Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Trong sáng như trăng
Chủ nhật: 13:38 ngày 28/04/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - mẹ nó an tâm trở về nhà. Nhìn lên bầu trời, vầng trăng toả sáng giữa muôn ngàn vì sao lấp lánh. Mẹ nó nghĩ tâm hồn trẻ thơ trong sáng như trăng vậy.

1

Bà ơi! Trải nệm ra ngoài đây nằm đi bà!

Chẳng biết nó đọc câu chuyện gì trong sách nên muốn thay đổi cách xưng hô. Nó gọi bà ngoại bằng “bà” chứ không kèm theo tiếng “ngoại” phía sau. Ðồng thời đề nghị bà ngoại gọi nó bằng câu trìu mến: “Cháu ngoan của bà!”. Vậy là hai bà cháu cứ thế mà xưng hô.

Ngôi nhà của ngoại nó cửa chính quay về hướng Ðông Nam. Tối nào bà cũng trải tấm nệm mỏng ra hàng ba nằm hóng mát gió trời. Nó thích thú được nằm cùng bà trò chuyện cho đến khi chị gió vuốt ve nhè nhẹ êm êm khiến nó buồn ngủ thì hai bà cháu mới vô nhà.

Nhìn xa xa trên bầu trời, những ngôi sao lấp lánh như những viên kim cương. Có hôm đang nhìn sao, bỗng có một ngôi sao trong đám sao phía bên nhà bà Hai bay đi nhanh như tia chớp rồi biến mất. Bà nói đó là sao xẹt. Những đêm sáng trăng, nhìn lên bầu trời thấy mặt trăng như cái mâm vàng toả ánh sáng như ban ngày. Bà ơi! Trên mặt trăng có cái gì trong đó vậy bà? Trong mặt trăng có chú Cuội ngồi gốc cây đa. Chú Cuội ngồi gốc cây đa chi vậy bà? Ðợi chị Hằng Nga. Nó là đứa hay hỏi. Nó hỏi, hút thuốc lá có hại, sao người lớn cứ hút hoài? Sao Nhà nước hổng cấm sản xuất thuốc lá, hả bà? Bà ậm ừ rồi bảo nó ngủ đi, hỏi nhiều quá!

Mẹ nó - công nhân may. Ba nó - thợ hớt tóc. Lúc trước tiệm hớt tóc của ba nó đắt khách. Từ khi chủ lấy lại mặt bằng, ba nó phải tìm nơi khác thuê mặt bằng để mở tiệm hớt tóc. Làm chỗ mới chưa quen khách lại bị lấy lại mặt bằng. Dời mãi… mất khách. Hai vợ chồng làm chẳng đủ tiền nuôi con đành gửi hai chị em nó về quê cho ông bà ngoại chăm. Ba mẹ nó ở lại Sài Gòn đi làm, thỉnh thoảng về thăm vào những ngày lễ, ngày tết. Mỗi lần về mấy mẹ con bịn rịn…

Nhớ lần đầu về thăm, khi thấy mẹ mặc đồ đẹp (quần tây áo sơ mi) là nó biết mẹ sắp quay lại Sài Gòn. Ðôi tay nhỏ xíu của nó ôm chân mẹ thật chặt. Khóc. Mẹ, ở nhà với con… Nó ôm khư khư chân mẹ, không cho mẹ đi. Nó không muốn xa mẹ chút nào! Mẹ nó cũng vậy. Vì cuộc sống mưu sinh đành bóp bụng xa con. Không dứt ra được, mẹ ôm nó vào lòng vỗ về: “Thôi mẹ không đi. Lên võng mẹ ru ngủ”. Nó vui hớn hở, nhoẻn miệng cười, đưa mu bàn tay lên quẹt nước mắt lia lịa. Ðã lâu lắm rồi nó không được mẹ ru, nó cảm thấy hạnh phúc nằm ngoan trên võng, lời ru như gió mát trên cánh đồng đưa nó vào giấc ngủ say. Mẹ khẽ hôn lên trán nó, đôi mắt ngấn lệ nhẹ nhàng rời võng.

Tỉnh dậy. Ngó dáo dác không thấy mẹ đâu. Nó gọi thảng thốt: “Mẹ ơi! Mẹ!”. “Mẹ đi làm rồi!”. Bà ngoại nói chưa dứt câu nó khóc thét lên, giận dữ: “Mẹ nói dối con… Mẹ dụ cho con ngủ, mẹ bỏ mẹ đi. Hu… hu...”. Bà ngoại dỗ dành: “Nín đi! Ngoại nói con nghe nè. Mẹ ở đây với con làm sao có tiền mua gạo nấu cơm cho con ăn, mua áo quần cho con mặc? Con muốn no hay muốn đói?”. “Con muốn… đói…”. Ông bà ngoại cười ngất.

Gạt nó được một lần. Những lần sau về thăm, biết không thể gạt con được nữa nên mẹ ôm nó vào lòng thủ thỉ: “Con để mẹ đi làm có tiền về nuôi con với chị. Chứ mẹ ở nhà với con làm sao có tiền mua gạo ăn. Ông bà ngoại đâu có khả năng nuôi hết nhà mình. Con muốn ba với mẹ bị đói hôn?”. “Hông!”. “Vậy con cho mẹ đi làm nghen! Lâu lâu mẹ về thăm hai chị em con”. Nó làm thinh, nét mặt đăm chiêu có vẻ suy nghĩ lung lắm. Một lúc sau mới gật đầu bằng lòng. “Mẹ đi con buồn hôn?”. “Mẹ đi con buồn… nhưng… con cho mẹ đi”. Mẹ nó ôm hai chị em vào lòng hôn lấy hôn để, rân rấn nước mắt bước vội. Nó đứng trước hàng ba, hai tay ôm cột nhà buồn thiu nhìn theo dáng mẹ xa dần… xa dần…

2

 Thương hai đứa nhỏ có cha mẹ mà như không có, ông bà ngoại cho mấy thước đất kế bên nhà bảo ba mẹ nó về cất nhà ở. Chồng hớt tóc, vợ nhận hàng may gia công tiện thể chăm sóc con, không thể xa chúng mãi. Vợ chồng bàn nhau bán nhà (chính xác là bán hơn hai chục mét vuông đất ông bà nội cho ba mẹ nó cất cái chòi lá để ở). Tiền bán đất về quê cất nhà còn dư chút đỉnh thì làm vốn mở tiệm hớt tóc. Nghe ba mẹ tính vậy, nó mừng lắm. Nó hỏi bà ngoại: “Mẹ con xây nhà, rồi… mình có ăn cơm chung hôn bà?”. “Có nhà rồi thì nhà ai nấy ăn”. “Thôi… ăn vậy buồn lắm!”. Mẹ Hai nó cười đề xuất: “Vậy thì con bưng cơm nhà con qua đây ăn chung”. Mắt nó sáng lên: “Ðược! Con thấy vậy được đó” (nó gọi dì Hai bằng mẹ Hai).

Nhà nó xây xong, ba nó ra tiệm hớt tóc bữa đắt, bữa ế, mẹ nó nhận hàng may gia công đem về may tại nhà. Bốn giờ sáng, gà còn ngủ trong chuồng, mọi người vẫn say giấc thì mẹ nó đã ngồi may. May không nghỉ trưa. May tới mười một giờ đêm mới đi ngủ. Làm cật lực như trâu cày cũng không được bao nhiêu tiền.

Bà ngoại vừa chuẩn bị dọn cơm đã thấy nó xuất hiện, cười tủm tỉm với cái tô cơm trên tay. Ông ngoại chọc: “Có nhà rồi thì về bển ăn chứ qua đây ăn ha?”. Nó thiệt thà đáp: “Nếu ông ngoại cho ăn thì con ăn, ông ngoại không cho thì con về nhà con”. Nó quay gót thì bà ngoại gọi: “Ðem tô đây! Ăn gì bà bỏ (cho)?”. “Bà bỏ gì cũng được”.

Bà ngoại xé thịt trộn đều với cơm, gắp thêm thức ăn mỗi thứ một ít cho vào tô cơm. Nó hí hửng bưng tô cơm chạy về khoe mẹ. Mẹ rầy: “Mình có nhà rồi thì ăn cơm nhà mình, không ăn cơm của bà ngoại nữa nghe hôn!”. “Mẹ biết vì sao con ăn cơm của nhà ngoại hôn?”. Nó giải thích, vì thấy ba mẹ làm chưa có tiền nên con ăn thức ăn của ông bà ngoại cho đỡ tốn tiền mẹ. Nó dặn mẹ từ mai trở đi đừng nấu phần cơm cho nó, để nó qua nhà ngoại ăn cho đỡ tốn cơm.

Mẹ nó cười, thử ý: “Con qua rồi ông ngoại không cho ăn thì sao?”. Nó trả lời quả quyết: “Nhưng bà ngoại cho!”. “Sao con biết bà ngoại cho?”. “Con biết. Bà cưng con lắm. Ông ngoại đi rẫy, ở nhà bà thế nào cũng lấy cơm cho con ăn hà. Hôm đó bà đang đút cơm cho con, ông ngoại ở rẫy về thấy, ông ngoại rầy. Bà nói nhỏ, biểu con ra nhà mát bà đút cho ăn”. Nó “lẻ mẹ” ngủ với bà ngoại từ lúc lên ba bởi vậy nhõng nhẽo với bà dữ lắm.

Từ mẫu giáo cho đến lớp hai, một tay bà đưa đón nó. Bữa cơm nào bà cũng đút ăn. Mẹ Hai thấy vậy, rầy: “Lớn rồi tự ăn chứ sao để ngoại đút. Ngoại nuôi con nữa lớn con làm gì cho bà ngoại nhờ?”. “Thì… con nuôi bà, bà già ăn hổng được thì con đút cho bà ăn”. Nó nói với bà nữa lớn nó mần nuôi ông bà ngoại, nuôi ba mẹ, nuôi mẹ Hai vì mẹ Hai không có con, ở một mình.

Hôm nào nhà ngoại có thức ăn ngon nó không quên xin thêm một phần cho chị. Hôm bữa, bà ngoại chấy thịt cút vàng ruộm, thơm ngậy. Nó xin thêm đem về cho chị. Bà ngoại nói: “Ngoại nuôi một mình con thôi chứ nuôi chị nữa ha? Ngoại nuôi đâu nổi”. Nó nằn nì: “Tội nghiệp chị lắm. Chị hổng có gì ăn. Cho chị ít thôi cũng được. Hen bà!”. Trêu nó vậy thôi chứ bà ngoại cũng cho thêm một miếng để nó đem về cho chị. Nhìn nó hăm hở mang thức ăn về nhà thấy mà thương. Cái thằng thảo ăn.

3

Trưa nào cũng vậy, hễ thấy ông ngoại từ rẫy về nó vội vàng làm nước cho ông ngoại uống. Nhỏ xíu vậy mà giỏi. Khi thì nước tắc, khi thì cà phê đá. Mỗi lần làm nước cho ông ngoại, nó không quên hỏi từng người, ba mẹ uống gì, mẹ Hai uống gì, chị uống gì, để con làm cho. Con trai mà siêng hơn chị, biết quan tâm đến mọi người nên ai cũng cưng. Chị nó than phiền với bà nội rằng nhà ngoại ai cũng cưng em nó.

Suốt từ trưa đến giờ bà nằm nhắm mắt li bì. Nó rờ trán… Nóng quá. “Bà ơi bà bịnh hả bà?”. Bà thều thào “ờ”. Nó tìm khăn nhúng nước lau mặt, lau cổ rồi đắp khăn lên trán bà cho bớt nóng. Xong. Nó chạy về nhà bảo mẹ nấu cháo cho bà ăn đi, bà bệnh rồi. Nó đứng nhìn tủ thuốc của mẹ Hai gắn trên vách nhà ngoại… thuốc tây, tàu có đủ. Mỗi khi nó nóng, nhức đầu là tìm mẹ Hai xin thuốc, uống vào bớt ngay.

Nhớ hôm anh thợ xây nhà bị đau bụng tiêu chảy, mẹ Hai cho mấy viên thuốc tàu uống vô là cầm ngay. Mẹ Hai nó như một y tá gia đình vậy. Nó nhắc ghế đứng lên, mở tủ thuốc tìm kiếm… Thuốc này là thuốc tiêu cốm, còn đây là thuốc “cảm mạo bốn mùa” mẹ Hai thường uống mỗi khi đi mưa bị cảm, nó đọc phần chủ trị thấy trong đó trị nhức đầu, nóng sốt, sổ mũi… Nhưng bà ngoại nóng chứ không nhức đầu, nó không biết bà uống được thứ nào nên không dám cho uống. Hôm nay bà bệnh mà mẹ Hai nó đi chấm thi tới chiều mới về. Nó trông đến sốt ruột.

Mặt trời di chuyển xuống tới ngọn dừa rồi thấp dần… lơ lửng trên hàng tầm vông xa xa. Vạt nắng chiều lách qua vòm lá, đậu xuống thềm nhà ngồi bên cạnh nó chờ mẹ Hai về. Thoáng dáng mẹ Hai ngoài ngõ nó chạy sang báo tin bà bệnh. Mẹ Hai rờ trán bà, liền đưa bà đi bác sĩ khám bệnh ngay.

Chiều nay mẹ nó đi giao hàng. Vải mới nhập về, thợ cắt chưa kịp cắt ra áo nên mẹ nó được rảnh tối nay đi ngủ sớm. Nó vui lắm. Ðêm nào mẹ cũng may tới khuya, hai chị em nó ngủ lâu rồi mà mẹ vẫn chưa đi ngủ. Mẹ nghiêng người ôm nó vào lòng. Nó cảm thấy ấm áp và hạnh phúc trong vòng tay yêu thương của mẹ.

Tí! Con đâu rồi? Tí? Ba nó ở phòng bên cạnh. Nghe tiếng gọi hốt hoảng của vợ lật đật tốc mùng chạy ra khỏi phòng, hỏi: “Gì vậy em? Ðầu hôm mẹ ôm nó vào lòng ngủ. Nửa đêm thức giấc, có cảm giác trống trống trước bụng, mẹ nó mở mắt nhìn trên giường  thấy chị nó ôm gối ôm ngủ say, còn nó không thấy đâu. Giở mùng nhìn coi nó có ngủ thụt lùi bị lọt xuống đất không? Không thấy. Ba mẹ nó đâm lo. Khuya vầy nó đi đâu? Hay là…

Ðêm khuya tĩnh lặng. Nhà nhà chìm trong giấc ngủ. Ngoài sân chỉ có tiếng côn trùng kêu ri ri trong bụi cây, đám cỏ nào đó; sương rơi trên tàu chuối kêu “lộp bộp”. Ánh trăng lặng lẽ rọi theo bước chân ba mẹ nó sang nhà ngoại.

Nhà ngoại im ắng, chắc bà đã ngủ say. Ngập ngừng, đắn đo một lúc mẹ nó rụt rè đưa tay gõ cửa “Cộc!...Cộc! Cộc!”. Mẹ Hai nó thận trọng bước nhẹ đến gần cửa, hé rèm xem ai gõ cửa. Nhờ ánh trăng rọi vô thềm nhà sáng như pha đèn nên mẹ Hai nhận ra ba mẹ nó ngay, liền mở cửa. Ủa! Chị hai ngủ với má hả? Ừa. Khuya lắc khuya lơ hai vợ chồng bây qua đây chi vậy? Thằng Tí có qua đây hôn chị? Dạ. Con nè mẹ! Sao con qua ngoại mà không nói cho mẹ biết, làm ba mẹ lo? Con thấy mẹ ngủ ngon nên con để mẹ ngủ. Con có viết giấy “con qua nhà ngoại ngủ” để trên bàn máy may của mẹ đó.

Tối nào ông ngoại cũng xuống rẫy ngủ giữ vườn. Bà ngoại ngủ ở nhà một mình. Các cậu gọi điện về dặn nó thường xuyên ngủ với bà ngoại cho ngoại đỡ buồn. Nó hứa ngủ luân phiên, một đêm ngủ với mẹ, một đêm ngủ với ngoại. Tối nay đúng ra là ngày nó ngủ với mẹ, bà bệnh để ngủ một mình nó không an tâm. Nó muốn ngủ với bà nhiều hơn. Nó lý giải rằng mẹ còn trẻ nó còn ngủ lâu dài, còn bà ngoại già sắp chết (ý muốn nói ngoại già sống không lâu bằng mẹ) nên con muốn ngủ với bà nhiều hơn.

Nó rờ trán bà thăm chừng coi có sốt nhiều không? Bớt nóng rồi! Nó mừng thầm, kéo mền đắp kín thân bà, an tâm nằm xuống ngủ tiếp...

Ba mẹ nó an tâm trở về nhà. Nhìn lên bầu trời, vầng trăng toả sáng giữa muôn ngàn vì sao lấp lánh. Mẹ nó nghĩ tâm hồn trẻ thơ trong sáng như trăng vậy.

P.T.T.A

data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục