Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Trung Quốc tạo sức ép cạnh tranh công nghệ và thương mại khốc liệt lên Hàn Quốc
Thứ hai: 09:08 ngày 13/12/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Trước sức ép cạnh tranh khốc liệt về công nghệ và thương mại từ Trung Quốc, Hàn Quốc buộc phải điều chỉnh lại chiến lược thương mại với quốc gia đông dân nhất thế giới này.

Vừa phụ thuộc nguyên liệu Trung Quốc, vừa vấp phải cạnh tranh về hàng công nghệ cao

Một tổ chức thương mại hàng đầu của Hàn Quốc vừa cho hay, Hàn Quốc phải điều chỉnh lại chiến lược thương mại của mình với Trung Quốc trong bối cảnh cạnh tranh giữa hai nước gia tăng trên cơ sở chính sách công nghiệp dài hạn của Bắc Kinh.

Trung Quốc đang nỗ lực đi sâu vào lĩnh vực công nghệ cao. Ảnh minh họa: CGTN.

Theo tổ chức trên, một nhân tố khác ngày càng gây quan ngại cho Hàn Quốc là việc nước này phụ thuộc nặng vào nguyên liệu thô nhập từ Trung Quốc. Các nguyên liệu này dùng cho các ngành chế tạo chính của Hàn Quốc, bao gồm thiết bị bán dẫn, hóa dầu và ô tô.

Báo cáo của Hiệp hội Thương mại Quốc tế (KITA) vào hôm 8/12 có nêu rằng điều quan trọng hiện nay là tái thiết lập quan hệ Hàn Quốc-Trung Quốc căn cứ trên những thay đổi trong môi trường thương mại thế giới, như sức cạnh tranh về sản xuất của Trung Quốc đang gia tăng và cuộc đối đầu tranh giành vị trí cao hơn giữa Mỹ và Trung Quốc.

Bản báo cáo được xuất bản nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Hàn Quốc vào năm 2022. KITA - ra đời vào năm 1946, là một trong các hiệp hội thương mại lớn nhất ở Hàn Quốc, với hơn 70.000 thành viên.

Báo cáo cho biết, cơ cấu công nghiệp của Trung Quốc đã được nâng cấp một cách nhất quán trong 2 thập kỷ qua nhờ vào các chính sách công nghiệp nuôi dưỡng các ngành công nghệ cao.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã vun đắp cho các mục tiêu đổi mới khoa học và công nghệ nhằm biến Trung Quốc thành một cường quốc công nghệ vào giữa thế kỷ 21.

Việc Trung Quốc có nhiều bước tiến trong các ngành công nghệ cao đồng nghĩa với việc Hàn Quốc sẽ gặp phải sự cạnh tranh trực tiếp quyết liệt hơn từ Trung Quốc.

Theo báo cáo, cạnh tranh quyết liệt nhất là trong mảng bán dẫn, hóa dầu, và màn hình điện tử. 

Cạnh tranh như thế diễn ra dưới không chỉ hình thức thương mại song phương, mà còn dưới hình thức cạnh tranh xuất khẩu.

Chẳng hạn, cạnh tranh giữa 2 nước về xuất khẩu các mặt hàng công nghệ cao vào thị trường Mỹ đã gia tăng trong giai đoạn 2011-2018, và sau đó là cạnh tranh xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á, trong lúc hàng hóa Trung Quốc bán sang Mỹ giảm do tranh chấp thương mại Mỹ-Trung Quốc.

Theo KITA, xuất khẩu các mặt hàng công nghệ cao của Trung Quốc sang Mỹ tăng trung bình 7,6% hàng năm trong thời kỳ từ năm 2011-2018, tức là cao hơn Hàn Quốc 2,3 % .

Sau đó, xuất khẩu hàng công nghệ cao của Trung Quốc sang Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tăng trung bình 7,7% trong khoảng thời gian từ năm 2018-2020, trong khi chỉ số đó của Hàn Quốc giảm trung bình 11,8% trong cùng kỳ.

Chiến lược ứng phó của Hàn Quốc

Báo cáo của KITA gợi ý Hàn Quốc nên thiết lập một chiến lược quốc gia để chuẩn bị một hệ thống hỗ trợ toàn diện cho các ngành công nghiệp chính.

Báo cáo có đoạn: "Cũng cần phải mở rộng nhân lực kỹ thuật - nền tảng và động lực tăng trưởng của ngành này, đồng thời củng cố an ninh kỹ thuật".

Ngoài ra, báo cáo còn dự đoán về tình trạng xuất khẩu hàng hóa trung gian của Hàn Quốc sẽ giảm tốc do các ngành công nghiệp chủ chốt của Trung Quốc đang đạt được sự độc lập về công nghệ và nước này đang nỗ lực thay thế hoạt động nhập khẩu hàng hóa trung gian.

Báo cáo chỉ ra cách thức xử lý vấn đề này là sửa đổi lại chiến lược xuất khẩu hàng trung gian, từ chỗ "Sản xuất cùng Trung Quốc" thành "Sản xuất cho Trung Quốc".

Hiệp hội Thương mại Quốc tế của Hàn Quốc khuyên nước này cần đoạn tuyệt với việc tập trung vào xuất khẩu hàng hóa trung gian cụ thể như chất bán dẫn và sản phẩm hóa dầu, và tăng xuất khẩu các thành phẩm, trong đó có hàng tiêu dùng.

Hàn Quốc cũng phải giải quyết vấn đề phụ thuộc nặng nề vào nguồn nguyên liệu thô của Trung Quốc, như là tình trạng thiếu ure gần đây.

Nhiệm vụ mở rộng chuỗi cung ứng sẽ đặc biệt quan trọng đối với các nguyên liệu thô thiết yếu đối với các ngành sản xuất chủ lực của Hàn Quốc như đồ bán dẫn, sản phẩm hóa dầu, và ô tô.

Theo dữ liệu mà KITA đã xem xét vào tháng 9/2021, sự phụ thuộc của Hàn Quốc vào Trung Quốc đối với các nguyên liệu thô thiết yếu cho các ngành trên là cao đến mức độ nguy hiểm.

Thí dụ, Hàn Quốc nhập từ Trung Quốc tới 94,7% oxit vonfram (cần thiết để sản xuất chất bán dẫn) và 100% magiê dạng thỏi để sản xuất hợp kim nhôm cho các linh kiện ô tô.

Báo cáo của KITA cảnh báo: "Cần phải quản lý kỹ càng các chuỗi cung ứng nguyên liệu thô thiết yếu đối với các ngành sản xuất chủ chốt. Đồng thời, cũng phải theo dõi kỹ lưỡng bất cứ sự thay đổi nào trong chính sách và hoạt động sản xuất của Trung Quốc".

Trung Hiếu/VOV.VN biên dịch

Nguồn: SCMP

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục