Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Trực tiếp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ XDCB giao thông
Thứ sáu: 05:46 ngày 17/04/2009

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Trong cuộc họp giao ban trực tuyến giữa Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương với 63 tỉnh, thành trong cả nước dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, trên 30 báo cáo phản ánh thực trạng các dự án xây dựng giao thông tầm quốc gia và địa phương đã được trao đổi, tìm giải pháp, tháo gỡ trực tiếp các vướng mắc.

Các đầu cầu địa phương phản ánh vướng mắc, khó khăn cụ thể

Ngày 17.4, trong cuộc họp giao ban trực tuyến giữa Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương với 63 tỉnh, thành trong cả nước dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, trên 30 báo cáo phản ánh thực trạng các dự án xây dựng giao thông tầm quốc gia và địa phương đã được trao đổi, tìm giải pháp, tháo gỡ trực tiếp các vướng mắc.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án xây dựng cơ bản được Chính phủ xác định như một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các chính sách kích cầu, ngăn chặn đà suy giảm kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Lĩnh vực giao thông vận tải luôn chiếm tỷ trọng cao trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, trong giai đoạn này lại càng được chú trọng, ưu tiên thúc đẩy, từ bố trí vốn, tháo gỡ thủ tục đến thúc đẩy thi công. Cuộc giao ban trực tuyến lần đầu tiên đối với lĩnh vực xây dựng cơ bản ngành giao thông đã thể hiện rõ điều đó. 

Tiến độ các dự án chưa đáp ứng yêu cầu

Các báo cáo tổng hợp của ngành giao thông cũng như các Bộ, ngành hữu quan tại cuộc giao ban cho biết, sau năm 2008 tương đối thành công, 3 tháng đầu năm 2009 lĩnh vực XDCB giao thông vận tải tiếp tục duy trì khối lượng kế hoạch thực hiện đáng khích lệ: Các dự án sử dụng vốn NSNN thực hiện được 1.249,4 tỷ đồng, đạt 20,5% kế hoạch năm, giải ngân 1.216,4 tỷ đồng (20% KH); vốn nước ngoài thực hiện 600 tỷ (21,3% KH), giải ngân 687,6 tỷ (24,4% KH); vốn ngoài NS, các dự án BOT khối lượng thực hiện đạt 804 tỷ, giải ngân đạt 546 tỷ đồng. 

Trong bối cảnh thực hiện các chính sách kích cầu của Chính phủ, được xác định là vấn đề trọng tâm trong XDCB ngành giao thông, công tác giải ngân quý 1 được đánh giá là khá. Tuy nhiên, đánh giá chung từ cuộc giao ban cho rằng kết quả này vẫn chưa đạt như mong muốn, nhất là công tác nghiệm thu thanh toán chưa kịp thời để hoàn trả khối lượng ứng thực hiện hợp đồng trong năm 2008 tương đối lớn. Việc huy động vốn ngoài NSNN để đầu tư một số dự án giao thông còn gặp khó khăn do hầu hết các dự án này có tổng mức đầu tư lớn, hiệu quả tài chính thấp, năng lực tài chính của các doanh nghiệp trong nước yếu, quá trình lập dự án của nhà đầu tư chậm. Việc huy động vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế, các nhà tài trợ để cung cấp vốn cho các dự án mất nhiều thời gian trong khi các quy định về đầu tư PPP chưa hình thành.  

Các địa phương cũng phản ánh khó khăn ở các dự án cụ thể. Điển hình những gói thầu quy mô lớn như Cảng Thị Vải – Cái Mép, cầu Nhật Tân, QL 3 đoạn Hà Nội – Thái Nguyên… đấu thầu không thành công phải tổ chức đấu thầu lại làm chậm tiến độ dự án và ảnh hưởng kết quả giải ngân. Bên cạnh đó, tiến độ giải phóng mặt bằng các công trình vẫn kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ khởi công theo kế hoạch và tiến độ thi công công trình. Có những dự án đường có chiều dài không quá lớn nhưng bị vướng mặt bằng tới 2/3 tổng chiều dài toàn tuyến. Nhiều dự án vướng GPMB khiến chủ đầu tư thua lỗ, ngại không dám đấu thầu, tham gia dự án.  

Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng nhận định, trong triển khai phần còn lại của kế hoạch năm 2009, do công tác phân giao vốn nhìn chung chậm, nguồn vốn ứng trong quý 2 trở đi sẽ hạn chế,… Bộ cũng như các địa phương phải đẩy nhanh hơn nữa việc triển khai các dự án ở tất cả các nguồn vốn, đặc biệt là việc giải ngân vốn đối ứng ở các dự án ODA, công tác chuẩn bị đầu tư, GPMB. 

Giải ngân chậm sẽ không có tác dụng kích cầu 

Tại cuộc giao ban, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cùng lãnh đạo các Bộ, ngành đã trực tiếp giải đáp, chỉ đạo giải pháp xử lý cụ thể từng kiến nghị, phản ánh từ các địa phương, đơn vị thực hiện dự án. Phó Thủ tướng nêu rõ: "Năm 2009, khối lượng công việc của ngành GTVT rất lớn, trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh giải ngân, thúc đẩy tiến độ các dự án. Đây là các dự án kích cầu, nên nếu công tác giải ngân chậm và yếu thì mất ý nghĩa, không có tác dụng".

Ghi nhận những kết quả thực hiện XDCB đáng khích lệ của ngành GTVT trong thời gian qua, Phó Thủ tướng đồng thời cũng chỉ ra những vấn đề còn tồn tại, ảnh hưởng tới kết quả đạt được. Đó là công tác quy hoạch, chuẩn bị đầu tư, GPMB, thủ tục triển khai dự án còn chậm, rườm rà, năng lực thi công của các nhà thầu còn nhiều yếu kém. “Đặc biệt, đang tồn tại tình trạng thiếu thông tin, phối kết hợp giữa trung ương – địa phương, địa phương – chủ đầu tư – nhà thầu trong triển khai các dự án. Nhiều trường hợp do thiếu thông tin dẫn tới không kịp thời xử lý đã kéo dài dự án hàng năm trời”, Phó Thủ tướng chỉ rõ.

Vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu trong kế hoạch còn lại của năm 2009, tập trung ưu tiên giải quyết vấn đề vốn và tiến độ các dự án ngành GTVT. Các Bộ, ngành, địa phương hữu quan lên kế hoạch rà soát, tìm hiểu và giao ban theo từng nhóm lĩnh vực, dự án để tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy tiến độ thực hiện. Đặc biệt, các vướng mắc về GPMB, các địa phương sớm góp ý kiến hoàn thiện về Bộ TNMT để hoàn chỉnh Nghị định mới sửa đổi cơ chế này.

Kiên quyết thay thế nhà thầu nếu kém năng lực

Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến chỉ đạo trực tiếp đối với một số dự án, công trình cụ thể. Thứ nhất, các Bộ, ngành địa phương lưu ý thường xuyên giao ban, tìm hiểu tình hình, nếu nhà thầu kém, chây ỳ thì có giải pháp thay thế để đảm bảo tiến độ. “Cho phép cấp quyết định đầu tư được lựa chọn nhà thầu thay thế mà không cần đấu thầu lại nếu không làm thay giá thầu và giảm hiệu quả dự án”, Phó Thủ tướng chính thức cho ý kiến về vấn đề bức thiết lâu nay ở các dự án giao thông là năng lực yếu kém của các nhà thầu. 

Công trường cầu Phú Mỹ, TP. Hồ Chí Minh - một trong những dự án giao thông có mô hình triển khai hiệu quả, vượt tiến độ kế hoạch

Trong quá trình tập trung đẩy nhanh giải ngân vốn, các cơ quan hữu quan có thể thực hiện kết chuyển vốn từ dự án chậm trễ sang dự án làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, GPMB, khởi công và đáp ứng tiến độ yêu cầu. NHNN phối hợp với Bộ GTVT lên danh mục những DN khó khăn trong tiếp cận vốn kích cầu để tìm giải pháp khắc phục. Năm nay, Bộ GTVT có khoảng 60 dự án lớn khởi công, các địa phương cũng lên kế hoạch cụ thể về mốc triển khai để chấm dứt tình trạng chuẩn bị vốn mất nhiều thời gian và chủ động về vốn. Các dự án tăng cường công tác giám sát chất lượng, kỷ luật lao động và không để xảy ra những sự cố về chất lượng và an toàn lao động như thời gian qua.  

Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo xử lý một số kiến nghị về một số dự án trọng điểm như đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, Biên Hòa Đồng Nai, cầu Nhật Tân, nhà ga T2,… tháo gỡ các vướng mắc về GPMB, điều chỉnh dự án để đảm bảo không lùi tiến độ. Đồng thời, chỉ đạo Bộ GTVT rà soát, trả lời và có giải pháp xử lý các kiến nghị về một số dự án cụ thể khác mà các địa phương nêu ra. Bộ KHĐT, Tài chính, theo dõi khối lượng triển khai ở các địa phương và báo cáo Chính phủ hàng tháng để trong các kỳ họp giao ban (3 tháng/lần) kịp thời có hướng xử lý.

Năm 2009, Bộ GTVT dự kiến khởi công 60 dự án quy mô lớn, đáng chú ý là Nhà ga T2 Nội Bài (giai đoạn 1), Quốc lộ 3 (Hà Nội - Thái Nguyên), 16 đoạn đường HCM giai đoạn 2, đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, QL 51 (mở rộng),…

Ngành giao thông cũng hoàn thành nhiều công trình quy mô như cầu Thanh Trì và vành đai 3 Hà Nội, đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương, cầu Rạch Miễu, một số tuyến đường HCM (giai đoạn 2), QL 1 Mỹ Thuận – Cần Thơ, Nhà ga hàng hóa Nội Bài,…

Tại các địa phương cũng khởi công, triển khai và hoàn thành một loạt các dự án giao thông với vốn TPCP giao xấp xỉ 8.000 tỷ đồng.

 

(Theo chinhphu.vn)

Từ khóa:
data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục