Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Chuẩn bị vào vụ Đông Xuân năm 2008 - 2009, Công ty CP Bourbon- Tây Ninh (SBT) và chính quyền địa phương đã khảo sát, đưa cánh đồng Trảng Đồng Xuồng – Bàu Cối, thuộc ấp Phước Bình 2, xã Suối Đá vào kế hoạch trồng mía theo “mô hình trình diễn” ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất.

![]() |
Ông Trần Bá Diệp bên ruộng mía của mình |
Cánh đồng Trảng Đồng Xuồng – Bàu Cối, thuộc ấp Phước Bình 2, xã Suối Đá (huyện DMC) có gần 50 ha, là vùng thấp, thường xuyên ngập úng. Hằng năm, ngoài trồng lúa một vụ, người dân tranh thủ trồng thêm mì hoặc hàng bông, nhưng thường thất thu vì cây trồng chưa tới lứa thu hoạch đã bị ngập úng. Nhiều năm hoàn toàn mất trắng do mưa nhiều, như năm nay không những mưa sớm, mưa nhiều, hồ Dầu Tiếng giữ lượng nước cao, làm cho mực nước ngầm khu vực này dâng cao chỉ còn cách mặt đất chưa tới 1 mét, trong khi mì phải hết tháng 6 âm lịch mới thu hoạch được. Việc mất mùa do bị ngập úng, làm nhiều người dân đứng ngồi không yên.
Chuẩn bị vào vụ Đông Xuân năm 2008 - 2009, Công ty CP Bourbon- Tây Ninh (SBT) và chính quyền địa phương đã khảo sát, đưa khu vực này vào kế hoạch trồng mía theo “mô hình trình diễn” ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất. Đa số người dân có diện tích đất tại đây rất đồng tình với kế hoạch chuyển đổi sang trồng mía, nhưng do kế hoạch triển khai chậm, đến thời vụ xuống giống, người dân không chờ mà tiếp tục trồng mì và hoa màu khác. Chỉ có 3 hộ “mặn mà” với cây mía nên ráng chờ và đã nhận được sự đầu tư của nhà máy, hiện 3 hộ này có 4,8 ha liền ranh, trồng giống mía K84-200 (giống mía chịu nước, nhiều cây con, ít chết gốc) đang phát triển khá tốt, hứa hẹn mùa bội thu, cho dù có bị ngập úng. Một số hộ khác có đất ở cuối cánh đồng này cũng hợp đồng trồng mía. Ông Trần Bá Diệp, có 2,8 ha ở vùng thấp nhất cuối cánh đồng cho biết: “Nhà máy SBT đầu tư cho mỗi ha 12 triệu đồng, và hỗ trợ 5 tấn ngọn giống, công vận chuyển 30.000 đồng/ tấn mía cây, nếu đăng ký vào “Câu lạc bộ 100 tấn” thì được hỗ trợ thêm 3 triệu đồng. Giá như mọi người dân cùng hợp đồng, có được 30 ha liền ranh cùng trồng mía, thì số tiền đầu tư là 24 triệu đồng/ ha, và được nhà máy dùng máy móc hiện đại giúp các khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch, rồi làm đường, kéo điện”. Theo kinh nghiệm của những nông dân chuyên trồng mía, thì vùng đất cát đen độ ẩm cao rất hợp với giống mía K84-200, nếu đầu tư đúng mức (từ 20 triệu đồng trở lên /ha) thì chắc chắn sẽ đạt năng suất từ 100 tấn trở lên/ ha. Nếu nhà máy bao giá mía nguyên liệu 540.000 đồng/tấn và hỗ trợ các khoản như hợp đồng, thì người trồng mía cầm chắc sẽ thu lời từ 20 triệu đồng/ ha/vụ trở lên.
Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 22/2009/QĐ-UBND về việc hỗ trợ người trồng mía trên địa bàn tỉnh, mỗi ha mới trồng được hỗ trợ 500 nghìn đồng, thời gian tính từ năm 2009 đến hết năm 2011. Đây là một chủ trương thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhằm khuyến khích đối với người trồng mía phát triển loại cây trồng thế mạnh của tỉnh. Ngoài việc khuyến khích người trồng mía bằng vật chất, việc khuyến khích trồng theo hợp đồng đầu tư, trồng liền ranh, với diện tích rộng (từ 30 ha trở lên), để áp dụng các biện pháp KHKT vào quá trình sản xuất là rất quan trọng. Vì kinh nghiệm cho thấy, không thể làm giàu bằng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, lạc hậu.
NGUYỄN CÔNG DÂN