Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Trồng rừng sai mô hình, thiết kế tại khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng
Thứ ba: 20:30 ngày 10/04/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Theo Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, năm 2017, về cơ bản, tỉnh đã hạn chế được các vụ phá rừng, lấn chiếm mới đất lâm nghiệp; không xảy ra cháy rừng, nhiều diện tích khoanh nuôi tái sinh đã thành rừng.

Trong năm, các lực lượng chức năng đã phát hiện 151 vụ vi phạm quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản (giảm 21 vụ so với cùng kỳ năm 2016); đã xử lý 144 vụ (xử phạt hành chính 140 vụ, xử lý hình sự 4 vụ), trong đó phá rừng trái pháp luật 7 vụ- giảm 1 vụ so với năm 2016, chủ yếu xảy ra ở khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng.

Diện tích trồng mới rừng theo kế hoạch năm 2017 là 199 ha, trong đó trồng rừng thay thế 99 ha, trồng rừng phòng hộ, đặc dụng 100 ha. Năm 2017 đã trồng 114 ha, đạt 57,3% kế hoạch (Ban quản lý khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng 88 ha; Ban quản lý khu rừng văn hoá - lịch sử Chàng Riệc 18,8 ha; Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát 7,2 ha). Nguyên nhân chủ yếu rừng trồng không đạt kế hoạch là do việc triển khai thực hiện xử lý vi phạm trồng cây nông nghiệp trên đất quy hoạch lâm nghiệp còn chậm; và do một số rừng đã trồng trễ vụ không bảo đảm mật độ, chất lượng nên chưa được nghiệm thu.

Diện tích rừng trồng phòng hộ, đặc dụng đã được chăm sóc năm 2017 là 726 ha, đạt 100% kế hoạch. Nhìn chung, các đơn vị chủ rừng đã thực hiện khá tốt các công đoạn chăm sóc rừng, trồng giặm, bổ sung đủ mật độ; kiểm tra, kiểm soát tốt việc chuẩn bị cây giống đưa vào trồng rừng, bảo đảm số lượng, chất lượng, tỷ lệ sống cao.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo, tổng số vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng tuy có giảm so với cùng kỳ năm 2016 nhưng các hành vi vi phạm- nhất là hành vi trộm cắp, vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép, phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp vẫn chưa được ngăn chặn triệt để.

Các đơn vị được giao quản lý, bảo vệ rừng chưa đề ra được các biện pháp ngăn chặn hiệu quả đối với các đối tượng có hành vi, thủ đoạn phá rừng tinh vi như: cưa một phần thân cây để cây tự ngã đổ; bơm thuốc, lột vỏ gốc làm cho cây rừng chết dần; đốt, lấn chiếm dần vào đất lâm nghiệp; công tác điều tra, xác định đối tượng, chứng cứ để xử lý còn chậm.

Một số hộ nhận khoán trồng, chăm sóc rừng trồng ở khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng chưa thực sự quan tâm đến công tác trồng giặm, bổ sung cây rừng cho đủ mật độ; thậm chí có 1 số hộ chưa tuân thủ đúng quy định về mô hình, thiết kế trồng rừng, tự ý đưa một số loài cây vào trồng sai mô hình ban đầu. Tuy nhiên, ban quản lý rừng không phát hiện để kịp thời xử lý, ngăn chặn, khắc phục.

 Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững cho biết, trong năm 2018, tỉnh nỗ lực kéo giảm số vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng xuống 30% - 35% so với năm 2017; thực hiện có hiệu quả kế hoạch phát triển lâm nghiệp bền vững…

Riêng đối với việc xử lý, khắc phục các trường hợp trồng rừng sai mô hình, thiết kế tại khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng, Sở NN&PTNT (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo) chỉ đạo Ban quản lý rừng phòng hộ Dầu Tiếng có kế hoạch khắc phục đúng quy định; lộ trình năm 2018 khắc phục ít nhất 30% diện tích sai phạm và hoàn thành trong năm 2019.

GIANG HÀ

data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục