Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Trung Quốc bị bủa vây sau luật an ninh Hong Kong
Thứ bảy: 20:22 ngày 04/07/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Nhiều quốc gia phương Tây đã bắt đầu tung các biện pháp nhằm phản đối, đáp trả việc Trung Quốc ban hành luật an ninh Hong Kong hôm 30-6. Các tổ chức quốc tế quan ngại về nội dung có phần mơ hồ của luật mới.

Phát biểu trong họp báo ngày 2-7, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc (TQ) Triệu Lập Kiên kêu gọi các quốc gia khác không can thiệp vào chuyện nội bộ của nước này liên quan đến vấn đề Hong Kong. Ông Triệu khẳng định mọi sức ép từ thế lực nước ngoài đều không thể làm Bắc Kinh chùn bước trước quyết tâm bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia và sự ổn định, thịnh vượng của Hong Kong, theo tờ South China Morning Post.

Bình luận của phát ngôn viên Triệu Lập Kiên được đưa ra sau khi hàng loạt nước phương Tây lên tiếng phản đối và công bố các động thái đáp trả sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội TQ thông qua luật an ninh Hong Kong hôm 30-6.

Mỹ chuẩn bị loạt biện pháp trừng phạt Trung Quốc

Hôm 2-7, Quốc hội Mỹ đã chính thức thông qua dự luật Quyền tự trị Hong Kong (HKAA), hình thành khung pháp lý để chế tài các tổ chức tài chính, doanh nghiệp và quan chức TQ trực tiếp can thiệp hoặc hỗ trợ can thiệp vào Hong Kong bằng cách tịch thu tài sản và hạn chế giao dịch trên lãnh thổ Mỹ.

Danh sách các đối tượng này sẽ được Bộ Ngoại giao Mỹ cập nhật hằng năm. Khi bị liệt vào danh sách, những tổ chức và cá nhân bị nhắm đến có thời hạn một năm để ngừng mọi hoạt động làm ảnh hưởng đến nền tự trị của Hong Kong. Hiện dự luật đã được chuyển qua Tổng thống Donald Trump ký phê duyệt.

South China Morning Post đánh giá nội dung của HKAA chặt chẽ và mạnh mẽ hơn so với đạo luật Dân chủ và Quyền con người Hong Kong (HKHRDA) mà ông Trump ký ban hành năm ngoái do HKHRDA chỉ chế tài quan chức TQ mà bỏ qua khối doanh nghiệp vốn cũng rất ủng hộ các hành động can thiệp vào Hong Kong của Bắc Kinh. Rất nhiều người trong số này khi được phỏng vấn lập luận chỉ có các biện pháp cứng rắn mới có thể lập lại trật tự ở đặc khu này.

Bình luận về dự luật nói trên, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence khẳng định đây là bước đi cần thiết và chỉ trích TQ đã “phản đối tất cả thỏa thuận quốc tế từng ký kết trước đây” khi ban hành luật an ninh mới, theo đài CNBC. “Chúng tôi sẽ tiếp tục lên tiếng thay mặt cho người dân Hong Kong và thay mặt quyền con người của người dân ở TQ” - ông Pence nhấn mạnh.

Ngoài HKAA, ông Trump hồi tháng trước cũng tuyên bố bắt đầu tiến trình hủy bỏ các ưu đãi đặc biệt về thương mại dành cho Hong Kong. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo không cấp thị thực cho các quan chức TQ làm suy yếu Hong Kong, cả những người đương nhiệm lẫn về hưu cùng người thân của họ.

Cảnh sát Hong Kong được triển khai giải tán đợt biểu tình phản đối luật an ninh ngày 1-7. Ảnh: AFP

Nhiều nước chào đón người Hong Kong di cư

Không đáp trả TQ bằng các biện pháp kinh tế như Mỹ, nhiều nước bày tỏ quan điểm luật an ninh mới bằng cách nới lỏng các quy định nhập cư cho người Hong Kong muốn “lánh nạn”, theo hãng tin Reuters.

Mới đây nhất, Thủ tướng Úc Scott Morrison hôm 1-7 khẳng định Úc có thể sẽ theo bước Anh cấp thị thực cho cư dân Hong Kong. Nhà lãnh đạo này khẳng định những diễn biến ở Hong Kong thời gian gần đây rất đáng lo ngại và Canberra trên thực tế đã chủ động xem xét các đề xuất hỗ trợ người Hong Kong từ nhiều tuần trước.

