Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Trong lòng hồ Dầu Tiếng: Người dân đổ xô trồng mì trên đất bán ngập
Thứ năm: 05:22 ngày 10/03/2011

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Liên tục trong nhiều năm củ mì tươi có giá cao, và có khả năng còn giữ ở mức cao trong thời gian dài, nên nhiều người dân đổ xô đi trồng mì.

Liên tục trong 3 năm qua, giá củ mì tươi giữ giá ở mức cao, từ 2.000 đồng/kg trở lên; có thời điểm giá lên gần 3.000 đồng/kg đạt 30 chữ bột. Nếu đầu tư chăm sóc tốt, bán đúng thời điểm củ mì đủ chữ bột, và bán được cây giống, một héc ta mì có thể cho lãi ròng gần 100 triệu đồng. Nhờ vậy, nhiều nhà nông trồng mì có thu nhập khá, nhiều người trả được nợ vay “thâm niên”, xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắp tiện nghi đầy đủ, lại còn có tiền dư gửi ngân hàng nhờ vào trồng mì.

Cây mì được trồng xuống gần mí nước hồ.

Tận dụng mọi diện tích bán ngập trong hồ Dầu Tiếng để trồng cây mì

Hiện củ mì tươi vẫn có giá cao, và có khả năng còn giữ ở mức cao trong thời gian dài, nên nhiều người dân đổ xô đi trồng mì. Những năm trước, ở thế đất cao rất ít người tưới nước để xuống giống cây mì vào khoảng tháng 12 năm trước đến hết tháng 3 năm sau. Nhưng năm nay, dù đất cao, khô hốc, nhưng vẫn được người dân dùng điện chạy mô-tơ, hay máy dầu bơm nước từ giếng lên tưới cho ướt đất để xuống giống. Nhiều diện tích đang trồng mía, ngay sau khi thu hoạch mía, người dân cũng phá bỏ mía, tưới nước xuống giống trồng cây mì. Trên diện tích bán ngập trong lòng hồ Dầu Tiếng người dân tận dụng tất cả những nơi có thể trồng mì được để trồng mì. Có nhiều diện tích đã bỏ hoang hoá làm đồng cỏ cho trâu, bò trong nhiều năm, nay cũng được khai phá để trồng mì. Những vùng đất thấp, nếu “nhắm” thấy chỉ cần đất không ngập trong vòng 5 tháng (từ tháng giêng đến đầu tháng 5 âm lịch) là được cày xới để trồng mì. Nếu đầu tư chăm sóc tốt, tưới đủ nước thì cây mì 5 tháng tuổi thu hoạch cũng có lời hàng chục triệu đồng. Nhiều diện tích đất bán ngập được đầu tư san, ủi bằng phẳng cho dễ canh tác, dễ chăm sóc. Nhiều người không có đất, tìm vào lòng hồ mướn đất trồng mì. Giá mướn tuỳ theo đất ngập sâu, hay ngập cạn có giá cho mướn từ 20 đến 40 triệu đồng/ha/năm. Đất bán ngập tại đảo Nhím, tuy đi lại khó khăn cách trở, phải thêm chi phí vận chuyển bằng đường thuỷ, nhưng giá mướn cũng từ 15 đến 25 triệu đồng/ha/năm. Ông NQT, chủ một doanh nghiệp kinh doanh thương mại, nhưng cũng đầu tư vốn mướn gần 100 héc ta đất bán ngập trong lòng hồ để trồng mì. Toàn bộ diện tích đất bán ngập hơn 4 nghìn héc ta thuộc địa bàn Tây Ninh; đều được người dân trồng mì, chỉ còn một số ít diện tích đang trồng rừng bán ngập và diện tích quá thấp là không có cây mì.

Những tranh chấp và hệ luỵ

Nhiều người dân trước đây có khai phá, tận dụng đất bán ngập trong hồ Dầu Tiếng để canh tác, do làm ăn không có hiệu quả đã bỏ đi từ lâu, hay đã di dời đi nơi khác khi hồ tích nước, đưa vào sử dụng từ năm 1985; nay thấy đất bán ngập Nhà nước vẫn để cho người dân tận dụng, đồng thời hiện nay trồng mì trên đất bán ngập có lợi nhuận khá cao; nên nhiều người đã trở về kiếm người đang canh tác trên diện tích trước đây mình có canh tác để… tranh chấp. Trong 3 năm qua, chỉ riêng ở địa bàn xã Suối Đá, DMC đã có hàng chục người làm đơn yêu cầu chính quyền can thiệp để “đòi” lại đất bán ngập. Một số người dân có diện tích canh tác gần diện tích đang “tranh chấp” do thiếu hiểu biết đã ký vào đơn với tư cách là “người làm chứng” cho bên đi đòi đất. Tất nhiên là chính quyền không thể phân xử việc tranh chấp, vì đất bán ngập trong hồ Dầu Tiếng là tài sản quốc gia, là đất chuyên dùng, hiện tại Nhà nước tạm thời cho người dân tận dụng, khi cần Nhà nước sẽ thu hồi.

Đầu tư chăm sóc, tưới nước cho cây mì đang được nhiều người áp dụng

Trong những năm qua, người dân đang tận dụng đất bán ngập trong lòng hồ để canh tác, cần có vốn đầu tư. Nhiều người đã làm đơn đến chính quyền xã Suối Đá xin xác nhận “có canh tác đất trong lòng hồ Dầu Tiếng” để được Ngân hàng xét cho vay vốn. Việc chính quyền xác nhận cho người dân được vay vốn để đầu tư vào sản xuất là việc làm bình thường, cần thiết, nhưng phải đúng thẩm quyền được giao, thẩm quyền quản lý. Việc xác nhận trên diện tích không thuộc thẩm quyền quản lý là trái với pháp luật về quản lý đất đai; tự làm khó khăn, phiền toái, hệ luỵ cho mình sau này.

  CÔNG  DÂN

 

 

 

Từ khóa:
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục