Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Trung Quốc hướng về châu Phi khi đối mặt sóng chỉ trích
Thứ sáu: 18:45 ngày 22/05/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Phát biểu trước WHO, ông Tập thể hiện trọng tâm của Trung Quốc là giữ gìn quan hệ với châu Phi khi Bắc Kinh đối mặt thách thức từ phương Tây.

Ông Tập cam kết trao hai tỷ USD cho WHO trong hai năm tới để hỗ trợ các nền kinh tế đang phát triển. Ông cũng nhắc nhở châu Phi rằng Trung Quốc đã viện trợ, giúp họ điều trị 200 triệu người trong 7 thập kỷ qua.

Ông cam kết giúp đỡ 30 bệnh viện ở châu Phi, thiết lập một cơ quan y tế toàn châu lục và hỗ trợ cung cấp vaccine giá phải chăng nếu phát triển thành công.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại cuộc họp trực tuyến WHA ngày 18/5. Ảnh: People's Daily.

Giới quan sát cho rằng hững hứa hẹn đầy hào phóng được ông Tập đưa ra nhằm đảm bảo có được sự ủng hộ của châu Phi vào thời điểm quan hệ giữa Trung Quốc và châu lục này đang bấp bênh.

Dù chưa lãnh đạo châu Phi nào công khai chỉ trích phản ứng của Trung Quốc trước Covid-19, đầu tuần này, nhóm các nước châu Phi ủng hộ nghị quyết do Liên minh châu Âu đưa ra và được hơn 100 quốc gia nhất trí, kêu gọi điều tra độc lập về Covid-19.

Khi Covid-19 khiến Trung Quốc ngày càng bị cô lập trên trường quốc tế với những lời chỉ trích ngày càng gay gắt từ Mỹ và các đồng minh, bài phát biểu tuần này của ông Tập tại Đại Hội đồng Y tế Thế giới (WHA) cho thấy rõ Bắc Kinh coi trọng sự ủng hộ của các quốc gia châu Phi như thế nào.

Trung Quốc duy trì quan hệ gắn kết với các quốc gia châu Phi từ giữa thế kỷ 20. Bắc Kinh kết bạn với các quốc gia mới giành được độc lập ở châu lục này, trong nỗ lực gia tăng hình ảnh trên trường quốc tế.

Kể từ đó, châu Phi đã chứng tỏ là một khối ngoại giao quan trọng đối với Bắc Kinh. Trung Quốc loại Đài Loan khỏi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc năm 1971 phần lớn nhờ sự ủng hộ của các thành viên châu Phi, chiếm 26 trong số 76 phiếu thuận cần thiết.

Trong những thập kỷ tiếp theo, khi Trung Quốc trỗi dậy và đối mặt với sự chỉ trích dữ dội từ phương Tây, các nước châu Phi tiếp tục ủng hộ Bắc Kinh. Khi phương Tây đe dọa tẩy chay Thế vận hội Olympic 2008 tại Bắc Kinh vì lo ngại về vấn đề nhân quyền, các nước châu Phi tiếp tục ủng hộ sự kiện này.

Gần đây, khi Mỹ gây áp lực lên tập đoàn viễn thông Huawei, cáo buộc họ do thám cho chính phủ Trung Quốc, các nền kinh tế chủ chốt của châu Phi bao gồm Kenya và Nam Phi vẫn hoan nghênh sự hiện diện của họ. 

"Mỗi lần Mỹ hoặc phương Tây dồn dập chỉ trích Trung Quốc, chính phủ Trung Quốc lại quay sang những người bạn lâu năm bền vững ở châu Phi", Lina Benabdallah, chuyên gia từ Đại học Wake Forest nói. "Bắc Kinh cần các đối tác châu Phi để thể hiện họ không bị cô lập hay không có người bạn nào trên trường quốc tế".

Vào thời điểm Mỹ đang thúc đẩy đổ lỗi cho Bắc Kinh về Covid-19, sự hỗ trợ của châu Phi một lần nữa rất quan trọng. Trung Quốc đang cố gắng xoay chuyển câu chuyện thành sau khi đánh bại virus, giờ họ là "đầu tàu" nỗ lực chống Covid-19 toàn cầu.

Hồi tháng 3 và tháng 4, Trung Quốc xuất khẩu 71 tỷ NDT (10 tỷ USD) vật tư y tế ra khắp thế giới để giúp chống Covid-19, gồm khoảng 28 tỷ NDT khẩu trang. 

Nhưng chính sách "ngoại giao khẩu trang" của Bắc Kinh nhận được phản ứng trái chiều từ phương Tây. Hồi tháng ba, người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu Josep Borrell đã cảnh báo về nỗ lực gây ảnh hưởng qua "chính trị hào phóng".

Trong khi đó, ở châu Phi, các chính phủ hoan nghênh hàng viện trợ từ Trung Quốc. "Châu Phi là nơi nhiều quốc gia đang phát triển rất mong muốn được hỗ trợ chống lại tác động về y tế và kinh tế của Covid-19", Ovigwe Eguegu, nhà phân tích các vấn đề quốc tế ở Nigeria, nói.

Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc giúp đỡ châu Phi trong khủng hoảng y tế công cộng. Đến tháng 11/2014, Trung Quốc viện trợ 750 triệu NDT (123 triệu USD) để giúp các nước trong khu vực chống dịch Ebola.

Dù đó là khoản hỗ trợ chống khủng hoảng nhân đạo quốc tế lớn nhất của Bắc Kinh, nó không thể so bì với phương Tây. Mỹ, Anh và Đức đã đóng góp hơn 3,6 tỷ USD tính đến tháng 12/2015 cho nỗ lực ngăn chặn đại dịch này.

Nhưng khi Mỹ và châu Âu đang là những vùng dịch Covid-19 lớn nhất thế giới, chịu hệ quả nặng về kinh tế và Trump cắt tài trợ cho WHO, một số quốc gia châu Phi có ít sự lựa chọn ngoài hoan nghênh sự giúp đỡ của Trung Quốc.

Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy Covid-19 có thể làm rạn nứt mối quan hệ Trung Quốc - châu Phi. Cuối tháng hai, tranh cãi nổi lên ở Kenya khi một máy bay hãng hàng không China Southern Airlines bay từ Trung Quốc đến Nairobi vào thời điểm dịch vẫn diễn biến phức tạp ở Trung Quốc. 239 hành khách được phép rời đi mà không cần xét nghiệm.

Hồi tháng 4, các bộ trưởng châu Phi đề nghị G20 cung cấp gói hỗ trợ khẩn cấp 100 tỷ USD, bao gồm miễn trừ nợ 44 tỷ USD. Trung Quốc, được cho là chủ nợ khoảng 1/5 khoản vay của châu Phi, trả lời rằng họ sẽ hành động phù hợp với các quốc gia G20 khác, nhưng không đưa ra ưu đãi nào cho đối tác lâu năm.

Mối đe dọa lớn nhất với quan hệ giữa hai bên xuất hiện vào tháng 4, khi những hình ảnh gây sốc tại thành phố Quảng Châu được lan truyền: người châu Phi bị kỳ thị, bị chủ nhà đuổi đi và không thể đặt phòng khách sạn, sau khi có tin đồn rằng người châu Phi đã làm bùng lên một ổ dịch tại địa phương. Thành phố xét nghiệm và cách ly tất cả người châu Phi, bất kể lịch sử đi lại của họ.

Điều đó dẫn đến một động thái chưa từng có tiền lệ: các đại sứ châu Phi viết thư chung để phản đối. Trong khi chính phủ Trung Quốc tìm cách xoa dịu, sự phẫn nộ ở châu Phi vẫn tiếp tục sôi sục. Tại Nigeria, các bộ trưởng đã đề xuất biện pháp trả đũa, như điều tra tình trạng pháp lý của tất cả người Trung Quốc tại nước này.

"Việc người châu Phi bị phân biệt đối xử tại Quảng Châu là vết nứt trong quan hệ giữa khu vực này và Trung Quốc", Eguegu, nhà phân tích các vấn đề quốc tế tại Nigeria nói. "Bằng cách tập trung vào châu Phi tại WHA, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dường như đang thể hiện cho người châu Phi thấy khu vực này là ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc".

"Điều đó có thể trấn an nhiều lãnh đạo, nhưng phần lớn người châu Phi đã phẫn nộ về những video và hình ảnh từ Quảng Châu sẽ chẳng buồn nghe bài phát biểu của ông ấy", Eguegu nói thêm.

Châu Phi hiện không bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 như Mỹ hay châu Âu nhưng đang xuất hiện ngày càng nhiều điểm nóng và Phó tổng thống Nam Sudan đã nhiễm nCoV. Chưa thể biết chắc tình hình dịch tại đây sẽ diễn biến thế nào.

"Nếu Covid-19 hoành hành mạnh ở châu Phi thì kịch bản đó có thể không chỉ thử thách năng lực của Trung Quốc với tư cách 'đầu tàu' thế giới về y tế, mà còn đo đếm được tình bạn được Bắc Kinh nhiều lần ca ngợi thực sự sâu sắc đến mức nào", Jenni Marsh, ký giả của CNN viết.

Nguồn VNE

Tin cùng chuyên mục