Cùng ngày, Thủ tướng Anh Boris Johnson chỉ trích luật an ninh mới vi phạm “rõ ràng và nghiêm trọng” thỏa thuận Trung - Anh năm 1984. Để rộng cửa đón hàng triệu cư dân Hong Kong đến Anh, London sẽ cấp thị thực cho cư dân Hong Kong đang sở hữu hộ chiếu hải ngoại Anh (BNO) cùng gia đình đến sống và làm việc ở đây trong năm năm, rồi sau đó được phép nộp đơn xin cấp quốc tịch.

Hiện khoảng 350.000 cư dân Hong Kong đã có hộ chiếu BNO trong khi ba triệu người khác đủ điều kiện để xin cấp. Một trong những yêu cầu để được cấp hộ chiếu BNO là người đăng ký phải là cư dân Hong Kong sinh trước năm 1997 - thời điểm Anh trao trả TP này cho TQ. Tuy nhiên, Bắc Kinh đến nay không công nhận hộ chiếu BNO.

Ngoài Anh và Úc, Đài Loan cũng thành lập Văn phòng Dịch vụ và Giao lưu Đài Loan - Hong Kong tại Đài Bắc hôm 1-7 nhằm hỗ trợ những cư dân Hong Kong muốn rời khỏi đặc khu. Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội đồng các vấn đề đại lục của Đài Loan - ông Chen Ming-tong còn khẳng định Đài Bắc rất hoan nghênh các công ty, tập đoàn đa quốc gia chuyển trụ sở từ Hong Kong đến đây.

53 quốc gia tỏ thái độ ủng hộ luật an ninh Hong Kong vừa ban hành trong khi 27 nước lên tiếng phản đối, đài CGTN ngày 2-7 dẫn thông cáo Bộ Ngoại giao TQ đưa tin. Một số nước ủng hộ đáng chú ý bao gồm Pakistan, Myanmar, Ai Cập, Cameroon, Venezuela và Cuba. 

Liên Hợp Quốc lên tiếng quan ngại

Trong cuộc họp báo ngày 3-7, phát ngôn viên Văn phòng Cao ủy Quyền con người Liên Hợp Quốc (OHCHR) Rupert Colville cho biết OHCHR rất quan ngại về nội dung các điều khoản trong luật an ninh Hong Kong mới “quá rộng và mơ hồ”, hãng tin Reuters cho hay.

“Chúng tôi lo ngại định nghĩa về một số tội danh trong luật quá mơ hồ và quá rộng, không phân biệt đầy đủ giữa hành vi bạo lực và phi bạo lực. Điều này có thể dẫn đến cách giải thích mang tính phân biệt hoặc chủ quan trong quá trình thi hành luật, làm ảnh hưởng đến các quyền tự do cơ bản của người dân” - ông Colville nói.

OHCHR cũng kêu gọi chính quyền Hong Kong ngừng các hoạt động bắt giữ người biểu tình theo luật do đại lục chưa công bố đủ thông tin về phạm vi của các tội danh. Tờ The Guardian cho biết ngay trong ngày đầu tiên luật an ninh có hiệu lực, cảnh sát Hong Kong đã bắt giữ tới gần 370 người xuống đường biểu tình phản đối.

Trước OHCHR, nhiều luật sư Hong Kong cũng đã lên tiếng chỉ ra nhiều điểm bất thường trong nội dung luật mới. Chẳng hạn, luật giải thích hành vi kêu gọi các nước hoặc tổ chức quốc tế cấm vận hay gây khó khăn cho Hong Kong sẽ bị quy vào tội danh thông đồng với thế lực nước ngoài. Trong khi đó, hành vi phá hoại phương tiện công cộng như tàu điện ngầm có thể cấu thành tội danh khủng bố.

Chính quyền Hong Kong lên tiếng rắn với Mỹ

Phát biểu trong cuộc họp báo gần đây nhất hôm 30-6, Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam khẳng định đặc khu này không sợ hãi bất kỳ lệnh trừng phạt nào khi đã chuẩn bị mọi phương án đối phó cần thiết với quyết định của Mỹ, đài CGTN đưa tin. “Có thể thông thương hai bên sẽ bị ảnh hưởng một chút nhưng không đáng kể. Mọi khó khăn, nhất là các sức ép lên ngành công nghệ Hong Kong đã được hạn chế xuống mức tối thiểu” - bà Lam cho hay.

Người đứng đầu Hong Kong còn chỉ ra nếu Washington thật sự muốn hủy bỏ tư cách thương mại đặc biệt của đặc khu này thì Mỹ vẫn là người chịu thiệt lớn nhất khi thặng dư thương mại mỗi năm giữa hai bên đạt gần 30 tỉ USD - nhiều nhất trong các đối tác của Hong Kong. 

Nguồn PLO

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục