Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Trồng rừng: Ngày càng được người dân ủng hộ
Thứ hai: 05:59 ngày 27/02/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hiện nay, nhờ quá trình tuyên truyền, giáo dục, cũng như hiệu quả từ việc trồng rừng mà người dân ngày càng nâng cao nhận thức, nhiệt tình ủng hộ.

Lực lượng bảo vệ rừng xem lại bản đồ rừng trồng tại tiểu khu 58.

Thực hiện Quyết định số 3133 ngày 19.11.2021 của UBND tỉnh phê duyệt dự án trồng cây phân tán; Kế hoạch số 1556 ngày 17.5.2022 của UBND tỉnh về thực hiện Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” (do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) trên địa bàn tỉnh; hằng năm, Chi cục Kiểm lâm đã phân bổ cây trồng cho các cá nhân, tổ chức, đơn vị thực hiện, trong đó có Ban Quản lý khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng (BQL).

Năm 2022, BQL đăng ký 11.500 cây giống để trồng phân tán, gồm các loài cây keo, giáng hương, sưa. Cây được trồng tại các khu vực trên hành lang giao thông, ven kênh, mương, bờ lô rừng trồng, trong khuôn viên trụ sở, các chốt, trạm bảo vệ rừng.

Việc trồng cây phân tán đã tận dụng triệt để quỹ đất và lao động, góp phần tạo nguồn gỗ, tăng thu nhập cho người lao động, nâng cao độ che phủ, tạo cảnh quan môi trường; bảo vệ môi trường sinh thái, đất đai, các bờ kênh, khu vực có nguy cơ sạt lở cao, phòng hộ sản xuất nông nghiệp.

Ngoài ra, hằng năm, căn cứ vào quỹ đất quy hoạch trồng rừng, BQL xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyên truyền, vận động người dân nhận khoán trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ, phòng chống cháy rừng trồng. Đây cũng là nhiệm vụ được thực hiện theo Quyết định số 3922 ngày 31.12.2021 của UBND tỉnh phê duyệt Phương án quản lý rừng bền vững của BQL giai đoạn 2021-2030.

Hiện nay, nhờ quá trình tuyên truyền, giáo dục, cũng như hiệu quả từ việc trồng rừng mà người dân ngày càng nâng cao nhận thức, nhiệt tình ủng hộ. Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ không chấp hành chủ trương chung của tỉnh về công tác này, sử dụng đất sai mục đích.

Do vậy, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1573 ngày 10.7.2017 về việc ban hành kế hoạch xử lý vi phạm trồng cây nông nghiệp trái quy định trên đất quy hoạch lâm nghiệp. Quyết định này được áp dụng tại khu rừng văn hoá - lịch sử Chàng Riệc và khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng. Mục đích là xử lý toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp đang trồng cây nông nghiệp trái quy định, chuyển sang trồng lại rừng, bảo vệ và khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên theo quy hoạch.

Tính đến nay, BQL đã tổ chức trồng, chăm sóc, bảo vệ 7.326,16 ha rừng trồng và đều thực hiện giao khoán cho người dân. Trong giai đoạn năm 2023-2025, BQL sẽ tiếp tục tổ chức trồng 1.000 ha rừng theo kế hoạch của cả giai đoạn. Về trình tự, thủ tục giao, nhận khoán, quyền và nghĩa vụ các bên được thực hiện đúng theo quy định liên quan.

Việc trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng bảo đảm đúng kỹ thuật, đúng loại cây và mật độ theo các mô hình được UBND tỉnh phê duyệt. Về đơn giá trồng mới và chăm sóc rừng trồng từ năm 2021, trong thời gian kiến thiết cơ bản (4 năm đầu tiên), Nhà nước bảo đảm đầu tư từ 29.502.000 đồng đến 38.124.000 đồng tuỳ theo mô hình cho mỗi héc-ta rừng trồng; đồng thời được trồng xen cây nông nghiệp ngắn ngày trong 3 năm đầu mà không làm ảnh hưởng đến sự phát triển cây rừng.

Từ năm thứ 5 trở đi, Nhà nước bảo đảm hỗ trợ phòng, chống cháy rừng trồng từ 1.027.000 đồng đến 1.460.000 đồng, tuỳ theo mô hình cho mỗi héc-ta (theo Công văn số 2687 ngày 9.8.2021 của UBND tỉnh về định mức hỗ trợ phòng chống cháy rừng trồng trên địa bàn tỉnh…).

Ngoài ra, Nhà nước còn hỗ trợ khoán bảo vệ rừng 300.000 đồng/ha/năm. Đối với mỗi héc-ta rừng trồng, hộ nhận khoán cũng được bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng chi trả hơn 200.000 đồng/ha/năm (tuỳ theo từng năm). Cùng với đó, toàn bộ sản phẩm được khai thác từ cây phụ trợ rừng trồng như gỗ, củi, mủ cao su… thì hộ nhận khoán được hưởng lợi toàn bộ.

Ông Phạm Chí Trung- Giám đốc BQL khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng cho biết, từ khi Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” được triển khai thực hiện đã dấy lên phong trào trồng cây gây rừng tại địa phương, trong đó có cán bộ, lực lượng bảo vệ rừng thuộc BQL. Hiện nay, BQL cũng đã thực hiện xong kế hoạch trồng rừng năm 2022 và chuẩn bị triển khai kế hoạch năm 2023. Có thể thấy, việc trồng rừng (phân tán và tập trung) đem lại nhiều lợi ích, BQL mong rằng người dân và các tổ chức trên địa bàn tiếp tục lan toả phong trào này.

Ông Trung còn cho hay, BQL thường xuyên đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền về các quy định, chính sách, lợi ích trong việc trồng rừng cho người dân trên địa bàn. Hiện nay, hầu hết người dân đều hiểu rõ những vấn đề liên quan đến rừng trồng, quan tâm ủng hộ và thực hiện theo chủ trương chung của tỉnh.

Quốc Sơn

Tin cùng chuyên mục