Trồng gừng theo kiểu trên bao, trên liếp có nhiều lợi thế: Ít tốn diện tích đất, ai cũng có thể trồng được và lợi nhuận tương đối cao. Đầu ra cho loại sản phẩm này hiện tại không phải lo, vì có thương lái thu mua để bán ra các tỉnh phía Bắc và xuất khẩu sang Trung Quốc. Đây là mô hình kinh tế có tiềm năng phát triển ở Châu Thành. Dự kiến sang năm 2011, Hội Nông dân huyện sẽ sử dụng nguồn vốn hỗ trợ nông dân để giúp đỡ dân phát triển mô hình này”.

Đại Dương