BAOTAYNINH.VN trên Google News

Trục lợi trong thiên tai, dịch bệnh là hành vi đáng lên án 

Cập nhật ngày: 15/09/2024 - 11:17

Dù là phương thức, thủ đoạn nào, động cơ hay mục đích ra sao thì hành vi trục lợi trong lúc thiên tai, dịch bệnh cũng rất đáng trách, đáng lên án, vi phạm pháp luật, cần phải xử lý nghiêm khắc.

Con người Việt Nam có lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần "tương thân tương ái". Mỗi khi đất nước xảy ra thiên tai, dịch bệnh, những sự cố gây tổn hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của con người thì tinh thần tương trợ, giúp đỡ, chia sẻ của cộng đồng lại càng được nhân lên mạnh mẽ. Bên cạnh đại đa số những người tham gia hoạt động cứu trợ, từ thiện hoàn toàn bằng cái tâm trong sáng, vì đồng bào, đồng chí, vì nỗi đau của đồng loại thì cũng xuất hiện không ít trường hợp lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để trục lợi.

Trước những thiệt hại lớn về người và tài sản do cơn bão Yagi, lũ lụt, sạt lở gây ra ở nhiều tỉnh miền Bắc nước ta, người dân cả nước đã chung tay cùng lực lượng chức năng, chính quyền các địa phương bị thiệt hại cứu trợ, giúp đỡ bà con. Bên cạnh tinh thần “lá lành đùm lá rách", "lá rách ít đùm lá rách nhiều” và tình đồng bào đang được khơi dậy khắp mọi nơi thì cũng đã xuất hiện những việc làm, biểu hiện tham lam, ích kỷ, trục lợi trong thiên tai, dịch bệnh.

Dễ thấy trong những ngày vừa qua là việc lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của người khác để kêu gọi người dân quyên góp ủng hộ rồi chiếm đoạt một phần hoặc toàn bộ số tiền đó; mạo danh cơ quan, tổ chức để kêu gọi ủng hộ; nhân cơ hội để đánh bóng hình ảnh, tên tuổi... Điển hình như các đối tượng lập website giả mạo Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Ninh; website, trang thông tin lấy danh nghĩa là Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để huy động, kêu gọi sự hỗ trợ, ủng hộ đồng bào chịu thiệt hại do thiên tai; chỉnh sửa số tiền ủng hộ để “làm màu”...

Dù là phương thức, thủ đoạn nào, động cơ hay mục đích ra sao thì hành vi trục lợi trong lúc thiên tai, dịch bệnh cũng rất đáng trách, đáng lên án, vi phạm pháp luật, cần phải xử lý nghiêm khắc. Ngoài ra, cũng cần đề phòng hành vi găm hàng, tăng giá bất hợp lý. Người thực hiện hành vi đầu cơ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 31 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP sửa đổi bởi Nghị định số 17/2022/NĐ-CP; Điều 196 Bộ luật Hình sự hiện hành.

Website, trang thông tin lấy danh nghĩa Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để kêu gọi quyên góp ủng hộ đồng bào chịu thiệt hại do thiên tai. Ảnh do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cung cấp 

Trước đây, theo quy định tại Nghị định số 64/2008/NĐ-CP, chỉ có tổ chức Hội Chữ thập đỏ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các quỹ xã hội, quỹ từ thiện mới được phép kêu gọi, tiếp nhận, phân phối hàng, quà từ thiện cho đồng bào gặp khó khăn, hoạn nạn... Hoặc đơn thuần là người có lòng hảo tâm mang tiền của, hàng hóa của mình trực tiếp giúp đỡ những người đang gặp khó khăn, hoạn nạn. Tuy nhiên, theo đà phát triển của xã hội, hoạt động từ thiện, thiện nguyện trở nên đa dạng hơn khi xuất hiện bên thứ ba-trung gian đứng ra tiếp nhận tiền, hàng từ thiện của người khác để chuyển cho những người đang gặp khó khăn. Từ đó sinh ra nhiều bất cập nên Chính phủ ban hành Nghị định số 93/2021/NĐ-CP để điều chỉnh lại hoạt động kêu gọi quyên góp, tiếp nhận từ thiện.

Theo quy định tại các Điều 17, 18, 19 Nghị định số 93/2021/NĐ-CP, cá nhân đứng ra kêu gọi quyên góp từ thiện thì phải nêu rõ thông tin cá nhân bản thân, địa chỉ nơi cư trú, phải thông báo cho chính quyền địa phương về chương trình từ thiện, phải thông báo công khai về mục đích, nội dung, thời gian thực hiện hoạt động kêu gọi tiếp nhận ủng hộ đồng bào đang gặp khó khăn, phải mở tài khoản riêng để sử dụng cho mỗi đợt từ thiện, công khai, minh bạch tài chính và có trách nhiệm giải trình.

Khi thực hiện các hoạt động từ thiện phải thông báo với chính quyền địa phương nơi có thiên tai, dịch bệnh xảy ra để phối hợp cùng tổ chức thực hiện... Trường hợp tổ chức, cá nhân đứng ra kêu gọi quyên góp tiền, tài sản để ủng hộ đồng bào đang gặp thiên tai mà không tuân thủ các quy định của nghị định này thì tùy vào tính chất, mức độ của hành vi, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trong trường hợp lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để đưa ra thông tin gian dối, mạo danh cơ quan, tổ chức để tiếp nhận tiền, tài sản của người khác rồi chiếm đoạt thì người thực hiện hành vi này sẽ bị xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự hiện hành với hình phạt thấp nhất là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến mức cao nhất là 20 năm hoặc tù chung thân.

Người đứng ra kêu gọi quyên góp, tiếp nhận tiền, tài sản của người khác để ủng hộ đồng bào đang gặp thiên tai mà lợi dụng niềm tin để chiếm đoạt tiền, tài sản của các nhà hảo tâm (chiếm đoạt một phần hoặc toàn bộ) thì sẽ bị xử lý hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hoặc tội tham ô tài sản theo quy định tại Điều 175 và Điều 353 Bộ luật Hình sự hiện hành. Hình phạt có thể đến 20 năm tù đối với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; mức tử hình đối với hành vi tham ô tài sản.

Những người đưa thông tin sai sự thật nhưng chưa có hành vi chiếm đoạt tài sản, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống thiên tai, gây nhiễu loạn thông tin, ảnh hưởng xấu đến an ninh-trật tự, an toàn xã hội cũng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi lợi dụng tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc tội vu khống.

Chỉnh sửa số tiền ủng hộ (sửa bill chuyển tiền) rồi chia sẻ trên mạng xã hội không chỉ vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội mà còn vi phạm pháp luật, đó là hành vi làm giả tài liệu và đưa tin sai sự thật. Tùy thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm và hậu quả xảy ra mà người sửa bill chuyển tiền sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP, mức xử phạt vi phạm hành chính với hành vi này là 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng với tổ chức, 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng với cá nhân. Còn theo quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự hiện hành, người vi phạm có thể bị phạt tù đến 7 năm.

Để tránh tiếp tay cho các đối tượng xấu, khi thấy thông tin kêu gọi quyên góp, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân trên mạng xã hội hoặc website, trang thông tin, người dân cần phải xác minh, kiểm tra thật kỹ thông tin liên quan. Nếu thấy không đủ niềm tin để chuyển tiền, tài sản cho các tổ chức, cá nhân đứng ra kêu gọi thì nên liên hệ với chính quyền địa phương, cơ quan, đoàn thể, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, Hội Chữ thập đỏ nơi gần nhất để quyên góp ủng hộ. Nếu thấy nghi ngờ hoặc phát hiện bị lừa đảo, tài khoản giả mạo thì cần lưu lại chứng cứ để kịp thời trình báo với cơ quan chức năng.

Tiến sĩ, luật sư ĐẶNG VĂN CƯỜNG (Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

Nguồn QĐND