BAOTAYNINH.VN trên Google News

Trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP: Hướng đi mới cho nông dân

Cập nhật ngày: 25/05/2013 - 04:17
HTML clipboard

Một hộ trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP ở Long Khánh, Bến Cầu

(BTN) - Theo Quy hoạch vùng rau an toàn, đến năm 2020 toàn tỉnh có trên 3.800 ha sản xuất rau an toàn trải đều 9 huyện, thị. Theo hướng đó, cuối năm 2012, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh tiến hành triển khai mô hình trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại ấp Long Phú, xã Long Khánh, Bến Cầu. Theo dự kiến, đến năm 2015 mỗi huyện, thị sẽ có ít nhất một mô hình điểm về trồng rau theo tiêu chuẩn này.

Tổ sản xuất rau an toàn Thành Đạt tại ấp Long Phú, xã Long Khánh là mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP đầu tiên tại Tây Ninh. Từ tháng 11. 2012 đến nay, các hộ dân tham gia mô hình đã bắt đầu thay đổi tập quán canh tác kiểu cũ để dần đi vào cách sản xuất rau an toàn và khoa học hơn. Mô hình trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại ấp Long Phú, xã Long Khánh hiện có 8 hộ nông dân tham gia với diện tích 2,4 ha chuyên sản xuất các loại rau ăn quả như ớt, cà nâu, bầu, bí đao, dưa leo… Sau khi triển khai mô hình, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đã xúc tiến và cấp giấy chứng nhận cho Tổ sản xuất rau an toàn Thành Đạt. Mỗi tuần, bà con nông dân được cán bộ kỹ thuật trực tiếp hướng dẫn phương thức canh tác phù hợp như bón phân, xịt thuốc, ghi chép nhật ký… Qua 3 vụ sản xuất, người nông dân đang dần quen với cách thức sản xuất mới.

Anh Nguyễn Văn Giảng tại ấp Long Phú có 3 công đất trồng rau ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP. Đã qua ba vụ thu hoạch, anh Giảng cho biết bây giờ mình cũng đã quen với việc trồng rau theo kỹ thuật mới và thành thạo việc ghi chép nhật ký trồng rau theo tiêu chuẩn. Anh cho biết, gần 10 năm trồng rau ăn quả với các loại bí đao, dưa, ớt… anh đã có nhiều kinh nghiệm, nhưng khi được tham gia mô hình, anh nhận thấy có hiệu quả hơn.

Trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP mang lại những hy vọng mới cho người nông dân

Tương tự, anh Võ Văn Thanh  cũng “góp” 3 công đất vào mô hình. Anh cho biết: “Lúc đầu tuy chưa quen với kỹ thuật mới nhưng thấy cũng không khó lắm, mình theo được. Việc trồng rau an toàn chỉ khác là phải tỉ mỉ hơn mà thôi”. Anh Thanh cũng cho biết thêm, với nhiều năm chuyên sống bằng nghề trồng hàng bông, anh cũng đã tham gia nhiều lớp tập huấn trồng rau an toàn nên có thể tiếp thu nhanh những kỹ thuật mới, vì vậy cũng không gặp nhiều khó khăn. “Cái chính là mình muốn làm ra rau quả thật sự an toàn cho người tiêu dùng nên đã quyết định tham gia mô hình”, anh Thanh chia sẻ.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy hiện người nông dân chuyên canh tác các loại rau, quả nông nghiệp đang gặp khó khăn về tiêu thụ sản phẩm. Những nông dân tại đây cho biết, từ trước đến giờ việc tiêu thụ rau quả hầu hết phụ thuộc vào thương lái. “Lái nói giá bao nhiêu thì mình bán bấy nhiêu chứ cũng không biết đâu mà lần”, anh Thanh nói. Đã vậy giá cả lại không ổn định, lên xuống thất thường nên thu nhập của người nông dân cũng không ổn định.

Anh Phạm Văn Cơ- Kỹ thuật viên Phòng Kỹ thuật thuộc Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: “Khi triển khai mô hình này, ngoài việc hỗ trợ kỹ thuật cho người nông dân thì Chi cục còn có vai trò làm cầu nối giữa nông dân và các doanh nghiệp tiêu thụ. Hy vọng trong thời gian tới, việc tiêu thụ sản phẩm sẽ giảm bớt các khâu trung gian để đỡ thiệt thòi cho người nông dân”.

Tổ trưởng tổ sản xuất rau an toàn Thành Đạt- anh Nguyễn Văn Giảng cho biết: “Khi tham gia mô hình thì chúng tôi cũng mong muốn sản phẩm mình làm ra có chỗ đứng ổn định hơn để anh em yên tâm sản xuất”.

Theo định hướng phát triển, đến năm 2015 cả 9 huyện, thị trong tỉnh đều có ít nhất một mô hình sản xuất rau an toàn. Hiện Chi cục BVTV đang tiến hành mở rộng mô hình này tại huyện Gò Dầu và Thị  xã với diện tích ước gần 7 ha. Với những bước đi hiện tại, dù vẫn còn khó khăn nhưng chắc chắn trong tương lai, việc sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP sẽ mang lại cho người nông dân hướng đi mới có hiệu quả và ổn định.

NGÔ TUYẾT

 


 
Liên kết hữu ích