BAOTAYNINH.VN trên Google News

Trồng rừng theo mô hình đã được phê duyệt: Cần thực hiện nghiêm để tránh sự so bì  

Cập nhật ngày: 30/05/2021 - 17:52

BTNO - Việc thu hồi các diện tích đất lâm nghiệp bị bao chiếm (nhằm trồng cây nông nghiệp) để chuyển sang trồng rừng theo mô hình đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt là vấn đề cần phải được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định, không để xảy ra tình trạng trồng rừng sai mô hình hoặc tiếp tục phát sinh các hành vi gây nguy hại đến cây rừng, dẫn đến hậu quả khó xử lý về sau.

Vườn cây cao su của ông Út Nính được trồng bên dãy rừng tự nhiên tại Tiểu khu 59.

Thực hiện nghiêm việc này nhằm tạo sự công bằng giữa các hộ có hợp đồng trồng rừng, tránh sự so bì như ý kiến của một người dân: “đa số hộ đã chấp hành trồng rừng đúng quy định; trong khi vẫn còn có hộ trồng rừng chỉ để đối phó, tiếp tục trồng cây nông nghiệp nhiều hơn cây rừng trên đất lâm nghiệp, việc này là chưa công bằng”.

Thực tế, tại Tiểu khu 59 và Tiểu khu 58 thuộc Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng đang tồn tại một số trường hợp trồng rừng chưa đúng mô hình đã được phê duyệt. Cụ thể, tại Tiểu khu 59, khu vực giáp sông Sài Gòn (đoạn gần chốt bảo vệ rừng) đang có nhiều ha cao su của ông Út Nính (ngụ ấp Suối Bà Chiêm, xã Tân Hòa, huyện Tân Châu) được trồng nhiều hơn số cây rừng so với mô hình đã phê duyệt. Theo ghi  nhận, tổng diện tích cây cao su có thể hơn 5ha, trong khi chỉ có vài hàng cây tràm và cây dầu được trồng trên phạm vi đất liên quan.

Tại khu rừng trồng nhiều năm tuổi thuộc tiểu Tiểu khu 58, hiện có khoảng 2ha mì được trồng “khuyết sâu” vào rừng. Một cạnh đám mì giáp dòng suối thông ra hồ Dầu Tiếng, ba cạnh còn lại giáp rừng trồng chủ yếu cây sao (đường kính khoảng từ 20 đến 30cm). Đám mì này còn được đặt hệ thống tưới phun bằng ống nhựa khá bài bản.

Một số cây sao đã chết tại vị trí trong đám mì và giáp bìa rừng hiện trạng

Hầu hết diện đất trồng cây mì là đất trống, không còn nhiều cây rừng như xung quanh, chỉ còn vài cây sao cỡ lớn đứng trơ trụi tại một số điểm trong đám mì. Trong đó, đa số cây đã chết khô, có cây còn sống, cây đang vàng lá... chết dần.

Qua quan sát dưới gốc những cây đã chết và đang vàng lá, tác giả bài viết phát hiện thấy có dấu tác động của con người. Một người dân địa phương cho hay, đám mì trên là của ông Phi, chưa rõ ngụ ở đâu.

Vì sao những cây rừng xung quanh đám mì đều phát triển xanh tốt (tại thời điểm ghi nhận vào ngày 28.5.2021), riêng một số cây rừng trong và giáp diện tích trồng mì thì chết khô, chết dần. Mặt khác, một dãy rừng trồng nhiều năm tuổi trải dài như hiện trạng thì tại sao lại có một “chỗ khuyết” với diện tích rộng đến khoảng 2ha để người dân trồng mì như vậy?

Nhiều cây tràm bị chết cháy cặp đám mì của ông Phi.

Trao đổi qua điện thoại với ông Vũ Anh Đức- Phó Giám đốc Ban quản lý Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng, bước đầu ông Đức xác định diện tích trồng cây cao su của ông Út Nính là sai mô hình trồng rừng theo quy định. Vụ việc đang được Ban quản lý từng bước xử lý, khắc phục.

Đối với diện tích khoảng 2ha mì trồng tại Tiểu khu 58 đã bị người dân bao chiếm từ lâu, ông Phi mới trồng mì sau này, Ban quản lý đã biết và cho trồng giặm cây rừng hằng năm... Riêng vấn đề cây rừng tại khu vực rẫy mì có dấu hiệu tiếp tục bị chết như phóng viên đề cập, Ban quản lý sẽ cho kiểm tra, làm rõ.

Quốc Sơn