Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Trong ô, ngoài phố tưng bừng Tết vui!
Thứ bảy: 03:18 ngày 01/02/2014

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO)- Chỉ cách trung tâm thành phố Tây Ninh không quá 5km, nên thị trấn Hòa Thành cũng có cái tết vui chẳng kém gì tết thành phố kề bên. Hòa Thành còn là nơi có Tòa thánh, Tổ đình của đạo Cao Đài, nên cái tết còn đượm nhiều màu sắc của tín ngưỡng tôn giáo và dân gian truyền thống.

Người Tây Ninh quen gọi khuôn viên Tòa thánh rộng 100 ha là nội ô Tòa thánh. Nội ô được ngăn cách với ngoại ô bởi gần 4 km tường rào xây và 12 cổng ra vào. Bên ngoài tường rào ấy thì tết vẫn diễn ra như mọi nơi khác, ào ào không khí khẩn trương, bán mua và chuẩn bị tưng bừng cho tết. Cách nội ô chừng hơn cây số là chợ Long Hoa, gần như là ngôi chợ lớn nhất tỉnh Tây Ninh.

Những ngày giáp tết, những con đường vòng quanh chợ và tỏa ra tám hướng hình bát quái cũng ngập tràn hoa. Dù phần lớn hoa đã được tập trung bán ở chợ hoa tết bố trí trên các con đường bao quanh công viên và trung tâm Văn hóa huyện. Nhưng hoa vẫn tràn ra chung quanh phố chợ Long Hoa, nhất là những cây mai vườn rừng rực nụ, bông mới bứng lên từ các nhà vườn, hoặc những bó cành mai trên tay các cô gái long lanh mắt biếc...

Ấy thế mà chỉ sau có một đêm Giao thừa, không khí náo nức, tất bật lo toan ấy thoắt đã biến đi đâu cả. Chỉ để lại một không gian thanh khiết, ngờm ngợp gió xuân và rung rẩy nắng vàng tươi.

Lễ chùa đầu năm

Bạn đã bao giờ được hòa mình trong dòng người toàn áo trắng ngời tinh khiết hay chưa! trong một ngày lễ hội thật đông người? Nếu muốn thì hãy vào Tòa thánh sáng ngày mùng 1 tết.

Còn gì thú vị hơn giữa hây hẩy gió xuân, lại nắng nồng nàn; được hòa vào dòng người rất đông những “Nữ tú, nam thanh” với trang phục toàn những tà áo dài màu trắng. Chỗ nào cũng nhộn nhịp người, xôn xao cười nói... Cũng là những gương mặt còn nặng những ưu tư của ngày ba mươi tết đấy thôi, nhưng sáng nay như đã rũ bỏ hết “bụi trần” để thanh thản đón xuân với tâm linh tín ngưỡng...

Lễ hội này lại chẳng quá đông như dịp đại lễ trong mùng 9 tết hay rằm tháng 8. Mùng một tết, nên cũng chẳng ai bày đặt ba-ri-e cấm cản gì ai, có thể vẫn cưỡi xe máy mà chầm chậm lách qua dòng sông nhân ảnh.

Múa trống Sadăm và Lân, Long Mã.

Kể cho thứ tự, lớp lang là vầy:- vào lúc 6h sáng ngày mùng 1 tết vẫn là lễ cúng Đức Chí Tôn ở Tòa thánh, theo lệ cúng “tứ thời”. Nhưng vào thời khắc thiêng liêng ấy, nên lễ rất đông người. Đền thánh hơn 2.000m2 mà không đủ chỗ cho người đến cúng, nên số đông tín đồ phải quỳ ở ngoài sân.

Bên trong khu vực Cửu Trùng Đài, là rực rỡ những sắc màu đỏ, vàng, xanh của chức sắc các phái lấp đầy các khoảng trống vốn đã rất trang nghiêm và rực rỡ. Cúng xong thì các chức sắc trở về ngôi Giáo Tông đường cùng vị Đầu sư Chưởng quản Hội thánh để cùng nhau chúc mừng năm mới. Trong khi ấy thì đội múa Long mã cùng trống Sadăm đã biểu diễn trên sân trước ngôi Đền thánh thật tưng bừng.

Khoảng 8 giờ sáng thì sân trước đền đã quang trở lại. Nhưng ai đến muộn cũng đừng có ngại, bởi đoàn Long mã- Sadăm ấy còn biểu diễn một lần nữa y như thế ở trước Báo Ân từ- ngôi thờ đức Phật mẫu Diêu trì. Lúc này nắng càng hớn hở, người còn đông vui hơn nữa. Lại thêm vườn kiểng Bá Huê viên đối diện ngôi thờ tự gửi vô số làn hương vào gió. Nên đây mới chính là khi “Tết ơi là tết, Xuân thật là xuân!”

Múa lâm thôn

Màn múa hội xuân bắt đầu với hàng chục nàng tiên Apsara dịu dàng cong chân, xòe tay múa điệu lâm- thôn. Họ là các cô gái ngày thường vẫn chăn bò, se nhang hoặc đổ bánh tráng cùng cha mẹ ở một ấp có người Việt gốc Khmer sinh sống thuộc xã Trường Tây, huyện Hòa Thành. Vậy mà bất cứ lễ hội Cao Đài nào cũng có mặt những “nàng tiên” ấy. Trông thật không khác với các diễn viên của đoàn ca múa Khmer chuyên nghiệp Trà Vinh…

Thế rồi hai chú kỳ lân và long mã xông ra với những bước chân thật nhẹ nhàng mà ung dung đường bệ. Hai linh vật huyền thoại này sẽ được dàn múa Sadăm với hơn hai chục thanh, thiếu niên phò tá tiến vào lễ lạy Đức Diêu trì trước cửa điện thờ.

Kể từ đây, những vũ điệu tuyệt vời thăng hoa, tung tảy trong từng điệu múa. Trống Sadăm lúc cặp đôi, khi lại múa ba, rồi lên từng nhóm bốn, năm người hoặc cả đội lăn vào nhau mà múa. Kỳ lân và long mã, một thì xanh trắng, một lại đỏ vàng đều cõng trên lưng các “bửu vật” buộc lại bằng lụa đỏ ngang lưng, cũng tung vó, rung bờm điệu nghệ.

Người lớn cõng theo trẻ em vây kín trong ngoài, lúc thì thốt lên thích quá đi mất! khi lại ối chà, xoa xuýt…

Diễn viên múa Apsara.

Nhưng nói gì thì nói, đa số các cặp mắt người xem vẫn hướng về các cậu bé múa Sadăm. Họ trang phục quần áo trắng xanh nai nịt gọn gàng như những anh lính thủy, nón gắn một ngù bông đỏ chót. Họ gõ trống bằng đủ các phần cơ thể như bàn tay, cùi chỏ, đầu gối, gót chân cho tới cả đỉnh đầu.

Ồ cái trống! hôm nay cũng lạ lùng sao, như một cậu (hoặc cô) bé con cứ bấu chặt vào người đánh trống. Cậu bé ấy cũng xông xênh váy áo ba màu, phất phơ dải khăn lưng lụa đỏ; chỉ lộ ra cái mặt trống vàng nâu da bò cùng sáng láng ống chân nhôm. Thế rồi người và trống cứ quện vào nhau, lăn lộn trên sân, hoặc tâng lên nhảy lộn qua người bạn múa. Biết bao nhiêu là mảng miếng, biết bao nhiêu là vũ điệu khiến người xem dù có thể năm nào cũng đến, mà vẫn phải tròn mắt ngạc nhiên. Mấy ai đã biết họ chỉ mới 12 đến 16 tuổi, là anh chị em hoặc bạn xóm giềng với những “nàng tiên Apsara” kia đấy!

Ngày thường họ theo mẹ cha lên nương, rẫy hoặc câu cá, chăn trâu. Mỗi khi có lễ hội Cao Đài, hoặc có lời mời từ Trung tâm Văn hóa tỉnh là họ lại trở thành nghệ sĩ. Ấy thế mà đội nghệ sĩ nông dân ấy từng đi dự hội diễn ở nơi này, nơi khác trên cả nước.

Tiết mục trống Sadăm này đã giật nhiều huy chương vàng tại các liên hoan nghệ thuật Khmer dù ở An Giang, hay Hà Nội. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh cũng đã có trình lên Bộ đề nghị màn trình diễn dân gian đặc sắc này là Di sản Văn hóa Phi vật thể cấp Quốc gia. Thế là từ hội xuân năm tới, ta có thể bảo nhau rằng, muốn đi xem một di sản Văn hóa quốc gia; thì hãy đến hội xuân trong Tòa thánh Cao Đài sớm mùng một tết.

Trong khi ấy, ở các phố “ngoại ô” như Cách mạng Tháng tám, Âu Cơ, Lạc Long quân, cửa sáu, cửa bảy đi ra Long Thành Trung, Long Thành Bắc... cũng đã vang lên rộn ràng trống hội xuân của các nhóm, đội múa lân, sư: Người ta có thể đặt hàng, hợp đồng trước với các đội lân nổ tiếng, hoặc là đón chào các tốp múa lân tự do đi phục vụ dọc đường. Ai có nhu cầu thì các đội lân ấy sẽ dừng lại thực hiện các nghi thức múa chúc cho năm mới gia chủ làm ăn may mắn, mọi sự đều phát đạt, hanh thông.

Múa lân, sư ngoài phố

Tuy nhiên, thu hút khách qua đường nhiều nhất vẫn là nhà các gia đình khá giả đã đặt hàng từ trước. Khi ấy thì đội lân sư mới đầy đủ lớp lang, với cả các công cụ hoành tráng đem theo. Thôi thì đầy đủ các chiêu trò đẹp mắt hoặc “thót tim” người nhất: -Lân bám cột đứng leo lên cao ngay mấy tầng lầu, để đoạt cho được cái phong bao của gia chủ đã treo cao chót vót. Lân đu bám rồi nhảy nhót trên lan can sân thượng. Khi dàn giá để múa mai hoa thung dàn ra, thì đấy cũng là lúc người xem phải thót tim nhiều nhất. Trên những cây bắc ngang chỉ vừa đặt bàn chân, những đôi múa lân phải thật nhịp nhàng phối hợp. Kẻ rướn người tung để cho lân có dáng dấp dẻo dai, uyển chuyển và dũng mãnh. Phố xuân lúc ấy mới thật là... phố xuân.

Trang phục cả lân và các võ sĩ đều rực màu đỏ vàng. Trống hội điểm nhịp cho từng màn múa lân sư và võ thuật cũng bởi các tay trống điệu nghệ làm cho cả phố bừng lên niềm vui lan tỏa. Chỉ có hơi phiền một chút. Ai đi qua cũng đứng lại coi, nên có lúc phố nghẹt người. Không sao cả, người đi qua ai cũng được vui lây.

Mấy năm nay, những tốp múa lân đi múa rong, phục vụ cho các hộ buôn bán mặt tiền cũng đã lây lan ra ngoài thị xã (nay là thành phố). Năm nay chắc sẽ nhiều hơn, bởi cũng nhiều hơn các phố rộng, đẹp, khang trang. Ngay từ hai ba tháng chạp đã thấy họ rồi. Một trống hai người kéo đi dọc phố. Thêm ba ông: địa, táo quân múa máy kèm theo một đôi lân. Ai thích thì mời; mà có khi không thích cũng phải chiều thôi! Bởi người ta đã mang toàn vận đỏ đến nhà mình, ai mà từ chối. Và như thế là hội xuân của phố đã hình thành và đem đến một nét xuân đặc biệt cho xứ sở đầy nắng gió đất phương Nam.

Nguyễn Quốc Việt

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục