Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Lãnh đạo Trung Quốc nhất trí cải tiến cách thức bầu trưởng đặc khu Hong Kong và hệ thống pháp lý thành phố, quan chức Bắc Kinh cho biết.
Tình trạng bất ổn tại đặc khu hành chính Hong Kong là chủ đề quan trọng của cuộc họp kín kéo dài bốn ngày giữa các lãnh đạo cấp cao đảng Cộng sản Trung Quốc do Chủ tịch Tập Cận Bình chủ trì tại Bắc Kinh tuần này, ông Shen Chunyao, chủ nhiệm Ủy ban Luật Cơ bản của Hong Kong và Macau, hôm nay trả lời báo chí tại Bắc Kinh.
Theo ông Shen, các lãnh đạo đảng đã thống nhất "cải thiện hơn nữa hệ thống quản lý của chính quyền trung ương đối với đặc khu", đồng thời duy trì "sự ổn định và thịnh vượng lâu dài" tại đây. Một trong những biện pháp được thảo luận là cách thức chính quyền trung ương thay đổi cơ chế bổ nhiệm và cách chức trưởng đặc khu cũng như các vị trí chủ chốt của Hong Kong.
Ông Shen Chunyao, chủ nhiệm Ủy ban Luật Cơ bản của Hong Kong và Macau, phát biểu tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh, Trung Quốc hôm nay. Ảnh: SCMP.
Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam không được cử tri thành phố bầu trực tiếp mà do một ủy ban gồm 1.200 người chọn ra. Phần lớn thành viên của ủy ban này do chính quyền trung ương Bắc Kinh bổ nhiệm. Do đó, nhiều người biểu tình Hong Kong phản đối cách thức này, yêu cầu được trực tiếp bầu ra lãnh đạo thành phố.
Bắc Kinh từng lên tiếng "ủng hộ mạnh mẽ" bà Lam và tin tưởng lực lượng cảnh sát Hong Kong có thể kiểm soát được các cuộc biểu tình ngày càng bạo lực, trong bối cảnh nguồn tin của Financial Times nói rằng bà Lam sẽ được thay bằng một trưởng đặc khu lâm thời vào tháng 3/2020.
Bà Lam hôm 29/10 cũng khẳng định "chính quyền trung ương luôn tin tưởng" đội ngũ của bà có thể xử lý được tình hình, bác bỏ thông tin do Financial Times đưa ra. Tuy nhiên, Viện nghiên cứu Công luận Hong Kong cho biết chỉ số tín nhiệm đối với bà Lam đầu tháng 10 đã giảm xuống mức thấp kỷ lục kể từ khi được bổ nhiệm năm 2016 với chỉ 15% số người được hỏi tin tưởng vào năng lực của bà.
Ông Shen còn cho biết hệ thống pháp lý của Hong Kong cũng sẽ được cải thiện để "bảo vệ an ninh quốc gia", nhưng không nêu chi tiết.
Ông khẳng định Bắc Kinh "sẽ không bao giờ khoan nhượng trước bất kỳ hành vi nào thách thức lằn ranh của mô hình 'một quốc gia, hai chế độ', cũng như chia rẽ đất nước và gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia, đồng thời kiên quyết ngăn chặn sự can thiệp của các lực lượng nước ngoài vào vấn đề Hong Kong và Macau".
Các cuộc biểu tình ở Hong Kong nổ ra từ tháng 6 nhằm phản đối dự luật dẫn độ cho phép đưa nghi phạm sang những nơi chưa có hiệp ước dẫn độ với đặc khu, trong đó có Trung Quốc đại lục. Dù chính quyền Hong Kong đã rút dự luật, người biểu tình vẫn tiếp tục xuống đường đưa ra những yêu sách khác, trong đó có việc đòi bà Lam từ chức.
Nguồn VNE (Theo AFP)