BAOTAYNINH.VN trên Google News

Trừng phạt Nga: Đòn tấn công từ phương Tây đánh trúng mục tiêu kép, 'vận may' của Moscow đã hết? 

Cập nhật ngày: 02/03/2023 - 09:58

“Có những dấu hiệu cho thấy 'vận may' của Tổng thống Putin có thể bắt đầu cạn kiệt, khi các nước phương Tây áp đặt các giới hạn khắt khe hơn đối với xuất khẩu năng lượng Nga, điều mà ban đầu họ tránh vì lo sợ việc này sẽ làm tê liệt kinh tế châu Âu và làm trầm trọng thêm lạm phát toàn cầu”, tờ Washington Post bình luận.


Trừng phạt Nga: Đòn từ phương Tây đánh trúng hai mục tiêu, 'vận may' của Moscow đã hết? (Nguồn: Aebrus)

“Chắc chắn không phải là sự sụp đổ”

Với hơn 3.000 cá nhân và tổ chức bị Mỹ và đồng minh nhắm mục tiêu trừng phạt, Nga có thể đã phải đối mặt với nhiều lệnh trừng phạt hơn bất kỳ quốc gia nào “trong lịch sử loài người”, nhóm các nhà kinh tế và chuyên gia về Nga viết trong một Báo cáo do tổ chức phi lợi nhuận Free Russia Foundation công bố vào tháng 1/2023.

Nhưng thực tế là, cho đến nay, tổn thất kinh tế vẫn không ngăn được các mục tiêu của Tổng thống Putin.

Trong những tuần trước khi Nga khởi động chiến dịch quân sự tại Ukraine hơn một năm trước, Tổng thống Mỹ Biden đã tìm cách ngăn chặn bằng cách cảnh báo người đồng cấp Nga Vladimir Putin về “những hậu quả kinh tế mà ông ấy chưa từng thấy”.

Và khi cuộc xung đột Nga-Ukraine chính thức bắt đầu vào ngày 24/2/2022, Mỹ và hàng chục đồng minh đã tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt và hạn chế thương mại nhằm làm tê liệt nền tài chính Nga, cô lập nền kinh tế của nước này và hạn chế tối đa giới tinh hoa thân cận với Tổng thống Putin.

Tác động ban đầu của các biện pháp trừng phạt có vẻ nguy hiểm, khiến đồng Ruble sụp đổ, hệ thống ngân hàng rung chuyển và các công ty trên toàn thế giới ngừng xuất khẩu hàng hóa quan trọng sang Nga.

Nhưng một năm sau, Moscow vẫn kiên cường hơn nhiều người mong đợi. Xuất khẩu dầu khí, khả năng điều hành khéo léo của Ngân hàng Trung ương và sự phục hồi gần đây trong thương mại với Trung Quốc cũng như các nước “thân thiện” khác đã cho phép một số công nghệ vốn bị ngăn chặn bởi lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây lọt qua.

Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã làm tổn thương sâu sắc nền kinh tế Nga, cũng có thể gây ra những xích mích trong giới tinh hoa - nhưng không đủ để thay đổi tính toán của Tổng thống Putin và chấm dứt xung đột.

Thậm chí, theo công bố, sau các lệnh trừng phạt mạnh hơn trong lĩnh vực năng lượng, doanh thu từ dầu khí của Nga vẫn tăng nhanh. Năm 2022, doanh thu của Moscow từ mặt hàng này đạt 11.600 tỷ Ruble (155,44 tỷ USD), mức cao mới kể từ năm 2007, với tốc độ tăng trưởng 27,9% so với cùng kỳ năm trước.

“Thay vì tăng trưởng, kinh tế Nga chỉ suy giảm. Nhưng tất cả, đó chắc chắn không phải là sự sụp đổ, đó không phải là một thảm họa. Chúng ta không thể nói rằng nền kinh tế Nga đang bị tàn phá hay đang bị phá hủy và rằng Tổng thống Putin thiếu tiền để triển khai các mục tiêu của mình. Không, điều đó không đúng”, Sergey Aleksashenko, cựu Phó Chủ tịch thứ nhất của Ngân hàng Trung ương Nga, cho biết tại một cuộc thảo luận ở Washington mới đây.

Một mũi tên trúng hai đích?

Ở phía bên kia, James O'Brien, người đứng đầu Văn phòng Điều phối lệnh trừng phạt tại Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, các biện pháp trừng phạt đang đáp ứng mục tiêu làm suy giảm tài chính và công nghệ của Nga, mà nước này cần để hỗ trợ chiến dịch quân sự.

Phải chăng biện pháp áp giá trần với dầu thô và các sản phẩm xăng dầu của Nga đang phát huy hiệu quả?

Kể từ đầu tháng 12/2022, những hạn chế mới đối với xuất khẩu dầu của Nga đã khiến thâm hụt ngân sách của nước này gia tăng mạnh hơn, Điện Kremlin phải thực hiện các biện pháp tăng thu khẩn cấp, góp phần đẩy đồng Ruble mất giá 19%.

Nhưng thực tế, dầu thô Nga vẫn đang tỏa ra các thị trường toàn cầu, chỉ là khách mua đang chi trả mức giá thấp hơn, khiến doanh thu xuất khẩu dầu của nước này bị suy giảm, trong khi đây là nguồn thu chính cho ngân sách quốc gia.

Đó chính là "mục tiêu kép" của đòn áp giá trần mà Mỹ và các đồng minh đã dự kiến - vừa giúp thị trường dầu mỏ duy trì nguồn cung ổn định, vừa giảm doanh thu xuất khẩu của Moscow.

Đến thời điểm này, hoạt động khai thác và xuất khẩu dầu thô của Nga vẫn đứng vững, xóa tan đi những kỳ vọng ban đầu về đà suy yếu của nguồn cung sau khi phương Tây đồng ý áp cấm vận với dầu mỏ của Nga, nhằm giảm doanh thu từ xuất khẩu năng lượng. Nhưng thu ngân sách của Nga đang suy giảm thực tế là do giá dầu thô phẩm cấp hàng đầu là Urals phải chịu ở mức thấp, với giá chiết khấu thấp hơn dầu Brent Biển Bắc 30 USD/thùng.

Theo số liệu ban đầu của Bộ Tài chính Nga, trong tháng 1/2023, do dầu Urals xuống giá, đồng thời doanh số xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt giảm 46,4%, Nga thâm hụt ngân sách 24,7 tỷ USD. Doanh số xuất khẩu năng lượng, bao gồm cả thuế và nguồn thu hải quan, trong tháng cũng rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 8/2020.

Đầu tháng Hai, Nga tuyên bố sẽ cắt giảm sản lượng 500.000 thùng/ngày trong tháng Ba, do hệ quả của lệnh cấm vận từ phương Tây kết hợp với biện pháp áp giá trần nhằm vào dầu thô xuất khẩu của quốc gia này.

Báo cáo Thị trường Dầu mỏ tháng Hai do Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) công bố, nhận định, kế hoạch cắt giảm sản lượng này là tín hiệu cho thấy hoặc Moscow đang gặp khó khăn trong tìm kiếm khách hàng, hoặc muốn đẩy giá dầu lên cao.

Tuy nhiên, nỗ lực nhằm nâng giá dầu nhiều khả năng thất bại, khi mà giá cả chịu sức ép lớn từ quyết định tiếp tục tăng và duy trì lãi suất ở mức cao trong thời gian dài của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), nhằm kiềm chế lạm phát.

Henning Gloystein, Giám đốc bộ phận năng lượng tại tổ chức nghiên cứu Eurasia Group (Mỹ) phân tích, biện pháp áp giá trần và cấm vận dầu mỏ của Liên minh châu Âu (EU) đã khiến việc chuyển đổi dòng xuất khẩu trở nên đắt đỏ hơn, do Nga buộc phải bán dầu thô tới các khu vực mà trong điều kiện bình thường của thị trường sẽ không thực sự mang lại lợi nhuận, bởi mức chi phí vận chuyển bị đội lên quá cao.

Còn châu Âu sẽ phải mua dầu và sản phẩm xăng dầu từ các đối tác ngoài Nga, mà nếu bình thường họ sẽ không lựa chọn. Tuy nhiên, các biện pháp này cho đến nay chưa gây ra sự đứt gãy lớn với dòng chảy dầu thô và sản phẩm xăng dầu, đến mức kích hoạt leo thang giá hoặc thiếu hụt năng lượng ở cấp độ khu vực.

Như vậy, các biện pháp trừng phạt của Mỹ và EU hướng đến mục tiêu giảm doanh thu xuất khẩu dầu mỏ của Nga, đồng thời không gây đứt gãy thị trường đều đã đạt được.

Tại sao lợi nhuận từ năng lượng Nga vẫn tăng?

Sự thật là châu Âu vẫn khó từ bỏ hoàn toàn phụ thuộc vào Nga về khí đốt. Theo tạp chí kinh tế Handelsblatt (Đức), sau tròn một năm xung đột Nga-Ukraine, dù nhiều quốc gia nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc vào khí đốt Nga, nhưng dòng khí vẫn tiếp tục chảy đến EU thông qua các đường ống Transgas, Turkstream, cũng như thông qua việc vận chuyển khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) bằng đường biển…

Từ cuối mùa Hè năm ngoái, những m3 khí đốt cuối cùng từ Nga sang Đức đã ngừng chảy, từ đó, nguồn cung khí đốt của nền kinh tế số 1 châu Âu tới từ Na Uy, Hà Lan và Bỉ.

Trong khi đó, kế hoạch trừng phạt năng lượng của EU có giai đoạn đệm và thời gian có hiệu lực thực tế là tương đối muộn. Chẳng hạn, tháng 4/2022, EU đã công bố lệnh cấm nhập khẩu than từ Nga, nhưng các hợp đồng hiện tại có thể có thời gian đệm là 4 tháng.

Ngoài ra, việc EU phụ thuộc nhiều vào năng lượng Nga đã là yếu tố mang tính cấu trúc, khó có thể thay đổi một sớm một chiều. Xét về giá trị nhập khẩu, trong quý I và II/2022, giá trị các sản phẩm năng lượng mà EU nhập khẩu từ Nga vượt 40 tỷ Euro (42,35 tỷ USD), quý III/2022 giảm đáng kể nhưng vẫn lên tới 36,89 tỷ Euro, vượt xa các nền kinh tế khác.

Chính vì những lý do này, những người tham gia trừng phạt cũng đành phải “tiếp tay” Nga tìm ra một cách khác để lách lệnh trừng phạt, chẳng hạn, “chạy đua” tăng mạnh nhập khẩu trước thời hạn hiệu lực.

Hoặc theo thông tin từ Business Insider, nhiên liệu làm từ dầu thô của Nga đang được vận chuyển đến Mỹ từ các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ…

Hay theo The Economist, các quốc gia như Ấn Độ, Saudi Arabia mua dầu giá rẻ từ Nga, xử lý trong các nhà máy lọc dầu của họ và cuối cùng bán dầu diesel cho châu Âu.

Giới học thuật phương Tây nhận định, các biện pháp trừng phạt hoàn toàn không thể ngăn cản hoạt động xuất khẩu năng lượng của Nga. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng nói trong cuộc gặp với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen rằng, tốc độ của các lệnh trừng phạt của châu Âu đã chậm lại, nhưng Nga đang đẩy nhanh tốc độ thích ứng với các biện pháp này.

Nguồn baoquocte