BAOTAYNINH.VN trên Google News

Trống mõ Kỳ yên vang vọng mặt sông Vàm 

Cập nhật ngày: 22/03/2017 - 08:41

BTNO - Không khí náo nhiệt nhưng trang nghiêm của lễ Kỳ yên cũng là ở đây- lễ Đoàn cả dâng cúng phẩm vật lên thành hoàng bổn cảnh. Ở đây, ngoài ngai thờ chính còn có các ban thờ các vị tiền hiền, hậu hiền, tả ban, hữu ban, tiền vãng, hậu vãng và tiên giác.

Nghi lễ dâng cúng đình Thanh Phước.

Nhà văn Sơn Nam, trong sách “Đình miếu và lễ hội dân gian” (NXB TP. Hồ Chí Minh, 1992) có viết về lễ hội Kỳ yên ở các đình Nam bộ: “Ngày đầu, ta quen gọi là Túc yết. Ngày thứ nhì (lễ chính) gọi Đoàn cả… Ban tế tự mặc áo dài đen, khăn đen, y phục nghiêm trang… Nhiều nơi khá giả hơn chủ tế mặc áo tràng, rộng và dài trông như đạo sĩ tu tiên. Lễ tế diễn ra với các tiết mục như tế Nam Giao, gồm ba phần: hiến, á hiến, chung hiến tức là 3 lần hiến rượu lên bàn thần, thêm dâng trái cây, bánh trà. Sau rốt đọc rồi đốt bản văn tế để kết thúc (lễ tất, lễ thành).

Tiếp theo, xây chầu và hát bội…”. Ông cũng trích trong sách “Việt Nam phong tục” của Phan Kế Bính mô tả nghi thức dâng lễ: “Ở Nam Kỳ, khi hiến rượu, hiến đồ ăn, thường có hai người đóng tuồng, mặc đồ nhung trang cầm nến đi trước, kế đến mỗi bên ba bốn con hát, áo mũ rực rỡ, mỗi ả cầm vài nén hương, vừa đi vừa đọc câu chúc hổ, rồi mới đến các người hiến rượu, hiến đồ ăn đi sau. Mà cách đi thì rất ngộ, người nào mắt cũng nhưng nhưng, nháo nháo, nghiêng đầu nghiêng cổ, chân bên nọ đá chân bên kia, làm cho ai lạ mắt cũng phải phì cười, mà họ thì cho thế mới là đi kiểu…”.

Khoan hãy nói đến độ chính xác của đoạn văn miêu tả vừa kể. Mà chuyện mới đây, ta có thể bắt gặp khung cảnh tương tự này ở đình Thanh Phước- ngôi lớn nhất trong các đình làng ở miền hạ Tây Ninh. Đấy là ngày 17 tháng 2 năm Đinh Dậu (14.3.2017)- ngày thứ hai của lễ hội Kỳ yên tại đình này. Ngày hôm trước đã có các mục lễ nghi: thỉnh tro, cúng an vị vào buổi sáng; buổi chiều vào 16 giờ có lễ cầu an của tôn giáo; buổi tối được mở màn bằng phần biểu diễn của đoàn hát bội Kim Minh với vở tuồng Ngũ hổ bình Tây.

Đến đúng nửa đêm, theo lệ cổ là làm lễ Tĩnh sanh Túc yết. Theo giải thích của nhà văn Sơn Nam (Sđd) thì: “Túc yết theo nghĩa túc trực để chờ xin ra mắt (yết kiến) thần thánh” và: “Đúng lý ra, lễ Túc yết cử hành ngay trong đêm nhưng vì sinh hoạt đồng bào địa phương, nên chờ sáng ra mới cử hành”.

9 giờ sáng tôi đến đình, thì lễ Đoàn cả- được coi là chính lễ Kỳ yên tại đình Thanh Phước vẫn đang diễn ra, với trống mõ râm ran, điểm từng đoạn đọc sớ của ông chủ tế. Tiếng mõ điểm nhịp mới đanh, giòn, chắc nịch làm sao! Một cụ trong Ban Quý tế, dáng người cũng chắc nịch cầm dùi đánh mõ, lúc khoan thai lúc lại dập dồn. Cả cái mõ cũng thật là to, đường kính tới 40cm và dài hơn 2m, ngự nghiêm trang trên giá treo ở góc tiền đình.

Không khí náo nhiệt nhưng trang nghiêm của lễ Kỳ yên cũng là ở đây- lễ Đoàn cả dâng cúng phẩm vật lên thành hoàng bổn cảnh. Ở đây, ngoài ngai thờ chính còn có các ban thờ các vị tiền hiền, hậu hiền, tả ban, hữu ban, tiền vãng, hậu vãng và tiên giác. Đình Thanh Phước rất lớn, nên chính đình có tới 5 gian ở phần võ ca, còn gọi tiền đình. Ba gian giữa chính đều có các nhóm gồm vị chủ tế cùng các học trò lễ, đào thài dâng lễ.

Cũng nên “cải chính” những ghi chép ngày xưa của cụ Phan Kế Bính. Rằng đa số đình miếu ở Tây Ninh và đặc biệt là ở đình Thanh Phước- một ngôi đình cổ Tây Ninh thì nhóm “con hát” được dân địa phương gọi là các đào thài luôn đi sau rốt, không phải là đi trước, rồi mới tới “người hiến rượu, hiến đồ ăn đi sau”.

Tại đây, ngoài vị chủ tế quỳ ở chính giữa, thì nhóm học trò lễ gồm có 4 người, hai người cầm nến đi trước và hai người tiếp theo vừa dâng rượu, trà hay quả phẩm, vừa có ngọn nến lung linh cháy sáng đặt kề bên. Và không ai dám: “mắt nhưng nhưng nháo nháo, nghiêng đầu nghiêng cổ” như cụ Phan mô tả. Mắt ai cũng chỉ chăm chú nhìn vào món đồ dâng cúng. Có chăng là chuyện “chân bên nọ đá chân bên kia”- do quy ước của cách đi là phải thế, cốt để tạo nên sự trịnh trọng nhất thiết phải có trong nghi thức cúng tế lễ Kỳ yên.

Nói thêm về trang phục của Ban Quý tế và đoàn dâng cúng, nay không nhất thiết phải là áo dài đen, khăn đen. Như các cụ trong Ban Quý tế đình Thanh Phước và nhiều đình miếu khác thì trang phục phổ biến thường là áo thụng xanh, khăn xanh thắt dây lưng đỏ. Cụ chủ tế và học trò lễ cũng áo thụng nhưng đầu đội mũ đen có dải phía đằng sau. Đào thài phần nhiều là phụ nữ trung niên, mặt hoa da phấn, trang phục cầu kỳ màu vàng hay đỏ. Nhờ thế mà không gian chính đình trong lễ Đoàn cả tạo nên một ấn tượng khó quên.

Màu sắc rừng rực đỏ bởi các bức trướng và các ban thờ đầy ngập vật phẩm và hoa trái. Không gian đầy ắp âm thanh sang trọng của ban nhạc ngũ âm điểm trang tiếng trống mõ nhịp nhàng. Hương thơm bát ngát toả ra từ các bát nhang, lư hương với làn khói xanh mờ cùng hương hoa tươi dịu mát. Tất cả cứ lung linh kết hợp như đưa người xem vào một cõi thực hư nào từ thuở xa xưa.

Cũng cần phải kể thêm, rằng lễ Kỳ yên còn cho người xem một bức tranh phong phú về sản vật của cư dân thôn Thanh Phước, nay đã trở thành một thị trấn sôi động hàng đầu của tỉnh Tây Ninh.

Thôn làng Thanh Phước vẫn còn kia với ruộng, đồng bát ngát. Nhưng đã có một thị trấn được thiết lập từ chính vị trí trọng tâm nhất của làng xưa. Vậy thì có cả những mâm xôi, mâm bánh đầy đặn dâng lên, cùng những heo quay, vịt luộc và nhiều món sản vật khác của làng quê. Ban tổ chức lễ hội đã tôn trọng từng tấm lòng người dâng cúng, gắn bảng đề tên lên từng món quả phẩm.

Nhiều món được tạo hình như một tác phẩm nghệ thuật trưng bày hoa kiểng. Như bàn quả phẩm đề tên “Hậu duệ ông Nguyễn Tấn Phong (Đặng Văn Xê) phụng cúng”. Đấy là một bộ tứ linh đẹp tuyệt kết bằng hoa trái. Lại còn thêm những con nai đang uốn mình đùa nhau dưới bóng tùng. Bên bàn đối diện cũng có một bộ quả phẩm tương tự của một gia đình khác nhưng chỉ tập trung vào mô tả rồng bay, phượng múa. Như vậy khái niệm mà ngày nay gọi là “xã hội hoá” đã được Ban Quý tế đình Thanh Phước áp dụng từ xưa.

Trên cùng bờ sông Vàm Cỏ Đông, ở về phía thượng nguồn cách thị trấn khoảng 10km theo quốc lộ, đình Phước Trạch cũng đang rộn ràng trong ngày thứ hai cũng là ngày cuối cùng của lễ hội Kỳ yên năm nay. Riêng đình Thanh Phước thì theo lệ xưa, lễ hội kéo dài 3 ngày. Cả hai ngôi đình đều thuộc địa bàn huyện Gò Dầu và đều miên man trước mặt một dòng sông tha thiết chảy xuôi về phía hạ lưu. Tiếc cho đình Phước Trạch, trước đình nay có một vựa cát cao như núi, nên ngôi đình đành chịu “khuất mặt”. Dẫu vậy thì âm vang trống mõ lễ Kỳ yên vẫn cứ rền rã làm xao xuyến cả dòng sông lớn mênh mang miền hạ.

TRẦN VŨ