Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Thời điểm hiện nay, mực nước trong hồ Dầu Tiếng đang tiếp tục xuống thấp, để lộ nhiều diện tích đất bán ngập. Người dân tận dụng đất này để tranh thủ trồng mì. Đây là hoạt động nông nghiệp diễn ra hằng năm, góp phần tạo thu nhập không nhỏ cho nhiều hộ dân.
Hệ thống tưới tại các diện tích đất bán ngập đã được trồng mì trước đó.
Ông Nguyễn Công Quẩn (ngụ xã Suối Đá, Huyện Dương Minh Châu), một hộ dân trồng mì trong hồ Dầu Tiếng nhiều năm qua cho hay, đất này là đất bán ngập thuộc công trình thuỷ lợi hồ Dầu Tiếng, người dân tận dụng đất trống khi nước rút để trồng mì kiếm thêm thu nhập. Người dân tranh thủ trồng mì càng sớm càng tốt để kịp thu hoạch trước mùa nước lên (khoảng tháng 8-12 âm lịch).
Theo ông Quẩn, do người dân đã quen thuộc với cao trình mực nước hồ lên xuống trong năm nên tương đối xác định được (trừ trường hợp mực nước dâng cao bất thường do thiên tai) trồng mì đến đâu sẽ hạn chế tình trạng bị ngập úng. Người dân trồng mì theo mực nước rút, thu hoạch mì theo mực nước lên. Cây mì tại những vị trí vùng đất cao hoặc gần bờ hồ được trồng sớm nhất nhưng lại thu hoạch muộn hơn những diện tích mì trồng sau đó hướng ra lòng hồ.
Nhân công trồng mì trên vùng đất bán ngập.
Chia sẻ thêm về nguồn thu nhập từ việc trồng mì, ông Quẩn cho biết vốn đầu tư cho 1 ha mì trên đất bán ngập đến khi thu hoạch là từ 10-15 triệu đồng, tuỳ theo vị trí đất và loại đất có nhiều cát hay ít cát. Đối với đất có nhiều cát, người trồng mì phải đầu tư thêm phân bón và tưới nhiều hơn. Đó là chưa tính tiền công nhổ mì và xe vận chuyển củ mì đến nơi thu mua. Nếu củ mì được bán với giá từ 2.500 đồng/kg trở lên thì sau khi trừ mọi chi phí, người trồng mì sẽ thu được trên 20 triệu đồng/ha.
“Vùng đất bán ngập trong hồ Dầu Tiếng đã tạo nguồn thu và sinh kế cho rất nhiều người”- ông Quẩn tâm sự.
Trường Lộ