Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Những năm gần đây ở huyện Trảng Bàng có một bộ phận dân cư phát triển kinh tế gia đình bằng nghề trồng lan. Trừ một vài “đại gia” có vốn lớn, có diện tích đất rộng, còn lại phần lớn tận dụng những mảnh đất nhỏ trong sân nhà, nhưng cũng góp phần đáng kể cho thu nhập gia đình.
Ông Lộc đang chăm sóc hoa lan |
Những năm gần đây ở huyện Trảng Bàng có một bộ phận dân cư phát triển kinh tế gia đình bằng nghề trồng lan. Trừ một vài “đại gia” có vốn lớn, có diện tích đất rộng đầu tư hàng tỷ đồng để trồng cả mẫu, hoặc năm bảy công đất, còn lại phần lớn tận dụng những mảnh đất nhỏ trong sân nhà, nhưng cũng góp phần đáng kể cho thu nhập gia đình.
Ông Đặng Thế Lộc (SN 1956), chủ vườn lan Hoa Lộc, ở ấp An Lợi, xã An Hoà (Trảng Bàng) cho biết, trước đây vợ chồng ông đều là giáo viên tiểu học. Để có thêm thu nhập cải thiện cuộc sống gia đình vợ chồng ông xây chuồng nuôi heo. Tuy nhiên nghề nuôi heo cũng không giúp gia đình ông khấm khá. Ông phải bỏ nghề dạy học trước tuổi về hưu để lo kinh tế gia đình. Còn vợ ông, bà Phạm Thị Kim Hoa vẫn tiếp tục bám nghề dạy học cho đến tuổi nghỉ hưu. Bỏ nghề dạy học, ông Lộc làm nhiều nghề khác, nhưng cũng không vực vậy được kinh tế gia đình. Sau thời gian tìm hiểu về cách trồng lan cắt cành của những người đi trước, đến năm 2007, vợ chồng ông Lộc quyết định chuyển từ nghề nuôi heo sang nghề trồng lan cắt cành xung quanh nhà. Tiền bán hết chuồng heo, cộng với tiền nghỉ hưu lãnh một lần theo chế độ của bà Hoa, tất cả được khoảng 100 triệu đồng gia đình ông Lộc bà Hoa đầu tư hết cho vườn lan.
Lúc đầu ông Lộc mua con giống trồng 1.300 gốc lan cắt cành mokara trên diện tích 500 mét vuông đất trước sân nhà. Sau đó ông tận dụng hết đất xung quanh nhà để phát triển thêm 1.500 lan gốc nữa. Ngoài việc trồng lan mokara, ông Lộc còn tận dụng tất cả những khoảng trống còn lại để làm giàn trồng lan dendro trong chậu nhỏ. Hiện nay ông có hơn 200 chậu lan dendro. Ngoài ra ông Lộc còn trồng thí điểm lan hồ điệp trong chậu. Vừa phụ chồng trồng lan, bà Hoa còn học tập cách cắm hoa, kết hoa. Gần đây, 1.300 gốc lan mokara trồng trước của ông Lộc đã cho hoa, ông bán mỗi tuần một lần, tuỳ theo cành lớn hay nhỏ, ông cắt bán từ 5.000 đồng đến 15.000 đồng/cành. Còn lan dendro trồng trong chậu của ông Lộc cũng đã cho bông. Đối với hoa lan dendro ông Lộc bán theo từng bông. Mỗi bông giá 700 đồng. Cứ đếm số bông trên mỗi cành hoa mà tính tiền. Đối với lan dendro không chỉ bán bông, nếu khách có nhu cầu, ông Lộc bán luôn cả chậu nhỏ, với giá từ 40.000 đồng đến 80.000 đồng/chậu. Ngoài việc bán bông, bán chậu, lan dendro còn là loại hoa chính để bà Hoa kết hoa theo đơn đặt hàng của khách hàng. Bà Hoa nhận cắm hoa định kỳ văn phòng, các tiệc cưới, hỏi, lễ hội, khai trương, sinh nhật, họp mặt, kết xe hoa, cổng hoa, hoa cưới, hoa giao tế… Nhờ trồng hoa lan và kết hoa từ vườn hoa nhà mình, mà vợ chồng ông Lộc, bà Hoa có thu nhập ổn định.
Ông Lộc cho biết thêm, việc trồng hoa lan với diện tích nhỏ xung quanh nhà rất phù hợp với độ tuổi của ông. Nó vừa giúp ông thư giãn trong lao động, vừa có thu nhập đáng kể cho gia đình. Tuy nhiên ông Lộc cũng còn băn khoăn việc trồng lan hiện nay cũng chỉ là tự phát và theo kinh nghiệm của mỗi người, chớ chưa có trường lớp nào hướng dẫn. Việc tiêu thụ hoa hiện nay cung cũng chưa đủ cầu. Nhưng ông Lộc cũng đang lo xa nếu có nhiều người trồng hoa lan quá, mà chưa tìm ra thị trường tiêu thụ ổn định, có thể dẫn đến khủng hoảng thừa.
Ở xã An Hoà, ngoài vườn lan Hoa Lộc, còn có hộ đã đầu tư trồng 4.000 gốc lan mokara và 1.500 lan dendro ở ấp An Quới. Hiện nay vườn lan này rất có triển vọng.
Một vườn lan mới phát triển ở ấp An Quới, xã An Hoà, Trảng Bàng |
Hiện nay ở Trảng Bàng và một số nơi trong tỉnh ta đã và đang hình thành các khu, cụm công nghiệp, do đó diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp. Một bộ phận nông dân, nhất là những người ngoài độ tuổi lao động không khỏi băn khoăn là sau khi nhận tiền bồi thường giải toả xong không biết làm nghề gì để sinh sống. Việc trồng lan cắt cành trên diện tích đất hẹp xung quanh nhà rất phù hợp với những người có độ tuổi ngoài tuổi lao động ở các công ty, xí nghiệp. Vấn đề đặt ra việc trồng lan đòi phải có kỹ thuật nhất định và phải có đầu ra bền vững. Nên chăng các ngành chức năng mở các lớp hướng dẫn kỹ thuật trồng lan cho nông dân và hỗ trợ tìm đầu ra cho người trồng lan.
D.H