BAOTAYNINH.VN trên Google News

Trồng rau an toàn: Người trồng chưa thật sự an tâm

Cập nhật ngày: 31/01/2011 - 12:10

Mô hình trồng rau an toàn đang được Nhà nước khuyến khích phát triển nhằm hướng đến những lợi ích mới, phù hợp hơn cho xã hội. Việc sản xuất rau theo mô hình mới này có độ an toàn cao hơn cho người tiêu dùng mà năng suất trồng cũng tăng cao, cây trồng ít bị các loại sâu bệnh hơn. Thời gian qua, mô hình này đã được Hội Nông dân các xã triển khai rộng rãi. Cũng đã có một số tổ nhóm trồng rau an toàn ra đời và bước đầu làm ăn có hiệu quả, tuy nhiên…

Tổ trồng rau an toàn xã Bàu Năng (huyện Dương Minh Châu) có 57 thành viên, được thành lập vào năm 2007. Cho đến nay tổ này vẫn duy trì hoạt động, tạo cuộc sống ổn định cho các thành viên, trong số tổ viên không còn đối tượng nghèo. Tổ họp định kỳ mỗi quý một lần, nhằm trao đổi kinh nghiệm hoặc trợ giúp nhau về giống, vốn, luân phiên vần đổi công cho nhau để giảm bớt chi phí thuê mướn nhân công. Tham gia tổ trồng rau an toàn, các thành viên trong tổ được hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phục vụ cho sản xuất. Trong năm 2010, cả 57 hội viên của tổ đều được vay vốn với tổng số tiền hơn 900 triệu đồng cùng với 27 triệu đồng từ quỹ Hội Nông dân. “Đây là một hình thức gắn kết nông dân với nhau và đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của tất cả các thành viên. Đa số tổ viên đều làm ăn có hiệu quả vì họ là những người đã có nhiều kinh nghiệm trong nghề trồng hàng bông”- ông Phan Văn Bi, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết.

Xã Bàu Năng có 80 hộ chuyên trồng hàng bông từ nhiều năm qua với tổng diện tích khoảng 60 hecta. Ông Hà Văn Khuận, ngụ ấp Ninh Phú, là một trong những người chuyên sống nghề này và đã chuyển sang mô hình trồng rau an toàn từ năm 2007. Ông nhận định: “Trồng rau theo mô hình an toàn có lợi hơn so với trồng rau theo kiểu cũ. Mặc dù chi phí và công sức bỏ ra có cao hơn nhưng bù lại năng suất cũng cao hơn, cây ít bị sâu bệnh hơn”.

Trồng rau an toàn, bà con nông dân vẫn chưa thật an tâm

Ông Khuận có khoảng 2,5 công đất trồng hàng bông theo mô hình trồng rau an toàn, thường mỗi năm ba vụ, ông kiếm được hơn trăm triệu đồng. Ông thường trồng luân phiên đậu rồng và các loại rau. Từ khoảng tháng 9 âm lịch ông chuyển sang trồng cải bẹ sậy phục vụ thị trường dịp Tết. Thời điểm này rau cải được giá hơn. Vụ đầu ông Khuận thu khoảng 8 tấn cải, lời gần 30 triệu đồng. Ông đang tiếp tục vụ thứ hai cho kịp Tết.

Cũng theo mô hình rau an toàn, nửa mẫu đất ruộng trồng đậu bắp của ông Nguyễn Văn Quế ngụ ấp Ninh Bình đang trong thời kỳ cho thu hoạch. Hiện tại giá thương lái mua tại ruộng là 7.000 đồng/kg, với vốn đầu tư chỉ hơn 20 triệu đồng, ông Quế thu về gần trăm triệu đồng.

Tuy nhiên có một thực tế đáng buồn là lợi ích mà người trồng rau an toàn được hưởng vẫn chưa tương xứng với sự mạnh dạn cũng như vốn đầu tư và công sức mà họ bỏ ra. Mùa thu hoạch, thu nhập của nông dân vẫn còn phụ thuộc vào sự thất thường của giá cả, đặc biệt là tình trạng thương lái ép giá. Một điều không công bằng nữa là các loại rau trồng theo mô hình rau an toàn vẫn còn bị đánh đồng với các loại rau trồng không an toàn khác. Chính điều đó khiến cho  nông dân không mặn mà lắm với việc trồng rau an toàn. Ông Khuận than phiền: “Có lúc họ trả giá cao nhưng khi cân rồi lại trả theo giá khác, bằng với giá rau trồng theo kiểu không an toàn”.

Việc tìm đầu ra cho sản phẩm rau an toàn vẫn đang là bài toán khó. Đó cũng là một trong những lý do quan trọng khiến diện tích trồng rau theo mô hình này bị kéo giảm ở nhiều địa phương. Bằng chứng là ở xã Bàu Năng, diện tích rau an toàn hiện đã giảm gần một nửa so với 3 năm về trước, nhường đất cho các loại cây trồng kinh tế hơn như mía, mì, cao su. Hội Nông dân xã Bàu Năng mặc dù rất tích cực vận động nông dân phát triển mô hình trồng rau an toàn nhưng cũng không đủ sức giải bài toán tìm đầu ra ổn định để bà con trồng rau được yên tâm hơn. “Chúng tôi không ký hợp đồng với các công ty tiêu thụ rau an toàn vì điều kiện của họ là quá khắt khe mà với cách làm hiện tại, bà con nông dân khó lòng đáp ứng được. Còn với cách tiêu thụ như hiện tại thì quá thiệt thòi cho người nông dân”- ông Chủ tịch Hội Nông dân xã chia sẻ.

Không biết đến khi nào bà con nông dân nói chung- người trồng rau an toàn nói riêng mới thoát khỏi tình cảnh quanh năm “trầy da phỏng trán” trên đồng để rồi sản phẩm làm ra vẫn cứ  “hên xui nhờ giá”?

NGÔ TUYẾT