BAOTAYNINH.VN trên Google News

Trồng hàng bông: Nghịch lý mua và bán

Cập nhật ngày: 15/01/2014 - 02:00

Anh Luân chỉ mong có đủ tiền ăn tết với đám đậu bắp

Dù phải vất vả trên đồng ruộng để sản xuất các loại nông sản, nhưng nông dân vẫn tiếp tục bị ép giá, trong đó người trồng hàng bông (các loại rau, củ, quả) cũng không ngoại lệ. Hiện tại, nhiều loại rau, quả sang tại vườn bị hạ giá thấp đến mức người nông dân phải chịu lỗ. Tuy nhiên, khi đến tay người tiêu dùng, một số loại rau có giá không hề “dễ chịu”. Đó là một nghịch lý đã tồn tại lâu ngày.

Nông dân bán giá thấp…

Ruộng đậu bắp của anh Nguyễn Minh Luân (ấp Ninh Bình, Bàu Năng, Dương Minh Châu) đã thu hoạch được gần nửa tháng nay. Cách đây hơn 10 ngày, giá đậu bắp sang tại ruộng khoảng 12.000 đồng/kg, nhưng hiện giờ chỉ còn khoảng 5.000 đồng/kg. Với cái giá này thì không hy vọng có lời, bởi tiền vốn, tiền thuê đất đã hơn chục triệu đồng. Ở ruộng kế bên, vợ chồng ông Nguyễn Văn Quế cũng đang lo vì giá cả: “Đã bẻ trái được tuần lễ, nhưng đến giờ vẫn chưa thể biết lời lỗ ra sao, vì thương lái chưa trả tiền”.

Ông Trần Văn Nhật (ấp Bình Phong, xã Thái Bình, Châu Thành) là người có nhiều năm trồng rau ăn lá. Với khoảng 700m2 đất trồng nhiều loại rau, mỗi ngày ông cắt từ 50 đến ngoài 100kg. Tuy nhiên, theo ông Nhật, hiện nay giá rau cũng đang bị hạ nên nhiều nhà vườn rất lo. “Có loại rau giá sang tại vườn chỉ được 1.000 đồng/kg thì lỗ là chắc”.

Lý do mà các thương lái đưa ra để hạ giá là “giá chợ hạ”. Một nông dân trồng rau tại xã Thái Bình cho biết, thương lái có thể đổi giá ngay sáng hôm sau dù chiều hôm trước đã thống nhất giá mua với nông dân- “Có lúc mình bị ép chỉ còn bằng 50% giá thị trường, nhưng cũng phải bán cho họ chứ biết phải làm gì hơn”. Ông Thân Văn Đường- một nông dân trồng rau, quả tại ấp Ninh Thuận, xã Bàu Năng cho rằng: “Khi rau thu hoạch rộ thì y rằng giá sẽ hạ. Và nếu đã hạ thì rất hiếm khi giá lên lại”.

Theo thông tin từ các hộ nông dân trồng hàng bông, hiện giá dưa leo cũng xuống thấp, nhiều hộ nông dân đang lo lắng. Trong những ngày gần đây, có lúc giá dưa leo sang tại vườn chỉ được 3.000 đồng/kg. Với giá này thì nhà vườn  chỉ có lỗ chứ không thể kiếm lời được bởi ngoài chi phí đầu tư, công chăm sóc còn phải bỏ tiền thuê công hái nữa (khoảng 90.000 đồng/người/buổi).

Người tiêu dùng phải mua giá cao

Dù hiện nay người trồng rau đang lo lắng vì giá bán thấp nhưng tại các chợ- từ vùng nông thôn đến thành thị, giá thực phẩm và rau củ quả vẫn rất cao, bất chấp nhiều loại đang rộ mùa.

Theo khảo sát của chúng tôi, giá cả nhiều mặt hàng rau củ quả khi tới tay người tiêu dùng thường bị đẩy lên gấp 2-3 lần giá gốc mua tại ruộng. Một số tiểu thương tại chợ Quy Thiện, xã Trường Hoà cho biết, hiện dưa leo được bán ở mức 15.000 đồng đến 17.000 đồng/kg- cao hơn 5 lần khi mua tại ruộng; cà chua 17.000 - 19.000 đồng/kg- tăng 5.000 đồng/kg; bầu, bí đao 14.000 đồng/kg- tăng 2.000 đồng/kg so với tháng trước.

Khảo sát tại chợ Long Hoa, chúng tôi ghi nhận các mặt hàng rau xanh cũng đều tăng giá so với tháng trước. Cụ thể như: bắp cải tăng từ 4.000 - 6.000 đồng/kg; bông cải, cải thảo, cải ngọt... đều tăng từ 8.000 - 11.000 đồng/kg. Các loại củ quả, rau thơm... cũng đều tăng từ 10 - 40% so với tháng trước. Chị Nguyễn Thị Mơ, một tiểu thương ở chợ Long Hoa phân trần: “Bây giờ là còn rẻ, chứ gần đến tết, thời tiết lạnh, rau tươi khan hiếm, giá còn cao hơn nữa”.

Khoảng một tháng trở lại đây, nhiều người nội trợ không khỏi than phiền khi tình hình giá cả các loại rau, củ tăng không ngừng. Thời gian từ đây tới Tết Nguyên đán, có thể giá cả hàng hoá nói chung, hàng bông nói riêng sẽ còn tăng hơn nữa.

Nghịch lý vẫn tồn tại

Có thể thấy, mức giá một loại rau, quả từ nhà vườn đến tay người tiêu dùng được tăng ít nhất là gấp đôi, thậm chí có loại gấp bốn, năm lần. Và khoảng chênh lệch lớn này được bộ phận trung gian hưởng, còn người nông dân và người tiêu dùng hoàn toàn chịu thiệt. Một tiểu thương bán tại chợ Trường Lưu, xã Trường Đông bộc bạch, dù thị trường có ế ẩm, nhưng những người thu mua hàng chẳng bao giờ chịu thiệt. Khi thị trường giảm sức mua, họ ép giá nông dân, còn lúc khan hàng thì họ lại ép giá tiểu thương ở chợ.

Anh Nguyễn Minh Luân - một nông dân trồng hàng bông cho biết, dù biết lái mua ép giá nhưng không bán cho họ thì bán cho ai? Đó là tâm lý chung của số đông nhà vườn hiện nay. Và vì nông dân còn phải lệ thuộc vào thương lái nên chỉ biết “lái nói bao nhiêu thì bán bấy nhiêu” thôi.

Nhiều người đã “bó tay” với nạn ép giá, nhưng đến giờ vẫn chưa thấy có giải pháp nào của các ngành chức năng hỗ trợ nông dân.

TUYẾT NHI HẰNG