Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Chỉ cần đạt năng suất mây 1,5 tấn/ha, hằng năm người trồng rừng có thể thu được thêm 9 triệu đồng mà vẫn đảm bảo tăng độ che phủ và sự tăng trưởng bình thường của cây rừng.

Một trong những nguyên nhân làm cho việc trồng rừng ở Tây Ninh gặp khó khăn là do người dân trồng rừng được hưởng lợi quá ít so với các loại cây trồng khác như củ mì, điều, cao su... Mô hình trồng rừng hiện nay khá nghèo nàn, chủ yếu là sao dầu, xà cừ và cây phụ trợ là keo tai tượng. Sau 2 năm đầu có thể trồng xen củ mì, người dân phải chờ 4-5 năm sau mới được thu hoạch 25% số cây keo với giá trị chỉ vào khoảng 7-10 triệu đồng/năm, sau 4 năm lại phải chờ thêm vài năm nữa mới có thu hoạch. Trong khi đó, chúng ta có khá nhiều loại cây có thể trồng xen hay trồng dưới tán cây rừng và đem lại thu nhập hằng năm cho người dân như: tre trúc, các cây họ gừng, các loài thuốc nam và đặc biệt là cây mây nếp (tên khoa học là Calamus tetradactylus).
Mây nếp là loại mây có kích thước trung bình, dẻo dai, được các cơ sở chế biến thủ công mỹ nghệ xuất khẩu rất ưa thích. Trước đây, mây mọc khá phổ biến trong rừng tự nhiên của tỉnh và có giá trị làm tăng độ che phủ cho đất, tăng sự đa dạng sinh học nhưng đã bị người dân khai thác mạnh nên đã trở nên khan hiếm. Chỉ cần đạt năng suất mây 1,5 tấn/ha, hằng năm người trồng rừng có thể thu được thêm 9 triệu đồng mà vẫn đảm bảo tăng độ che phủ và sự tăng trưởng bình thường của cây rừng.
Tiếp thu mô hình của Công ty CP Thương mại Quốc tế và Phát triển nông thôn Việt Nam, Vườn quốc gia Lò Gò -Xa Mát đã trồng thử nghiệm mây nếp dưới tán cây sao dầu và bước đầu đã có kết quả khả quan.
![]() |
Mây nếp giống. |
Hiện nhiều mô hình trồng mây nếp xen canh, chuyên canh đã phát triển tốt ở một số địa phương như: Sơn Tây (Hà Tây), Chợ Mới (Bắc Kạn), Yên Thế (Bắc Giang), Kiến Xương (Thái Bình), Đắk Hà, Đắk Tô (Kon Tum), Đắk Rlấp (Đắk Nông)… Mây nếp dễ trồng, thích hợp với nhiều loại đất, chịu hạn tốt, ít sâu bệnh hại, sớm cho thu hoạch và cho năng suất cao, chi phí đầu tư thấp mà hiệu quả kinh tế lại cao cho nên trong những năm gần đây nhiều địa phương đã phát triển cây mây nếp dưới 3 dạng: trồng xen dưới tán rừng, trồng tập trung chuyên canh hoặc trồng thành đường rào biên để khai thác nguyên liệu mây sợi cung cấp cho các làng nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu. Với 1 ha trồng mây xen gỗ sau 3-5 năm bắt đầu cho thu hoạch trong suốt 15-17 năm tiếp theo. Cứ sau 1 năm thu hoạch, sang năm thứ 2 mây cho sản lượng tăng từ 15-20%, đến năm thứ 5 mỗi khóm đã có thể cho thu hoạch tới 30-50 nhánh vì thế cho sản lượng rất cao (16-30 tấn/ha nếu trồng chuyên canh). Để trồng mây nếp đạt hiệu quả cao, cần chú ý thêm một số điểm sau:
- Cây giống: cây giống có thể gieo ươm từ hạt hay tách chồi từ cây mẹ để trồng khi đã có 3-4 lá thật, thân bắt đầu có gai nhỏ, cao 20-30cm, khoẻ mạnh (16-30 tháng tuổi) hoặc có thể mua cây ươm sẵn với giá khoảng 2.000đ/cây. Thời vụ trồng: nên trồng vào khoảng tháng 6-9 để tận dụng được nguồn nước mưa khi cây mới trồng. Trồng xen dưới tán rừng: đào hố vào giữa hai cây thân gỗ, kích thước 15x20x20cm, mỗi hố trồng 2-3 cây, tức là khoảng 1.000 đến 2.000 cây/ha; lượng phân cần bón hằng năm là 200-500 kg/ha NPK và 10-20 kg urê. Sau trồng từ 4-5 năm bắt đầu cho thu hoạch. Trồng làm đường rào biên: với lượng giống khoảng từ 1.500 cây đến 2.000 cây/100m dài được trồng thành 3 hàng kép. Thu hoạch: chặt cách mặt đất 10cm với những cây đủ tiêu chuẩn khai thác (dài 3-4m để lấy mây sợi dài 2,5-3 m). Bóc vỏ và lôi cây mây ra khỏi khóm nhẹ nhàng để bảo vệ những cây khác còn lại trong khóm. Vệ sinh xung quanh gốc, chặt bỏ những cây nhỏ, yếu và bón thêm phân, tủ gốc để dưỡng cây cho các lứa thu tiếp theo.
NGUYỄN ĐÌNH XUÂN